Ông Nguyễn Thiện Nhân: Cần đối thoại với ngư dân trong thiết kế tàu vỏ sắt

31/03/2015 18:21 GMT+7

(TNO) Sáng 31.3, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đã về thăm và làm việc tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

(TNO) Sáng 31.3, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đã về thăm và làm việc tại huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Ông Nhân thăm cơ sở thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Tam QuanÔng Nguyễn Thiện Nhân (áo xanh dương) thăm cơ sở thu mua cá ngừ đại dương tại Cảng cá Tam Quan - Ảnh: Hoàng Trọng
Tại đây, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát thực tế Cảng cá Tam Quan (ở xã Tam Quan Bắc), thăm cơ sở đóng tàu của Công ty cổ phần thủy sản Hoài Nhơn và trao đổi trực tiếp với các ngư dân huyện Hoài Nhơn về tình hình đánh bắt trên biển.
Trình bày với ông Nguyễn Thiện Nhân, ngư dân Trần Văn Sơn (41 tuổi, thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc), kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để ngư dân vay vốn đóng tàu hậu cần công suất lớn, đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hồng (thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc), kiến nghị Trung ương phải xem xét hỗ trợ vốn, nghiên cứu giải pháp để khắc phục tình trạng bồi lấp Cảng cá Tam Quan. Cửa biển Cảng cá Tam Quan thường xuyên bị cát bồi lấp khiến tàu thuyền ngư dân ra vào khó khăn, hay gặp tai nạn dẫn đến chìm tàu. Hằng năm, chính quyền địa phương có nạo vét nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Ngư dân Nguyễn Được (thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc) cho biết vẫn chưa yên tâm với 21 mẫu tàu sắt đóng mới theo Nghị định 67 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. “Mẫu tàu sắt mới dài 24 m nhưng thực chất là do mũi tàu dài, còn phần khoang tàu thì chưa đủ độ dài để phù hợp với nghề lưới rê. Phải điều chỉnh thân tàu sắt lên 27 - 29 m mới phù hợp. Công suất máy cũng phải nâng cao hơn, khoảng 800-900 CV thay vì 650 CV như quy định”, ông Được nói.
Còn ngư dân Trần Kim Trung (ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) lo lắng rằng: “Dự toán thiết kế tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 khoảng 12-13 tỉ đồng, nếu ngư dân vay tiền, góp vốn đóng tàu xong đã sạch vốn rồi, tiền đâu mà sắm ngư lưới cụ để ra khơi? Chúng tôi kiến nghị nên dự toán đóng tàu vỏ sắt lên 20 tỉ đồng, để ngư dân đóng tàu còn có tiền sắm thêm ngư lưới cụ ra khơi”.
Ông Nhân thị sát cơ sở đóng tàu của Công ty cổ phần thủy sản Hoài NhơnÔng Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở đóng tàu của Công ty cổ phần thủy sản Hoài Nhơn - Ảnh: Hoàng Trọng
Làm việc tại UBND xã Tam Quan Bắc, sau khi tiếp tục nghe các kiến nghị của bà con ngư dân, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của ngư dân và lãnh đạo tỉnh Bình Định trong việc phát triển nghề đánh bắt xa bờ và cho biết những kiến nghị của ngư dân rất chính đáng nên sẽ tiếp nhận để trình lên Chính phủ trong phiên họp vào ngày 1.4. Đồng thời, ông Nhân cũng căn dặn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định cùng đi trong đoàn rằng những công việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh thì tỉnh nên tăng cường giải quyết sớm cho ngư dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đóng tàu vỏ sắt chi phí cao hơn nhưng sẽ bền hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều. Hiện Đại học Nha Trang đang có giải pháp bọc vỏ nhựa cho tàu vỏ gỗ, chi phí khoảng 250 triệu nhưng sẽ kéo dài thời gian về độ bền cho tàu. Đây cũng là một giải pháp đáng quan tâm, lãnh đạo tỉnh Bình Định nên xem xét, nghiên cứu.
“Công ty cổ phần thủy sản Hoài Nhơn liên kết với 2 nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng để xây dựng nhà máy đóng tài vỏ sắt tại huyện Hoài Nhơn là rất đáng hoan nghênh. Triển khai Nghị định 67, cần phải tăng cường đối thoại với ngư dân nhiều hơn trong việc thiết kế mẫu tàu vỏ sắt cho phù hợp với thực tế đánh bắt”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.