Ông Sarkozy xa dần Điện Élysée

24/04/2012 03:19 GMT+7

Kết quả kiểm phiếu vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp đã khẳng định ưu thế của ứng viên đảng Xã hội François Hollande.

Theo thông cáo chính thức của Bộ Nội vụ Pháp vào sáng qua, ông Hollande đã dẫn đầu ở vòng 1 với 28,63% số phiếu. Đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy xếp thứ hai với tỷ lệ phiếu 27,18%. Như vậy, vòng “chung kết” vào ngày 6.5, đúng như các thăm dò trước đó, sẽ là cuộc đối đầu tả - hữu truyền thống giữa đại diện của đảng Xã hội và đảng cầm quyền UMP.

Cánh tả vững tiến

Con đường đến Điện Élysée của ông Hollande đang ngày càng bằng phẳng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử của Pháp, tổng thống đương nhiệm ra tranh cử lại không đứng đầu ở vòng 1. Ứng viên đảng Xã hội về đầu tại 35 tỉnh mà ông Sarkozy từng xếp thứ nhất ở kỳ bầu cử năm 2007, trong đó có cả Sarthe, nơi đương kim Thủ tướng François Fillon từng là Chủ tịch hội đồng tỉnh. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa, một ứng viên cánh tả đạt số điểm cao nhất tại thủ đô Paris. Tổng cộng 13/20 quận của thủ đô Pháp đã ngả sang màu hồng của đảng Xã hội, trong khi Tổng thống Sarkozy chỉ “trụ” lại được ở 7 quận. Ở nhiều thành phố lớn khác như Lille, Toulouse, Rennes, ông Hollande cũng đứng đầu với cách biệt khá an toàn so với đối thủ của đảng UMP.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng cuộc đua đã kết thúc. Không phải ứng viên nào dẫn đầu ở vòng 1 cũng giành thắng lợi ở trận chiến sau cùng. Năm 1995, ông Lionel Jospin đạt số điểm cao nhất ở vòng 1 nhưng lại thất bại trước đối thủ Jacques Chirac ở vòng 2. Các chính trị gia cộm cán của đảng UMP đều lập luận rằng trong vòng 1, Tổng thống Sarkozy gần như ở thế 1 chọi 9 khi là tầm ngắm chỉ trích của tất cả ứng viên khác nhưng đến vòng 2 thì chưa chắc “mèo nào cắn mỉu nào”.

 
Người ủng hộ ông Hollande bày tỏ niềm vui trước trụ sở đảng Xã hội - Ảnh: Lan Chi

Cực hữu trỗi dậy

Điểm nhấn kế tiếp của vòng 1 là kết quả cao đột biến của ứng viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen. Bà Le Pen đạt 17,9% số phiếu, cao kỷ lục đối với FN và hơn từ 2-3% so với các thăm dò trước đó. Ngay cả cha bà, ông Jean-Marie Le Pen khi bất ngờ vượt qua ứng viên Lionel Jospin của đảng Xã hội để lọt vào vòng 2 kỳ bầu cử tổng thống năm 2002 cũng chỉ được ủng hộ với tỷ lệ 16,9%. Bà Le Pen và các cộng sự đều xem kết quả này là một thắng lợi để khẳng định đảng FN đã trở thành một thế lực chính trị tại Pháp.

Đây cũng là đòn “hồi mã thương” đối với Tổng thống Sarkozy. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông thường xuyên phát biểu những chủ đề mang tính dân tộc chủ nghĩa nhằm lôi kéo cử tri của đảng FN. Tuy nhiên, những người ủng hộ bà Le Pen đa phần thuộc giới lao động bình dân, vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khủng hoảng kinh tế, nên chỉ xem các luận điểm của ông Sarkozy là “bắt chước” và càng dồn phiếu cho ứng viên đảng FN.

Không chỉ vậy, trong lúc các ứng viên cánh tả khác đều trực tiếp hoặc gián tiếp kêu gọi cử tri của mình ủng hộ ông Hollande trong vòng 2 thì Tổng thống Sarkozy hầu như bị các đảng cánh hữu bỏ rơi. Vì thế, thăm dò dư luận của Viện Ipsos ngay sau khi có kết quả vòng 1 tiếp tục khẳng định ông Hollande sẽ đắc cử vào ngày 6.5 với số điểm 54%, hơn khá xa so với ông Sarkozy (46%).

Đảng Xã hội “vui nổ trời”

Đường Solférino, nơi đặt tổng hành dinh đảng Xã hội, đã thật sự nóng lên dù Paris những ngày qua trở lạnh đột ngột. Hàng ngàn cử tri, hầu hết còn rất trẻ, hò reo inh ỏi trước kết quả bầu cử vòng 1. Trao đổi với PV Thanh Niên, Mariam, 19 tuổi, sinh viên Đại học Science Politique hào hứng: “Tôi rất vui khi ứng viên của mình chiến thắng ở vòng 1, đây là động lực quan trọng để tiếp tục hướng đến vòng 2. Nhất là ông Hollande đã dành cho giới trẻ sự quan tâm đặc biệt trong cương lĩnh tranh cử.

Niềm vui có phần không trọn vẹn khi bà Marine Le Pen về thứ 3 với số điểm quá cao và 1/5 người dân Pháp đã hướng về tư tưởng cực hữu. Nhưng cũng vì vậy mà chúng tôi sẽ càng ủng hộ ông Hollande mạnh mẽ hơn”. Chị Cécile, phóng viên một trang tin chuyên về sức khỏe, nhận xét: “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là hồi kết của Tổng thống Sarkozy. Điều khiến tôi bất bình nhất là ông ấy gây chia rẽ người Pháp, làm người trẻ chống lại người về hưu, người thất nghiệp chống lại người có việc làm, lại hay chỉ trích người nhập cư, quên đi tinh thần liên đới là giá trị căn bản của nền cộng hòa”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi (từ Paris, Pháp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.