Ông chủ Kềm Nghĩa mua du thuyền

10/09/2010 14:36 GMT+7

(TNTS) Cái tin “mua một lần 3 chiếc du thuyền” khiến ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ Công ty Kềm Nghĩa được “nổi tiếng bất đắc dĩ”. Ông chia sẻ: Từ lâu tôi đã thích sông nước, mua nhiều tàu, thuyền...

Và lần này, ông muốn “mua một chiếc tàu tiện nghi chút, có chỗ ngủ, chỗ ăn, chỗ ngồi chơi ca hát… để có thể thoải mái mời anh em, bè bạn, đối tác du ngoạn sông nước cùng mình”, chứ không phải vì mục đích “trở thành cá nhân đầu tiên ở VN sở hữu du thuyền”.

Những ngày này tìm gặp ông khó quá. Hình như ông đang tránh báo chí sau khi tin tức về việc ông mua 3 chiếc du thuyền lan ra ngoài?

Đúng là chuyện này ngoài dự đoán của tôi. Nhiều người không hiểu, nói tôi khoe khoang giàu có, mua du thuyền. Trong khi ai chơi với tôi rồi đều biết ông chủ Kềm Nghĩa giản dị dễ gần. Tự nhiên giờ mang tiếng “chơi sang mua du thuyền” thì đúng là tôi cũng bị tâm lý e dè với báo chí thật.

Nhưng tin ông vừa đi Mỹ mua 3 chiếc du thuyền và đang chờ hàng chuyển về VN là sự thật. Vì sao ông lại quyết định mua du thuyền?


Mariner -  Ảnh: Lacrosse-wisconsi

Dù sinh ra ở TP.HCM nhưng thời nhỏ gia đình tôi đi kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười, nên tôi mê mùi lúa và sông nước lắm. Cứ ở đâu có nước là tôi thấy thoải mái dễ chịu. Sau này về thành phố kinh doanh, thành công, có chút tiền là tôi theo đuổi cái thú đam mê sông nước này liền. Năm 2004, ít tiền, tôi mua một chiếc cano bằng phao. Loại này có cái tiện là có thể xếp lại, chở đi, đến đâu thích thì bơm đến đó. Sau đó, nhân viên tôi mách “có chiếc tàu nghĩa địa đang bán”. Vậy là tôi chạy đến xem liền. Giá chỉ vài chục triệu đồng. Tôi bỏ thêm hơn trăm triệu nữa để sửa chữa thành chiếc tàu chở được khoảng 8-10 người. Cuối tháng tôi lại rủ bạn bè lên tàu vừa ăn uống, đàn hát, vui lắm. Một lần có người bạn ở Nhật qua chơi. Tôi hào hứng mời ông này lên tàu đi chơi trên sông với mình. Có điều cái tàu này là tàu nghĩa địa nên hay hư lặt vặt. Hôm du ngoạn trên sông đó cũng phải dừng lại sửa. Trước hôm về Nhật, ông khách nói: “Tôi thích tính anh chân thật và thích tàu bè sông nước, ở bên Nhật tôi có chiếc tàu không dùng, tôi muốn tặng cho anh”. Lúc đó tôi bất ngờ quá. Không ngờ ông bạn ấy lại đối đãi với mình vậy.


Party Hut 30 - Ảnh: Holidayrvmarine

Chiếc tàu ông bạn người Nhật tặng đó là chiếc thứ 3 của tôi. Nhiều lần qua Nhật chơi, tôi thường đi xem các loại tàu nhưng bên Nhật chủ yếu là loại tàu câu cá, chứ không phải dạng du thuyền như tôi mơ ước. Bạn tôi chỉ ở Mỹ mới có nhiều loại du thuyền. Vậy là suốt 4 năm nay, mỗi lần đi triển lãm hàng bên Mỹ, tôi lại dành ra 1-2 tuần đi xem du thuyền ở bển. Năm 2007, tôi từng tính mua một chiếc du thuyền. Đã đặt cọc 10% rồi, nhưng sau đó chiếc tàu này không có máy lạnh, nên tôi không mua nữa. Mãi đến đợt qua Mỹ đi triển lãm vừa rồi, tôi mới ghé Los Angeles, mất 5 ngày đi coi để chọn được 3 chiếc tàu này. 1 chiếc tôi mua giùm bạn, 2 chiếc kia tôi mua cho mình. Một là dạng du thuyền, tiện nghi như một căn phòng khách sạn để đi chơi trên biển. Chiếc kia nhỏ hơn, dạng tàu đi hồ câu cá, không gian mở rất thoáng phù hợp với mục đích thích du ngoạn đàn ca trên sông nước của tôi.

Ông có ý định thay đổi nội thất cho những chiếc tàu này như thế nào?

Cả 3 chiếc tàu này đều còn khá mới nên nội thất không cần phải thay đổi gì nhiều. Tôi chỉ yêu cầu đối tác bên Mỹ gắn thêm 2 con dao chặt rác dưới chân vịt vì sông, rạch VN có rác nhiều.

