Ông Tập Cận Bình đang bị sức ép lớn vì kinh tế suy thoái?

04/09/2015 16:29 GMT+7

(TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp sức ép như lúc này khi thị trường chứng khoán liên tục biến động và tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, theo nhận định từ các chuyên gia và nguồn tin chính trị tại Trung Quốc.

(TNO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa bao giờ gặp sức ép như lúc này khi thị trường chứng khoán liên tục biến động và tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, theo nhận định từ các chuyên gia và nguồn tin chính trị tại Trung Quốc.

>> Ai là người cùng Chủ tịch Tập Cận Bình điều hành kinh tế Trung Quốc?
>> Ông Tập Cận Bình đang làm gì khi kinh tế Trung Quốc bất ổn?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi tại Bắc Kinh vào ngày 2.9 - Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc đã chủ trì buổi lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai tại quảng trường Thiên An Môn hôm 3.9. Ba tuần sau, ông sẽ thăm chính thức nước Mỹ. Tuy nhiên, vị thế của ông Tập đang trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết từ lúc lên nắm quyền năm 2012, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) đầu tuần này dẫn nhận định của các nhà phân tích và nguồn tin nội bộ tại Trung Quốc.

Hình tượng người lãnh đạo quyết tâm và có khả năng hơn những người tiền nhiệm của ông Tập đang bị lung lay bởi cách xử lý khủng hoảng trên thị trường tài chính, cách đối phó với suy thoái kinh tế, chính sách phá giá đồng nhân dân tệ và cách xử lý vụ cháy nổ kho hóa chất ở Thiên Tân, theo các nguồn tin của The Wall Street Journal. Suy thoái về kinh tế càng khiến thông tin trong nội bộ Trung Quốc cho rằng ông Tập đã tự quyết định quá nhiều chuyện, và đã tập trung quá nhiều vào các mục tiêu chính trị và các vấn đề đối ngoại, khiến kinh tế trong nước “lãnh đủ”.

“Mọi người dường như đều muốn ông ấy phải có tuyên bố về mọi việc trước khi hành động”, một quan chức cấp cao giấu tên trong đảng Cộng sản Trung Quốc bình luận.

The Wall Street Journal cho biết kể từ sau khi nhậm chức hồi năm 2012 và đề xướng “Hoa Mộng” (giấc mơ Trung Hoa), Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo dựng hình ảnh của mình như người lãnh đạo quyền lực bậc nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua bằng việc nắm quyền chỉ huy quân đội và triển khai chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn.

Tuy nhiên, những sự kiện mới đây đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu vừa tăng cường sức mạnh trong đảng vừa tạo ra một trật tự mới về địa chính trị thế giới của Trung Quốc, tờ báo Mỹ đánh giá.

Sai nước cờ trong xử lý khủng hoảng thị trường chứng khoán?

Một nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử cập nhật giá cổ phiếu tại một công ty môi giới chứng khoán ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc - Ảnh: AFP

The Wall Street Journal cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình đã tránh công khai phát biểu về đợt sụt giảm mạnh mới đây trên thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư và quan chức Trung Quốc đã đổ lỗi cho Thủ tướng Lý Khắc Cường thất bại trong việc vực dậy thị trường. Tuy nhiên, một số thành viên trong nội bộ lãnh đạo Trung Quốc lại cho rằng chính ông Tập cũng góp phần vì đã trao quyền quyết định các công việc hằng ngày, bao gồm các quyết định về quản lý kinh tế vốn thuộc quyền hạn của thủ tướng, cho các ủy ban dưới quyền ông. Quyền hạn bị hạn chế của ông Lý đã lộ ra sau khi thị trường chứng khoán tụt dốc.

Tại một phiên họp khẩn vào ngày 4.7, ông Lý đã yêu cầu các cơ quan giám sát tài chính trong nước phải có biện pháp hỗ trợ giá cổ phiếu. Nhưng chỉ có cơ quan quản lý chứng khoán phản ứng ngay lập tức yêu cầu của Thủ tướng Trung Quốc khi thông báo rằng ngân hàng trung ương sẽ cấp gói tín dụng không giới hạn cho một công ty nhà nước để mua lại cổ phiếu.

Mãi đến 4 ngày sau, ngân hàng trung ương mới lên tiếng xác nhận thông tin này sau khi thị trường tiếp tục giảm sâu thêm 2 ngày nữa; và sau khi ông Tập đưa ra chỉ đạo thị trường “phải đỏ trở lại”, một nguồn tin trong nội bộ chính phủ Trung Quốc tiết lộ với The Wall Street Journal.

Tại Trung Quốc, trên bảng điện tử tại các sàn giao dịch chứng khoán, giá chứng khoán có màu đỏ khi tăng điểm vì người Trung Quốc quan niệm màu đỏ là màu mang lại tài lộc.

Chỉ đạo nói trên được ông Tập đưa ra ngay trước khi sang Nga dự hội nghị vào ngày 8.7, và nhiều quan chức Trung Quốc cho biết Chủ tịch Trung Quốc muốn bình ổn thị trường trước khi gặp nguyên thủ các quốc gia khối BRIC (khối các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi). The Wall Street Journal cho biết đại diện chính phủ Mỹ đã không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này của tờ báo Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật - Ảnh: Reuters

Sức ép cực lớn từ suy thoái kinh tế

Những người ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng ông đã làm suy yếu đối phương bằng chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn và bằng việc tước đi quyền ra quyết định của bộ máy nhà nước quan liêu.

Dẫu vậy, ông Tập vẫn đang rất cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong nội bộ nhằm thông qua kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tại cuộc họp của Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 tới. Ông Tập còn cần hậu thuẫn để đảm bảo rằng các đồng minh của ông sẽ được thăng chức trong đợt bổ nhiệm lãnh đạo sắp tới trong năm 2017.

“Ông Tập Cận Bình đã gây được ấn tượng rằng ông ấy rất mạnh, nhưng thực chất ông đang phải đối mặt với sự chống đối khốc liệt và dai dẳng. Giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc đang bị sức ép cực lớn về tình trạng suy thoái kinh tế”, ông Hoàng Tĩnh, chuyên gia về chính trị và ngoại giao Trung Quốc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.