Thành phố Đà Lạt nếu như vắng đi hình dáng quen thuộc của MPK - M là Michel (tên thánh); P là Phước, tên cúng cơm (Nguyễn Văn Phước) và K là... khùng (bạn bè đặt và tự nhận) thì sẽ có một chút gì đó… thiêu thiếu. Người dân thành phố sương mù đã quá quen thuộc với hình ảnh một gã đàn ông bụi bặm, râu tóc rối bời (chỉ quen chải tóc bằng… năm ngón tay), áo ghi-lê tay trần, quần jeans bạc thếch, trên tay đeo đầy những xâu chuỗi, vòng kiềng, chuyên cuốc bộ (vì không biết đi xe máy), dáng đi lầm lũi luôn chúi về phía trước... nhưng lúc nào cũng có thể giơ máy ảnh lên chụp... vớ vẩn!
Ảnh: nhân vật cung cấp |
Vâng, chụp vớ vẩn bởi vì gã không chụp thắng cảnh, chụp du khách (nhân vật) như những tay máy bình thường khác, mà gã chỉ chụp “trời, mây, nắng, gió” một cách rất… không giống ai (cứ xem những bộ ảnh Mưa Đà Lạt, Trăng Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Giọt sương, Thằng tôi, Váng nước, Hoa - Quả - Lá, Vô ngôn, Mây, Đá... của gã thì biết). Kỳ lạ là những trạng thái thời tiết, người ta chỉ cảm nhận chứ ít ai nghĩ có thể chụp hình được chúng (như gió, nắng…) nhưng anh chàng “khùng” này lại chụp được (mà nhìn vào ảnh ai cũng hiểu đó là nắng, gió Đà Lạt…).
|
|
Nếu như ngày xưa (khi chưa có máy ảnh kỹ thuật số - KTS) thì bộ môn chụp ảnh nghệ thuật được coi là “cái máy tiêu tiền” (vì phải chi phí tiền phim, tráng rọi…). Nhưng đến giờ Phước “khùng” vẫn là một tay tiêu hoang có hạng vì hắn vẫn “lạc hậu” đến nỗi không biết xài máy KTS, 30 năm qua vẫn chỉ xài chiếc máy ảnh chụp phim Ricoh TLS 401 “cổ lỗ sĩ”. Đã thế lại còn xài ống kính lắp ngược để có thể chụp như… kính hiển vi (đến bây giờ MPK vẫn không biết sử dụng vi tính, không biết gửi e-mail. Có một chiếc điện thoại di động nhưng lại không biết cách lưu số điện thoại của bạn bè, không biết nhắn tin, chỉ dùng để nghe. Nếu có ai gọi tới thì… “Alô, Khùng nghe đây!”).
10 năm “rình” côn trùng
Cách đây khoảng 10 năm, khi Đà Lạt tổ chức lễ hội hoa lần đầu tiên, MPK được ban tổ chức dành cho một khu triển lãm ảnh trong khuôn viên Sở VH-TT Lâm Đồng (nằm đối diện với hồ Xuân Hương), người viết bỗng chú ý đến bức ảnh MPK chụp hai con chuồn chuồn đang ở trong tư thế giao phối. Quá đẹp! Tôi xúi Phước: “Ông làm tới luôn chủ đề này đi: Khi côn trùng yêu nhau”. Phước làm thật! Nhưng phải mất ngần ấy năm “rình rập” và… chụp, anh mới có khoảng hơn 100 bức - đủ để triển lãm: đủ kiểu giao hoan giữa các cặp bướm ong (nghĩa đen), chuồn chuồn, cào cào, châu chấu, ruồi, bọ… để chuẩn bị triển lãm trong dịp Festival hoa vào tháng 12 tới tại Đà Lạt.
Anh kể: “Rình được một cặp là mừng rơn và… nín thở đợi chờ giây phút chúng nó giao phối. Nó đậu thì còn đỡ chứ chúng nó vừa bay vừa “yêu nhau” ở giữa trời mới là gian nan. Phải chạy theo và luôn hướng ống kính dõi theo chúng nhưng phải giữ cự ly, ánh sáng, khẩu độ và góc cạnh thật chuẩn” (chiếc máy ảnh “secon hand” của MPK không có chế độ zoom - chụp cận cảnh - NV). Nhiều khi ham theo côn trùng quá, chàng “khùng” bị chúng đốt, mẩn đỏ ngứa ngáy cả tuần lễ (bởi chỉ mặc áo tay trần).
Ảnh: nhân vật cung cấp |
Mủ ngo - hạt ngọc
MPK đang chuẩn bị cho triển lãm Mủ ngo (tiếng địa phương chỉ nhựa thông) vào đầu tháng 6 tới. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ những cục nhựa thông màu hổ phách hoặc nâu sẫm (không trong suốt như giọt sương) thì có gì để chụp. Thế nhưng, khi nhìn ảnh của MPK thì những giọt mủ (nhựa) thông cũng “muôn hình vạn trạng”, cũng ánh lên sắc ngọc lung linh, điểm xuyết những hạt ngọc huyết dụ. Đẹp tuyệt!
MPK bảo: “Mủ ngo là những giọt ngọc, giọt máu, giọt nước mắt của rừng mà thiên nhiên ban tặng. Lúc mới tứa ra nó có màu trắng, dần dần trở thành trắng đục, vàng, cam, nâu sậm, đen… Trong mỗi giọt nhựa thông vẫn chứa đủ 7 màu của quang phổ: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím - ứng với “thất tình” của con người: hỉ, nộ, ái, ố, bi, ai, dục và 7 nốt nhạc: Ut (Do), Re, Mi, Fa, Sol, La, Si… Riêng đề tài Mủ ngo tôi chụp hết 70 cuộn phim và có lẽ sẽ chọn ra 99 bức ảnh để triển lãm. Tôi thích con số 99”.
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)