Việc nhập tàu về VN đã đến đâu rồi thưa ông?

Tôi phải thuê 2 công ty có chức năng ủy thác, nhập tàu và vận chuyển về VN. Tuy nhiên, vì tàu khá lớn, nên có thể chỉ chuyển tàu về Hồng Kông, sau đó có lẽ phải thuê tài công lái tàu từ Hồng Kông về VN.


Nội thất Mariner

Ông biết lái tàu chứ?

Tôi có bằng lái tàu chở 4 người thôi (cười).

Trên thế giới, các tỉ phú thích khẳng định đẳng cấp của mình bằng việc sở hữu đảo riêng, mua máy bay, du thuyền. Ở VN cũng có tỉ phú mua máy bay cho riêng mình. Ông nghĩ sao nếu người ta nói ông mua du thuyền là để chơi nổi?

Hồi trước, đã có tin đồn tôi mua du thuyền trị giá triệu đô rồi. Có ông Việt kiều, đối tác của tôi bên Mỹ còn đến tận văn phòng hỏi tôi về tin đồn đó. Tôi bảo ổng: “Có, tôi có thuyền, nhưng không phải du thuyền triệu đô đâu. Anh thích thì tôi lấy thuyền chở anh đi chơi”. Lúc lên tàu, ông ấy mới ngạc nhiên khi thấy tôi chơi cái thuyền cũ như vậy. Nhưng từ đó, ổng chia sẻ với tôi nhiều thông tin về tàu bè, du thuyền hơn, vì ổng cũng chơi du thuyền bên Mỹ.


Nội thất Party Hut 30

Tôi nghĩ những tỉ phú có điều kiện mua du thuyền, máy bay để thể hiện đẳng cấp của mình cũng là chuyện bình thường thôi. Tôi mua du thuyền, ngoài sở thích cá nhân mê tàu thuyền, sông nước, cũng là để làm phương tiện đón tiếp bạn bè, đối tác. Mấy năm nay tôi đã có tàu riêng rồi. Thay vì mời đối tác nước ngoài đi nhà hàng, tôi mời lên tàu của mình, ăn uống, đàn hát, vừa thân tình gần gũi mà cũng giới thiệu được nhiều cảnh đẹp sông rạch ở VN.

Trong chuyến đi Mỹ hồi tháng 5 vừa rồi, ông Tuấn đã chọn mua được 3 chiếc du thuyền. Chiếc lớn nhất dài 12,5 mét gồm 2 phòng ngủ rộng, ông mua giùm cho chủ tịch hội đồng quản trị (CT HĐQT) một ngân hàng lớn ở TP.HCM. Ông CT HĐQT này có các dự án ở Phú Quốc… nên chiếc du thuyền sẽ là phương tiện phục vụ cho việc đi lại, điều hành quản lý dự án. Chiếc thứ 2 hiệu Marine Carven 36 Mariner, dài 12 mét, có một phòng ngủ, nhưng có thêm khu vui chơi trên boong khá rộng, phù hợp với mục đích “để đàn hát trên sông với bạn bè” của ông chủ Kềm Nghĩa. Theo tìm hiểu của TNTS, giá của loại du thuyền đã qua sử dụng này ở Mỹ khoảng 135.000 USD. Chiếc thứ 3 dài 10 mét, dạng tàu câu cá, với thiết kế mở. Giá của chiếc tàu này ở Mỹ khoảng 22.000 USD. Ông chủ Kềm Nghĩa cho biết, cả 3 chiếc tàu này sẽ phải chịu 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế GTGT và 30% thuế tiêu thụ đặc biệt.

Du thuyền là từ dùng để chỉ hai loại tàu khá khác nhau, một loại chạy bằng buồm và một loại chạy bằng động cơ. Du thuyền khác với các loại tàu bè khác chủ yếu là do mục đích sử dụng phục vụ cho giải trí của nó. Vì vậy, du thuyền thường được trang bị xa xỉ và dành cho những chủ nhân giàu có nên giá khá đắt. Du thuyền thường có kích thước dài từ 36-40 foot (11-12m) cho đến hàng trăm foot. Một du thuyền sang trọng có chiều dài từ 30m trở lên và siêu du thuyền có chiều dài từ hơn 70m.

Tỉ phú người Nga Roman Abramovich hiện đang sở hữu chiếc du thuyền Eclipse dài gần 170m, được xem là siêu du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới. Eclipse được trang bị rạp chiếu phim, khu spa sang trọng, bể bơi, phòng ngủ bọc thép và cửa sổ làm bằng kính chống đạn… Nó có thể chuyên chở 70 thuyền viên, 24 khách. Món “đồ chơi” mới nhất của tỉ phú dầu mỏ này có giá gần 500 triệu USD.

Phương Di
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.