Theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 1.4.2009, TP.HCM có 7.123.340 người. So với 10 năm trước, dân số TP tăng thêm 2,086 triệu người (tăng 41,4%) và chiếm 22% số dân tăng thêm của cả nước. Mật độ dân số lên đến 3.400 người/km2, tăng bình quân 1.000 người/km2 so với 10 năm trước là 2.404,4 người/km2.
Tăng chóng mặt
Bà Nguyễn Thị Hoa - chủ một tiệm phở trên đường Quang Trung (P.12, Q.Gò Vấp) - kể: “Tôi mua nhà ở đây vào 8 năm trước, lúc đó con đường Quang Trung được xem như một đại lộ của quận Gò Vấp. Xe cộ rất thưa thớt, đường thênh thang. Bây giờ thì lúc nào “đại lộ” này cũng ngập xe”. Phường 12 thuộc quận Gò Vấp trước năm 2007 là phường có số dân đông nhất nước (trên 107.000 người), sau đó, khi sắp xếp lại địa giới các phường và phân bổ lại nguồn dân cư, quận Gò Vấp phải chia phường ra thành 4 khu vực và sáp nhập mỗi khu vực vào một phường mới, thành ra một bộ phận dân cư phường 12 cũ được “biên chế” vào các phường 8, 9, 12 và 14. Thế nhưng, sau khi chia tách, chỉ trong vòng 3 năm dân số phường 12 mới từ khoảng hơn 40 ngàn dân nay đã tăng vọt lên gần gấp đôi, trong đó có hơn 2/3 là dân mới nhập cư.
Tại quận Tân Phú, Tây Thạnh cũng là phường có mức độ tăng dân số nhanh. Tính trung bình mỗi năm phường này tăng hơn 5.000 dân. Lúc quận Tân Bình mới tách ra thành 2 quận Tân Bình và Tân Phú, dân số Tây Thạnh chỉ khoảng 30.000 người, nhưng sau hơn 3 năm, dân số của phường đã tăng lên hơn 45.000 người. Tương tự, các phường Hiệp Thành, Thới An, Tân Chánh Hiệp (quận 12), hằng năm bình quân mỗi phường tăng từ 3.000 - 5.000 người, cá biệt có năm phường Hiệp Thành tăng gần 10.000 dân. Đó là những năm có những biến động thiên tai lớn ở miền Trung, miền Bắc hoặc khi các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn có chương trình tuyển dụng lao động.
Theo kết quả từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở được công bố vào ngày 23.10.2009, tỷ lệ tăng dân số trong vòng 10 năm (1999-2009) tại TP.HCM là rất cao. Nếu như trong hai thời kỳ 1979-1989 và 1989-1999, dân số thành phố tăng tự nhiên là chủ yếu thì trong 10 năm trở lại đây, dân số tăng nhanh là do tăng cơ học. Cũng theo kết quả tổng điều tra, quy mô dân số bình quân mỗi quận, huyện của thành phố hiện là 296.806 người, bằng 1,3 lần quy mô dân số bình quân quận, huyện năm 1999. Trong đó Bình Tân là quận có dân số cao nhất với 572.796 người, Gò Vấp thứ nhì với 515.954 người. Huyện Cần Giờ có dân số thấp nhất trong số 24 quận, huyện với 68.213 người, kế đó là Nhà Bè với 99.172 người.
Chen chúc để sống
Nữ công nhân Trương Thị Thúy Ngọc làm việc trong một phân xưởng thuộc Công ty giày da Huê Phong cho biết: “Để có chỗ ở, em và 3 bạn khác phải thuê phòng trọ trong một con hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Chiêu. Phòng chỉ khoảng 8m2 và đành phải ăn uống, nghỉ ngơi trên một diện tích nhỏ hẹp như vậy. Mỗi tháng, sau khi lãnh lương, mỗi đứa đóng góp 150.000 đồng để trả tiền thuê phòng và khoảng 30.000 đồng tiền điện, nước”. Tình cảnh của Ngọc cũng là tình cảnh chung của nhiều công nhân đang lao động.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cộng đồng - nhận định: “Nếu như dân số liên vùng không đe dọa TP.HCM thì nguy cơ lại xuất hiện ở phân bổ nội vùng. Điều lo lắng nhất là khu vực trung tâm và đặc biệt là hạt nhân TP sẽ tăng dân cư trở lại sau khi giảm đôi chút. Khu vực trung tâm ở đây được hiểu là quận 1 và quận 3. Từ năm 1997-2004, dân số các quận trung tâm giảm dần, trong đó quận 1 từ 282.000 người giảm xuống còn 198.000 người (giảm 2,43%/năm), quận 3 từ 260.000 người giảm còn 201.000 người (giảm 1,82%/năm). Nhưng từ 2005 trở đi, đang có nguy cơ tăng trở lại. Lý do là UBND TP.HCM đã tạo điều kiện cho xây dựng quá nhiều cao ốc văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và chung cư cao tầng theo cách thức móc lõm các trục đường của khu vực hạt nhân TP. Khu vực hạt nhân này có diện tích khoảng 7,5 km2, bao gồm phần đất của quận 1 và quận 3”. T.T.B |
Ông Nguyễn Văn Mừng - một chủ kinh doanh phòng trọ có 30 phòng cho thuê gần KCN Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), cho biết: “Hằng tháng, phòng trọ của tôi đều lấp kín với số công nhân thuê chỗ ở xấp xỉ 100 người. Hiện có rất nhiều người mua đất kinh doanh phòng trọ và thu nhập từ việc này khá ổn định”. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hầu hết các phòng trọ cho thuê gần các khu công nghiệp đều không đảm bảo được các yếu tố cần thiết cho việc ăn ở của công nhân. Riêng tại phường 15 (Tân Bình) hiện có đến 3.000 phòng trọ với sức chứa lên đến hơn 10.000 người, còn ở phường Tây Thạnh (Tân Phú), có 1.415 hộ ngăn 14.000 phòng cho 15.372 người đến thuê trọ, mỗi cảnh sát khu vực của phường phải quản lý đến 4.500 - 5.000 nhân khẩu, một con số quá lớn so với quy định của ngành công an.
