'Ông trùm' Hugh Hefner qua đời: 'Đế chế' Playboy đang đến hồi suy tàn?

01/10/2017 15:56 GMT+7

Cái chết của nhà sáng lập có phải là dấu chấm hết cho một biểu tượng văn hóa tình dục ở Mỹ đã tồn tại hơn 60 năm qua và biến cái tên Playboy trở thành thứ ai muốn coi thì phải đến bảo tàng?

Hình ảnh Hugh Hefner mặc bộ đồ ngủ bên cạnh các ''nàng thỏ'' nóng bỏng sẽ đi vào lịch sử sống động của Hollywood Ảnh: Reuters
Hugh Hefner đã qua đời. Cái chết của ông ở tuổi 91 sau khi đã hưởng vinh hoa, khoái lạc hơn nửa đời người ngoài việc khiến các fan của Playboy tiếc nuối còn mang lại cảm giác bất an về một tương lai mịt mờ của ''đế chế'' từng là thứ hào nhoáng, xa xỉ nhưng cũng tai tiếng bậc nhất Hollywood.
Một ''đế chế'' khởi nguồn từ 8.000 USD
Ngay từ lúc trẻ, Hugh Hefner đã tỏ rõ là một người có cá tính vượt trội và thiên hướng viết lách nghệ thuật. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo ở bang Illinois (Mỹ) nhưng không theo nghiệp cha mẹ. Ông từng có thời gian đi lính nghĩa vụ nhưng từ chối nối dài nhân duyên với quân đội. Tấm bằng đại học khoa tâm lý cũng chả quyến luyến nổi ông theo đuổi sự nghiệp này khi ngay sau đó, Hefner xin một chân viết lách trong tạp chí Esquire. Tháng 1.1952, ông quyết định thôi việc ở tạp chí này sau khi yêu cầu tăng lương thêm 5 USD/tháng bị từ chối.
Một năm sau, trong lúc loay hoay tìm kiếm định hướng cho tương lai thì Hugh Hefner nảy ra ý tưởng cho xuất bản một quyển tạp chí, lúc đó vốn chưa định hình rõ ràng sẽ là loại tạp chí như thế nào.
Nghĩ là làm, sau khi trình bày ý tưởng của mình với gia đình, bạn bè và một số nhà đầu tư, Hefner có trong tay số tiền 8.000 USD. Cộng thêm 600 USD tiền thế chấp đồ đạc nhà, vậy là chàng thanh niên 27 tuổi khởi nghiệp.
Marilyn Monroe trên Playboy số đầu tiên Ảnh: Playboy
Số đầu tiên của Playboy được Hefner cho đăng tải tấm bìa có hình minh tinh Marilyn Monroe. Đây không phải hình do Playboy tự chụp, tất nhiên, Hefner đã trả 1.000 USD để sử dụng nó. Ấn bản này thậm chí không được ghi ngày phát hành bởi ngay chính người tạo ra nó cũng không chắc có thể ra đời số thứ 2 hay không.
Như một phép màu, tờ tạp chí bán được hơn 50.000 bản trên toàn nước Mỹ. Từ đây ông nhận thấy những hình ảnh “mát mẻ” của phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp này có sức hấp dẫn kỳ lạ. Thế là ông định hướng khai thác Playboy trở thành một tạp chí dành cho đàn ông.
Trong thời đại mà chuyện tình dục, khỏa thân vẫn còn là điều tế nhị trên báo chí thì Playboy giống như liều thuốc lên tinh thần cho cánh mày râu nước Mỹ, vốn khao khát nói về chuyện ái ân, về tình yêu đôi lứa sau những năm tháng xoay vần với chiến tranh.
Từ khi Playboy ra đời, Hefner đã đập tan định kiến về đàn ông là phải oai hùng như những cao bồi miền viễn Tây hay đam mê những trò thi thố sức mạnh máu chảy, đầu rơi. Và trong lời ngỏ cho số đầu tiên, Hefner viết về gu của đàn ông: "Đàn ông chúng tôi thích pha trộn các loại rượu mạnh, ăn những món ngon, thưởng thức những bản nhạc du dương và mời những cô gái tham gia luận đàm những câu chuyện về Picasso, triết học, nhạc Jazz và cả tình dục”.
Với những lời lẽ nghe xong chỉ muốn gật gù đó, Hefner đã ''thâu tóm'' gần như toàn bộ độc giả nam tại nước Mỹ. Nhờ vậy, trong thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1970, có tháng Playboy “tẩu tán” được hơn 7 triệu bản và dù sau này có nhiều tờ tạp chí ăn theo xuất hiện trên thị trường thì Playboy vẫn có chỗ đứng rất vững chắc trong lòng người đọc. Nhắc đến Playboy, người ta nghĩ ngay đến những cô nàng khỏa thân nóng bỏng, ưỡn ẹo trên trang nhất tạp chí có in logo của một chú thỏ nhí đeo nơ.
