Phí thuê nhà tù: 50.000 USD/tháng
Strauss-Kahn không thích xài hàng miễn phí. Bằng chứng là vợ chồng ông bỏ ra đến 1 triệu USD tiền mặt và 5 triệu USD trái phiếu để "chạy" cho được "chiếc vé" ra khỏi nhà tù miễn phí Rikers Island, nơi ông phải mặc bộ đồ chống tự tử kỳ quái, bị biệt giam trong một xà lim chật đến thở không nổi. Thật ra thì với quy chế đặc biệt mà ngài cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tế quốc tế (IMF) được "hưởng" tại Rikers Island (giám sát chặt chẽ để ngăn cản tự tử cũng như bị tù nhân khác tấn công), chi phí cho riêng ông lên đến 6.500 USD/tháng. Có điều hóa đơn được gửi đến người đóng thuế New York. Trại giam mới của Strauss-Kahn là ngôi nhà có giá thuê cao nhất ở Tribeca, một trong những khu vực thời thượng nhất thành phố New York đắt đỏ: 50.000 USD/tháng. Tất nhiên, ông phải móc tiền túi ra thuê cái nhà tù năm sao này cho tới ngày bị tuyên án liên quan đến cáo buộc cưỡng hiếp cô hầu phòng tại khách sạn.
|
Đó là ngôi nhà 3 tầng rộng gần 2.100 mét vuông với 4 phòng ngủ, phòng xông hơi, spa, rạp chiếu phim, phòng tập thể dục, phòng uống rượu… Từ trên sân thượng ngôi nhà có giá 14 triệu USD này, tù nhân VIP có thể nhìn xuống toàn bộ khu vực Manhattan sầm uất. Căn nhà được lắp toàn kính cách âm, đảm bảo những tiếng la ó liên miên của những người nổi giận trước quy chế ở tù 5 sao của Strauss-Kahn không thể lọt vào tai ông. Quả là một trại giam mà các phó thường dân không bao giờ dám nghĩ tới, kể cả trong giấc mơ!
Dù đã phải từ chức sau vụ cáo buộc cưỡng hiếp cô hầu phòng tại khách sạn, Dominique Strauss-Kahn vẫn được IMF trả đến 250.000 USD tiền hưu bổng và thôi việc theo như thỏa thuận lương bổng ngay từ đầu. Điều này khiến người dân và các ông nghị Mỹ - nước đóng góp nhiều nhất cho IMF - nổi đóa nhưng họ chẳng thể làm được gì. Theo Daily Mail, lúc còn tại chức, lương của Strauss-Kahn ở mức 421.000 USD/năm, tức còn cao hơn lương Tổng thống Mỹ, cộng với thêm 75.000 USD tiền trợ cấp. Căn phòng khách sạn nơi đặt dấu chấm hết cho cái ghế quyền lực của Strauss-Kahn được ông thuê với giá đến 3.000 USD/đêm. |
Đóng 100 triệu USD để tại ngoại
Strauss - Kahn không phải là trường hợp duy nhất vung tiền để ở tù 5 sao. Nổi tiếng nhất là vụ "thiên tài lừa đảo" Bernard Madoff chi 10 triệu USD để được tại ngoại trong căn hộ siêu xa xỉ của ông tại Manhattan. Sau khi gây ra vụ lừa đảo đa cấp ước tính lên tới 50 tỉ USD, Madoff có thêm 3 tháng ở tù vui vẻ trong căn hộ 7 phòng ngủ của mình. Tuy nhiên, bậc thầy giao dịch nội gián Raj Rajaratnam mới là người giữ kỷ lục ở Mỹ về số tiền tại ngoại: chẵn 100 triệu USD. Ông bị giam lỏng ở Manhattan cho tới ngày tòa tuyên án, dự kiến vào 29.7 tới. Địa chỉ chính xác của "nhà tù" dành riêng cho người đàn ông gốc Sri Lanka này không được công bố, nhưng có một điều chắc chắn: đó là nơi mà khối người mơ vào ở cả đời.
