Có thể kể đến một số DN lỗ trong quý 2 như CTCP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) lỗ 10,63 tỉ đồng; Công ty CP xi măng Bỉm Sơn (BCC) lỗ 21,8 tỉ đồng; CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lỗ 114,35 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước đạt lợi nhuận 355,34 tỉ đồng);…
Nguyên nhân lỗ là do chi phí tài chính tăng lên quá lớn trong khi doanh thu lại sụt giảm. Công ty CII cho biết chi phí tài chính đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, lên đến 118,6 tỉ đồng, trong đó khoản chi cho lãi vay là 64,7 tỉ đồng. Tương tự, BCC giải thích ngoài việc phải khấu hao tài sản dự án mới thì phần chi phí tài chính, đặc biệt lãi vay lên đến 102,65 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 2,48 tỉ đồng). Còn HAG có chi phí tài chính tăng đột biến do phải trích trước lãi của 1.100 tỉ đồng trái phiếu cho kỳ tính lãi từ 31.8.2010-31.8.2011 với số tiền là 131 tỉ đồng; trong khi doanh thu giảm vì kể từ năm 2011 do việc tái cấu trúc tập đoàn nên công ty không tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, một số hoạt động chỉ phát sinh ở các công ty con....
|
Giám đốc một DN tại TP.HCM giải thích, cùng một khoản nợ tương đương như những năm trước nhưng từ đầu năm đến nay, mỗi tháng DN ông phải trả thêm hơn 100 tỉ đồng tiền lãi vay bởi lãi suất đã lên mức 24%/năm so với mức chỉ 15-16%/năm so với cùng kỳ năm trước. Chi phí lãi vay đó đã làm đội giá thành sản phẩm nên việc DN bắt buộc tăng giá bán ra. Nhưng càng tăng giá thì mức tiêu thụ lại càng giảm khiến doanh thu giảm theo. Theo TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị DN (ĐH Ngân hàng TP.HCM) - khó khăn mà các DN đang đối diện là một tổ hợp của nhiều nguyên nhân. Đó là giá nguyên vật liệu tăng cao, doanh thu giảm dẫn đến tồn kho gia tăng. Nổi bật nhất là khó khăn về lãi suất nên câu chuyện có những DN bị lỗ cũng không phải quá ngạc nhiên.
Niềm hy vọng của DN hiện nay là lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm xuống, sức mua trên thị trường gia tăng và giá cả nguyên vật liệu sẽ dịu lại. TS Lê Thẩm Dương phân tích: Giá nguyên liệu đầu vào tại VN chủ yếu phụ thuộc giá thế giới nên sẽ có sự biến động khó lường. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam cả năm cũng ở sát mức 20% nên lãi suất cho vay sẽ khó giảm về dưới 20%/năm. Vì vậy bản thân các DN phải nỗ lực hơn nữa để có thể tồn tại. Đồng thời Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ các DN theo kiểu “khéo co thì ấm”.
“Tổng số tăng trưởng tín dụng của ngân hàng vẫn chỉ ở mức 20%/năm nhưng không ưu tiên vốn cho doanh nghiệp nhà nước mà phải có cơ chế cho vay bình đẳng. Hiện các tiêu chí phân bổ vốn của ta chưa ổn nên tín dụng vào không đúng chỗ. Điều này sẽ khó giải quyết được bài toán vừa chống lạm phát vừa để DN có tăng trưởng”, TS Lê Thẩm Dương nói. Đồng quan điểm trên, TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhấn mạnh lãi suất cao khiến các DN khó khăn nhưng mức độ tác động đến từng DN sẽ khác nhau. Vì vậy, Chính phủ cũng không thể và không nên kêu gọi giảm lãi suất ngay vì như thế đồng nghĩa với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, đi ngược với mục tiêu chống lạm phát. Điều quan trọng là phải giảm kỳ vọng lạm phát bằng các chính sách đã đưa ra như giảm chi tiêu công, đầu tư công…
“Lãi suất cao một phần do lạm phát cao nhưng cao quá mức thì do tình hình nội tại của ngành ngân hàng chưa hợp lý. Chúng ta phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để điều tiết vấn đề này, đưa lãi suất về mức hợp lý chứ không phải là giảm lãi suất xuống mức thật thấp như những năm trước. Bản thân mỗi DN cũng phải xem xét và có những điều chỉnh về nguồn vốn, quản trị công ty cho phù hợp với giai đoạn khó khăn chung”, TS Võ Trí Thành nói.
Mai Phương
Bình luận (0)