A Huynh bây giờ là người nổi tiếng ở làng Chót bởi không chỉ biết chơi nhiều nhạc cụ dân tộc mà còn là người đầu tiên ở làng này phát hiện ra ba bộ đàn đá.
Làm thủy điện ra... đàn đá
Rẫy của gia đình A Huynh cách làng Chót cả chục cây số, đường đi rất khó khăn nên phải cất chòi ngay trong rẫy để canh giữ nông sản và vườn cao su. Ở vùng này chưa có điện, A Huynh nghĩ đến chuyện đắp đập, ngăn suối để làm thủy điện nhỏ cung cấp điện sinh hoạt cho gia đình tại rẫy. Con suối Ya Lân gần căn chòi nên tiện cho việc làm thủy điện. Mùa khô, suối Ya Lân dần khô cạn, lộ dần những viên đá bị nước mài nhẵn. A Huynh thấy lạ nên nhặt lên, rồi gõ chúng vào nhau thì phát ra âm thanh vang xa. “Vì mình biết chơi các nhạc cụ dân tộc nên nhận ra âm thanh này tương đồng với âm thanh trong nhạc cụ”, A Huynh nói.
Để sưu tầm được bộ đàn đá 12 thanh, A Huynh đã mất rất nhiều thời gian và công sức. “Vì đây là lần đầu tiên mình nghe được đá phát ra âm thanh giống âm thanh đàn Tingning (người dân tộc Gia Rai gọi là Goong). Mỗi khi rảnh, mình ra suối lội bộ hằng giờ, nhặt từng viên gõ vào nhau. Đâu phải gõ viên nào cũng phát ra âm thanh nên có khi đi cả buổi nhưng chẳng tìm được viên nào, đành về tay không. Mình nghĩ ở con suối này đã có một viên phát ra âm thanh thì sẽ có nhiều viên đá kêu khác nên cứ thế tiếp tục tìm”, A Huynh kể lại chuyện anh cất công sưu tầm bộ đàn đá. Vì là lần đầu tiên biết đến đá phát ra âm thanh nên A Huynh nhặt được viên đá kêu nào thì đem về, rồi đánh đàn Tingning để thử với thanh đá. Viên nào khớp với thanh trên dây đàn thì anh giữ lại.
Vì sao A Huynh lấy đàn Tingning làm âm thanh chuẩn để sưu tập đàn đá? Anh giải thích: “Đàn Tingning làm bằng trái bầu khô cắt phần đầu, rồi dùng một sợi dây nối kết với ống lồ ô. Trên đầu thanh lồ ô khoan 12 lỗ gắn với 12 thanh gỗ nhỏ để giữ 12 sợi dây đàn làm bằng thép. Dụng cụ này, bà con người dân tộc Gia Rai thường hay đánh trong dịp lễ hội hoặc đôi khi buồn thì đánh để giải sầu. Đây là nhạc cụ mà người dân tộc Gia Rai thường dùng, gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây. Hơn nữa, để trở thành đàn thì phải có bộ âm thanh chuẩn nên mình chọn đàn Tingning làm bộ âm chuẩn”.
|
Ròng rã suốt một năm trời và bằng khả năng thẩm âm của mình, A Huynh đã tìm được 12 viên đá có âm sắc tương đồng với âm sắc của 12 dây trên đàn Tingning. “Mình phải mò mẫm từng viên, chú ý lắng nghe âm thanh từng viên đá rồi so sánh từng âm thanh trên đàn
“Loại đá khi gõ vào thì phát ra âm thanh mà âm thanh khác với các loại đá bình thường được tạm gọi là đá kêu. Loại đá kêu là đá tự nhiên, chưa có sự tác động của con người bằng kỹ thuật chế tác mà chỉ qua thẩm âm rồi kết hợp với nhau tạo ra nhạc cụ mới. Trường hợp một thanh niên sưu tầm những thanh đá kêu tạo ra nhạc cụ mới là rất công phu và người sưu tầm phải có khả năng thẩm âm. Nhưng để gọi đàn đá thì phải có giá trị lịch sử” - ông Phan Đình Phùng - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, đơn vị đang quản lý bộ đàn đá và kèn đá đã được công nhận là báu vật quốc gia. |
Thổi hồn cho đàn đá
Trước khi tìm ra bộ đàn đá, A Huynh đã cải tiến đàn Tingning 8 dây thành 12 dây. Anh đã tự sáng tác nhiều bài khác cho loại đàn Tingning này. A Huynh thổ lộ: “Tìm ra bộ đàn đá là một chuyện, nhưng làm sao “bắt” nó trở thành nhạc cụ cho những bài hát của người dân tộc Gia Rai mới khó. Hầu hết nhạc cổ của bà con Gia Rai đều chơi đàn Tingning 8 dây nên mình phải sáng tác ra nhạc mới hoặc chuyển thể nhạc cổ sang nhạc trẻ. Hơn nữa, bây giờ những người trẻ ở làng Chót không còn ai biết hát nhạc cổ nữa”.