Internet bùng nổ, Playboy đi vào thời kỳ thoái trào
Bước sang thế kỷ 21, sự bùng nổ của internet giúp một số ngành ăn nên làm ra nhưng cũng khiến vài ngành khác lâm vào trình trạng lao đao. Không may, tạp chí Playboy lại nằm trong loại thứ 2.
Báo giấy và tạp chí nói chung bắt đầu bị thay thế bằng những trang tin, báo điện tử. Trong khi đó, Playboy - một tạp chí chuyên đăng tải hình khỏa thân của người mẫu, mỉa mai thay, lại chịu lép vế bởi những website khiêu dâm, nơi mà chỉ cần một cú nhấp chuột, họ có thể xem được cả tá hình ảnh “mát mẻ”. Là thứ nude 100%, sinh động chứ không phải loại “nửa kín nửa hở” đăng trên Playboy và quan trọng là… miễn phí.
Số lượng tạp chí xuất bản năm 2014 đã giảm xuống chỉ còn 800.000 bản mỗi năm, bằng 1/10 so với năm 1972. Giá trị của tập đoàn này vào năm 2000 là khoảng 1 tỉ USD giờ đây đã tụt xuống còn 84 triệu USD theo thị giá cổ phiếu của tập đoàn tại phố Wall (số liệu năm 2009).
Cũng như các tờ báo in “vùng vẫy” trong thời kỳ bùng nổ internet bằng cách lập ra các trang điện tử (song song với việc duy trì phát hành báo giấy) và sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin hiệu quả, Playboy cũng cố gắng đăng tải một số nội dung của mình lên các trang như Facebook, Twitter hay Instagram nhưng việc làm này có vẻ không hiệu quả.
Kate Moss - nàng thơ của Playboy Ảnh: Playboy
Bởi Playboy xây dựng tên tuổi với độc giả bằng cảm giác chân thực khi cầm lên cuốn tạp chí còn thơm mùi mực, lần giở những trang viết và à ồ lên khi thấy "nàng thơ" mình vẫn mơ về hằng đêm đang chình ình trước mắt và... không mảnh vải che thân.
Phải thừa nhận rằng nguồn thu chính của Playboy tới từ việc bán quảng cáo trên tạp chí chứ không phải mạng xã hội. Những khách hàng của họ ngày càng ái ngại hơn khi phải thương thảo bản hợp đồng cả tấn tiền. Đổi lại, sản phẩm quảng cáo chỉ xuất hiện trên tờ tạp chí với doanh số đang sụt giảm nặng nề và chán nản hơn là một tháng chỉ ra một lần, một tỉ lệ tiếp cận bạn đọc quá thấp. So với những trang mạng xã hội có tới hàng trăm ngàn người ra vào hằng ngày, đây quả là sự so sánh khập khiễng.
Điều gì tới cũng phải tới. Từ tháng 3.2016, Playboy tuyên bố ngừng đăng ảnh khỏa thân vì cho rằng việc này đã lỗi thời. Ngay cả CEO Scott Flanders cũng phải cay đắng thừa nhận: “Bây giờ, bạn chỉ cần một cú nhấp chuột là có tất cả những nội dung mình muốn, tất cả đều miễn phí”. Không còn ảnh khỏa thân, Playboy chỉ là "cái xác không hồn" và là điềm báo cho một tương lai tối tăm.
Cùng với đó là việc Hugh Hefner rao bán căn biệt thự Playboy đã đi vào huyền thoại như một dấu chấm hết cho sự nghiệp lẫy lừng của người đàn ông “biết cách hưởng thụ nhất nước Mỹ”. Hiện căn biệt thự này đã có chủ sở hữu mới sau khi người này chịu bỏ ra 200 triệu USD để mua lại.
Hổ phụ liểu có sinh hổ tử?
Tuy nhiên, năm nay, Playboy quyết định quay trở lại với tiêu chí cũ vì nhận ra việc ngừng đăng ảnh khỏa thân là "một sai lầm". Người đề xuất ý kiến này và thuyết phục các cổ đông không ai khác chính là Cooper Hefner, cậu con trai út của Hugh Hefner với người vợ thứ hai Kimberley Conrad. Tháng 7.2016, Hugh Hefner từ chức, Cooper tiếp quản vị trí của cha để lại và nuôi tham vong khôi phục lại ''đế chế'' Playboy mạnh mẽ khi chỉ mới bước qua tuổi 25, cái tuổi thậm chí còn trẻ hơn cả cha anh khi thành lập Playboy năm xưa.