Riêng đạo diễn Roman Polanski thì được tạm giam tại một nơi rất lãng mạn, bảo đảm thích hợp với phong cách nghệ sĩ của ông: ngôi biệt thự bằng gỗ trên sườn núi Alps ở Thụy Sĩ, nơi ông có thể tiếp tục làm phim hoặc thậm chí tổ chức tiệc tùng, giữa lúc bị xét xử về vụ tấn công tình dục kéo dài hơn thập niên. Tất cả là nhờ 4,5 triệu USD mà vị đạo diễn gạo cội đã tung ra để được tại ngoại hậu tra. Ngoài ra, theo thống kê của tờ Huffington Post, danh sách những người ở tù 5 sao còn rất dài, tất nhiên toàn những vị có tiền, có quyền hoặc có danh, chẳng hạn như Marc Beier, Paris Hilton, Michael Vick, Dr.Dre…
Ai canh giữ Strauss-Kahn? Có một điều oái ăm cho nghi phạm Dominique Strauss-Kahn: chính ông phải bỏ tiền ra thuê công ty Stroz Friedberg để… canh giữ mình trong thời gian bị giam lỏng trong nhà tù 5 sao. Chi phí đảm bảo xứng tầm với tên tuổi của một người từng đứng đầu IMF: 200.000 USD/tháng.
Thật ra thì ngài Tổng giám đốc IMF lừng danh ngày nào chẳng có nhiều lựa chọn bởi chính văn phòng công tố viên Mahattan, vốn từng tuyên bố trước tòa rằng nguy cơ ông Strauss-Kahn bỏ trốn bằng máy bay là cao, đã đề nghị Stroz Friedberg, một cái tên còn mới mẻ nhưng đáng gờm trong lĩnh vực an ninh và điều tra tội phạm máy tính. "Chúng tôi từng là dân hành pháp. Chúng tôi có trí tuệ cộng với một tí cơ bắp. Chúng tôi không ngán những tình huống đối kháng, cũng chẳng sợ phải ra trước tòa" - đó là lời giới thiệu về Stroz Friedberg của lãnh đạo Edward Stroz, người từng kinh qua chức vụ lãnh đạo đội chống tội phạm máy tính tại New York của Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI). Ông đã sáng lập nên Stroz Friedberg cùng với Eric Friedberg, một cựu công tố viên liên bang của Mỹ. Theo Bloomberg, năm 2007, ngân hàng đầu tư Greenhill & Co. đã trút 30 triệu USD vào Stroz Friedberg. Còn Quỹ New Mountain phải móc hầu bao 115 triệu USD mới mua được 1/2 công ty, vốn hiện có 210 nhân viên. Chỉ nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ độ nặng của cái tên Stroz Friedberg. Lúc mới chào đời, Stroz Friedberg chỉ chuyên tâm vào lĩnh vực điều tra tội phạm liên quan đến máy tính và internet: tìm kiếm và lưu giữ các bằng chứng thu thập được từ ổ đĩa máy tính, điện thoại di động, internet… để cung cấp cho khách hàng theo yêu cầu. Kể từ 2007, Stroz Friedberg bắt đầu ghi tên mình vào bản đồ các ông khổng lồ trong lĩnh vực kinh doanh an ninh với bản hợp đồng canh giữ ông bà Sabhnanis - vốn bị quản thúc tại gia suốt cả năm trời. Sabhnanis bị tố cáo đã biến 2 người giúp việc Indonesia thành nô lệ. Stroz Friedberg không chỉ để mắt 24/24 đến "2 vị khách VIP" mà còn giám sát nhất cử nhất động của họ trên mạng internet. Hợp đồng đình đám gần đây nhất của Stroz Friedberg là canh giữ siêu lừa Bernard Madoff trong quá trình ông ta bị quản thúc tại căn hộ xa xỉ của mình. Bên cạnh việc không được để Madoff chạy trốn, Stroz Friedberg còn có 2 nhiệm vụ tối thượng khác: không được để ông ta tự tử và ngăn các nạn nhân tấn công ông ta. Người của Stroz Friedberg thường phải giở đủ chiêu để đánh lừa các đám đông giận dữ lúc nào cũng vây quanh nhà của Madoff mới có thể đưa vị khách sộp của mình đến tòa hoặc đồn cảnh sát. Lần này, với vị khách từng nắm giữ một trong những chiếc ghế quyền lực nhất hành tinh, Stroz Friedberg phải đảm bảo không được để ông ta trốn. Không có gì chắc chắn rằng khoản thế chân tổng cộng 6 triệu USD đủ để ngăn triệu phú Strauss-Kahn tìm đường đến tự do vô giá. Vì thế mà bên ngoài các cận vệ có vũ trang luôn túc trực 24/24 bên cạnh khách hàng, Stroz Friedberg còn tận dụng tối đa công nghệ cao để canh chừng Strauss-Kahn, chẳng hạn như hệ thống camera theo dõi khắp nơi trong ngôi nhà hoặc chiếc vòng điện tử đeo ở cổ chân Strauss-Kahn, vốn sẽ lập tức báo động nếu ông đi đâu quá xa. Kiều Oanh |
Đoan Nhật
Bình luận (0)