Trong một cuộc tọa đàm về vấn đề thu hút đầu tư vào các KCN được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Võ Sơn Điền - một chuyên gia của Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Bình Dương (Becamex IDC Corp) - nhận xét: “Tình trạng nhập cư lao động và thiếu hụt nhiều điều kiện cần thiết về dân sinh (như thu nhập thấp, chỗ ở không đảm bảo, chất lượng bữa ăn thấp...) cho người lao động tại các KCN tập trung ở các đô thị lớn hiện nay là một vấn đề vô cùng nhức nhối. Thử tính bình quân một DN sản xuất hàng gia công có khoảng 1.000 lao động, trên cả nước có hàng chục ngàn DN thì con số lớn biết chừng nào. Điều kiện sống quá thấp sẽ dẫn đến hậu quả là hàng triệu thanh niên này sau khi kết hôn, sẽ cho ra đời một thế hệ mới không hội đủ các yếu tố phát triển, khiến cho nòi giống sẽ bị ảnh hưởng”.
Khu vực trung tâm sẽ còn bị áp lực
Ông Dư Phước Tân - Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng: “Áp lực dân số là một bài toán lớn mà TP.HCM phải giải quyết bằng nhiều biện pháp. Các DN hầu như chỉ tính toán lợi nhuận khi kinh doanh, việc điều phối dân cư một cách tự giác (chứ không phải bằng biện pháp hành chính) là trách nhiệm của chính quyền. Chẳng hạn, theo thống kê, dân số vài quận nội thành trong vài năm trước đây có giảm chút ít nhưng việc cho xây dựng quá nhiều cao ốc văn phòng hoặc căn hộ ở khu vực trung tâm lại sẽ thu hút một số lượng lớn dân cư tập trung vào khu vực nội đô. Vấn đề này sẽ càng tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật vốn đã quá tải”. Cũng theo ông Tân, nhiều năm trước đây TP.HCM phát triển theo mô hình “đơn cực, đa trung tâm”, tức là mở rộng theo kiểu “vết dầu loang”, trong khi đúng ra là phải phát triển theo mô hình “đa cực, đa trung tâm”. Đây là một hướng phát triển đối với các đô thị có sức ép về dân số quá “nóng”, nhiều nước trên thế giới đã từng áp dụng thành công và rất may là Quy hoạch vùng đô thị TP.HCM do Thủ tướng phê duyệt năm 2008 đã đi theo chiều hướng này.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị cũng đồng tình với mô hình phát triển “đa cực, đa trung tâm”. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng việc hình thành các chuỗi đô thị vệ tinh đúng ra phải triển khai từ cách đây 15 năm và việc phát triển “nóng” các dự án nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm là bước đi ngược. “Mô hình chuỗi đô thị vệ tinh là một mô hình giãn dân rất hiệu quả nếu Nhà nước thúc đẩy phát triển để các đô thị này đảm bảo tiện ích sống, công ăn việc làm được phát triển đồng bộ. Người dân sẽ tự giác dịch chuyển ra các khu vực ngoại thành, một khi họ cảm thấy ở đó có cuộc sống dễ chịu hơn. Chỉ tiếc rằng, hơn 10 năm trước đây hàng ngàn dự án đã được giao cho các công ty tư nhân. Bây giờ, để giảm áp lực dân số cho TP.HCM chỉ còn cách tạo động lực để thu hút dân ra các tỉnh nằm trong vùng đô thị TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An...”.
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)