Đàn đá với A Huynh còn khá mới lạ nên anh bắt đầu tập chơi với những bản nhạc mà trước đây anh đã sáng tác cho đàn Tingning cải tiến. A Huynh tâm sự: “Lúc đầu, mình khá bỡ ngỡ, chưa quen với cách chơi đàn đá nên giữa tiếng nhạc và lời hát còn “xa lạ” với nhau. Mình tập chơi và hát nhẩm theo, riết rồi quen tay nên lời hát dần ăn khớp với tiếng nhạc. Nhưng để chơi thành thục loại nhạc cụ mới này, mình phải khổ luyện hơn 1 năm trời”.
Chơi thành thục nhạc cụ mới này, A Huynh dùng máy cát-xét ghi lại âm thanh của đàn đá rồi tiếp tục ra suối Ya Lân sưu tầm. Nhờ có âm thanh chuẩn nên việc sưu tầm bộ đàn đá mới nhanh và dễ dàng hơn. Chưa đầy nửa năm, A Huynh đã sưu tầm được 2 bộ đàn đá khác và đã tặng chúng cho Hội Cựu chiến binh thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Kon Tum. “Mình chỉ giữ lại bộ đàn đá lớn để mỗi khi buồn mình đánh giải sầu. Hiện giờ mình vẫn còn cất trên rẫy vì chưa có điều kiện làm giá đỡ cho bộ đàn đá đó”, A Huynh nói.
|
Tìm tiếng nói chung với nhạc cụ dân tộc
Tiếng đàn đá của A Huynh đã làm mê hồn người dân làng Chót. A Huynh không giấu giếm mà đã dạy cách đánh đàn cho thanh niên trong làng. Người mà A Huynh dạy đầu tiên là A Bế - Bí thư Chi đoàn làng Chót. A Bế thổ lộ: “Để học được cách đánh đàn đá, người đó phải biết chơi ít nhất một nhạc cụ truyền thống. Những ai biết chơi đàn Tingning đều có thể học và đánh được đàn đá, còn dở hay phụ thuộc vào năng khiếu mỗi người”.
Và cũng từ khi A Huynh tìm ra đàn đá tặng lại cho Hội Cựu chiến binh thị trấn Sa Thầy, bộ nhạc cụ của hội đã thêm phần đặc biệt hơn. Ông Bùi Tiến Thành - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Sa Thầy cho biết, đàn đá phối hợp cùng với đàn Tingning và đàn Tarưng truyền thống đã tạo nên sự hấp dẫn khác biệt. Đội nhạc của đội cựu chiến binh hội đã “nở mày nở mặt” mỗi khi biểu diễn trong các ngày lễ hội lớn của huyện và tỉnh. Bộ ba tạo nên tiếng nói chung của ba nhạc cụ trên là A Huynh, A Nươi và Đyơi - đều là người của làng Chót. A Nươi khiếm thị nhưng đánh đàn Tarưng rất hay. Đyơi thì chơi đàn Tingning khiến người nghe say đắm. “Bộ ba này phối hợp với nhau rất ăn ý, tạo nên những âm thanh quyến rũ đến mê hồn và là những thành viên không thể thiếu của đội nhạc hội”, ông Thành tâm đắc.
Có thể bộ đàn đá mà A Huynh sưu tầm không có giá trị về lịch sử, nhưng nó đã bổ sung thêm vào bộ sưu tập nhạc cụ của dân tộc Gia Rai ở Kon Tum, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đức Huy
Bình luận (0)