Trong một bài phỏng vấn còn “nóng hổi” với tờ Hollywood Reporter vào tháng 8 vừa qua, Cooper nhận định sắc bén rằng: “Ảnh khỏa thân không còn là vấn đề trong xã hội ngày nay nữa. Mà vấn đề thật sự nằm ở cách trình bày nó”.
Quả thật, chỉ với một thao tác tìm kiếm cơ bản trên Google, bạn sẽ được “rửa mắt” miễn phí với những tấm ảnh khỏa thân. Vậy thì tại sao độc giả vẫn cần Playboy?
Bằng chứng dù sụt giảm doanh số, nhưng đó chỉ là con số so sánh với quá khứ huy hoàng. Đối với những tờ tạp chí khác, lượng ấn phẩm được xuất bản hằng tháng của Playboy vẫn là một con số đáng ngưỡng mộ, hơn cả MaximGQ cộng lại. Không chỉ đăng tải ảnh khỏa thân mà Playboy còn tích hợp cả những bài viết về các nhân vật, những bài phỏng vấn, nhận định sâu, những truyện ngắn văn học của các cây bút nổi tiếng. Điều này đáp ứng được phần nhìn và cả phần nội dung vốn là hai thứ cốt lõi của một tờ tạp chí.
Để chứng minh cho nhận định này, không có gì thuyết phục hơn khi Cooper mang chúng áp dụng vào chính người thân mình. Tháng 3.2017, tạp chí Playboy quyết định đăng ảnh khỏa thân trở lại với ''tuyên ngôn'': "Khỏa thân là bình thường". Scarlett Byrne - vị hôn thê của Cooper được chọn để chụp bộ ảnh tái khởi động thời đại mới của Playboy. 
Scarlett Byrne, vị hôn thê của Cooper Hefner Ảnh: Playboy
Nhan sắc của Kimberley Conrad mặn mà hơn trong bộ ảnh tái hiện (bên trái) Ảnh: Playboy
Sau đó, anh quyết định ngỏ ý với mẹ - cựu người mẫu Kimberley Conrad về việc tái hiện lại bộ ảnh khỏa thân của bà vào năm 1988. Và tháng 6 năm nay, bộ ảnh này ra đời với hàng loạt sự tán dương của người hâm mộ bởi nhan sắc trẻ mãi không già của cựu người mẫu. Nhiều người còn thốt lên rằng họ như được quay trở về thời cách đây 20, 30 năm, khi mà những cậu sinh viên mới lớn hào hứng lật từng trang Playboy cốt chỉ để ngắm Lisa Matthews, Cathy St. George hay Renee Tenison.
Có lẽ Cooper sẽ đúng khi đưa ảnh khỏa thân trở lại. Bởi Playboy trở thành một mặt hàng xa xỉ là vì vẻ tinh tế trong hình ảnh trần trụi của cơ thể người. Nó hướng tới tầng lớp độc giả cao cấp hơn, những người muốn vừa nâng niu những trang giấy bóng lẫy, vừa ngắm nghía, cảm nhận chứ không phải thứ cảm xúc trôi tuột như khi ta xem ảnh miễn phí trên mạng.
Trong quá trình tái thiết lại Playboy, Cooper nhận mình gặp không ít khó khăn vì bản tính hiếu thắng, xốc nổi và non kinh nghiệm. Anh thường xuyên tìm lời khuyên từ chị gái Christie (người từng điều hành công ty trong hơn hai thập niên trước khi từ chức vào năm 2009): "Chị ấy thường khuyên tôi nên giữ một trái tim nóng và một cái đầu lạnh trong mọi cuộc thảo luận. Nhưng ở tuổi 25, đó thực sự là một thử thách”.
Cooper và cha mình Ảnh: Reuters
Sau khi Hugh Hefner mất, trọng trách đè lên vai Cooper ngày càng nặng nề với số phận của hàng chục ngàn nhân viên, tương lai của cả một biểu tượng giải trí của Mỹ từng ở vị trí độc tôn và quan trọng hơn là niềm tự hào của cha anh.
Cooper từng tự tin tuyên bố rằng: “Tôi sẽ tái thiết lại Playboy, một Playboy của thế hệ chúng tôi”. Không ai dám chắc liệu Cooper có lèo lái con thuyền đi vào quỹ đạo tịnh tiến như lời anh nói hay không. Nhưng ở phương Tây có một câu như thế này: “Like father like son”, dịch nôm na là "hổ phụ sinh hổ tử". Hugh Hefner chắc chắn là một “con hổ” giữa rừng Hollywood thì tại sao Cooper lại không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.