>> Huỳnh Ngọc Sĩ hầu tòa, Lê Quả dự lễ đặc xá
>> Ông Huỳnh Ngọc Sĩ kháng cáo
>> Huỳnh Ngọc Sĩ lãnh án tù chung thân
>> Đề nghị tăng án ông Huỳnh Ngọc Sĩ
>> Đề nghị truy tố Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ
Chỉ định thầu để kịp tiến độ dự án...
Ngay cả khi trả lời câu hỏi của HĐXX hay khi đứng ra để tự bào chữa thêm cho chính mình, ông Sĩ (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM) trả lời rành rọt; trích dẫn từng câu chữ trong điều khoản, điều luật trong các văn bản quy phạm pháp luật mà không cần soạn sẵn.
Ông Sĩ cũng như các luật sư bào chữa đều cho rằng, bản án sơ thẩm buộc tội bị cáo phạm tội “nhận hối lộ” với mức án tù chung thân là không có cơ sở pháp lý.
Các luật sư bào chữa cho rằng, cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không triệu tập đến tòa các nhân chứng Sakashita Haruo, Sakano Tsuneo và Takasu Kunio (quan chức của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương, tên viết tắt tiếng Anh là: PCI).
Việc vi phạm nghiêm trọng tố tụng này, theo các luật sư còn liên quan đến việc cơ quan điều tra tiến hành kê biên hai căn nhà của gia đình ông Sĩ (37 Bàn Cờ và 350 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) sau khi đã kết thúc điều tra vụ án.
|
Các luật sư lập luận: Lời khai của quan chức PCI liên quan đến việc thỏa thuận và đưa 262.000 USD cho ông Sĩ trong tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp là nguồn chứng cứ không có giá trị chứng minh trong vụ án này nên không thể sử dụng để buộc tội ông Sĩ.
Ông Sĩ và các luật sư phủ nhận cáo buộc hành vi phạm tội liên quan đến việc ông Sĩ làm lợi cho PCI như ký văn bản đề xuất chỉ định PCI thực hiện gói thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; việc ông Sĩ ký xác nhận tạm ứng của hợp đồng tư vấn thiết kế cho PCI vượt quy định trong khi ban quản lý dự án chưa mở thư tín dụng không hủy ngang; ký xác nhận thanh toán cho PCI hợp đồng tư vấn thiết kế khi chưa có biên bản nghiệm thu khối lượng công việc tư vấn hoàn thành...
Bị cáo Sĩ nói, việc chỉ định PCI thực hiện gói thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát là để kịp tiến độ dự án theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, của thành ủy... Bị cáo không phải là người có quyền quyết định cuối cùng.
“Bị cáo không nhận tiền, không có bất cứ thỏa thuận nào với các cựu quan chức PCI... Nếu có, VKSND Tối cao phải cho biết bị cáo nhận tiền ở khách sạn, quán karaoke... nào, số tiền bằng ngoại tệ hay tiền đồng...” - bị cáo Sĩ nói.
“Tôi có thiếu sót nhưng không đến nỗi vi phạm pháp luật”
Đại diện VKSND Tối cao bác bỏ phần lớn lập luận của các luật sư và bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ.
Về chứng cứ thu thập chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Sĩ, đại diện VKSND Tối cao cho rằng các cơ quan tố tụng đã thực hiện đúng luật trong quá trình thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp giữa VN và Nhật Bản.
Đại diện VKSND Tối cao khẳng định tất cả tài liệu, chứng cứ mà cơ quan này kết luận và nêu ra trong phiên tòa ngày 30 - 31.8 đều dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Phía cơ quan điều tra VN cũng không chỉ dựa vào nguồn chứng cứ do phía Nhật Bản cung cấp mà từ nguồn chứng cứ này, cơ quan điều tra đã tìm ra chứng cứ làm rõ những hành vi phạm tội của bị cáo Sĩ.
“Có những điểm bị cáo và các luật sư đã bóc tách ra khỏi mối quan hệ vốn có dẫn đến tình trạng bị cáo, luật sư trình bày đúng nhưng chưa đủ” - đại diện VKSND Tối cao nói.
Kiểm sát viên dẫn chứng: VKSND Tối cao không quy kết việc Chính phủ quyết định chỉ định thầu là đúng hay sai chỉ chứng minh rằng để được chỉ định thầu, các quan chức PCI phải đưa tiền cho bị cáo Sĩ. Cáo trạng quy buộc “bị cáo Sĩ có vai trò quyết định trong việc phê duyệt các dự án” là nói theo lời khai của các cựu quan chức PCI.
Về việc bị cáo và các luật sư lập luận cơ quan điều tra cũng như cáo trạng chưa làm rõ thời gian, địa điểm các cựu quan chức PCI đưa 262.000 USD cho bị cáo Sĩ, đại diện VKSND Tối cao nhấn mạnh: Đây không phải là tình tiết, sự kiện bắt buộc cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. Nếu có chứng minh cũng chỉ làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội của ông Sĩ, không làm thay đổi bản chất hành vi phạm tội của bị cáo.
Đối với những lập luận khác, đại diện VKSND Tối cao tuyên bố giữ nguyên quan điểm luận tội đã từng nêu ra trước đó.
Về ý kiến của bị cáo và các luật sư bắt bẻ bản án sơ thẩm có một số điểm quy kết “trật”, đại diện VKSND Tối cao cho rằng đó là lỗi về câu chữ của tòa án cấp sơ thẩm nhưng không làm thay đổi bản chất hành vi phạm tội của bị cáo Sĩ.
“Nếu chưa chính xác, HĐXX cấp phúc thẩm sẽ xem xét và quyết định” - đại diện VKSND Tối cao nói.
Trong hai ngày diễn ra phiên tòa, bị cáo Sĩ có đúng một lần thừa nhận thiếu sót trong quá trình quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM. Nhưng bị cáo nói thêm: “Tôi có thiếu sót nhưng không đến nỗi vi phạm pháp luật”.
Nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ kể về nhân thân tốt; từng làm lợi hàng trăm tỉ đồng cho nhà nước trong khi quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và nhấn mạnh “bị cáo tuổi đã cao”. “Hi vọng HĐXX tuyên tôi không phạm tội” - ông Sĩ nói.
8 giờ ngày mai 1.9, HĐXX tuyên án.
Trả lời câu hỏi của HĐXX liên quan đến số tiền 3 tỉ đồng mà bà Phan Thị Lịch Sa (vợ bị cáo Sĩ) nộp cho cơ quan thi hành án dân sự trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm theo kháng cáo kêu oan của ông Sĩ, bị cáo này giải thích đó là số tiền gia đình bị cáo nộp để khắc phục hậu quả nếu tòa tuyên bị cáo có tội. Trong trường hợp bị cáo không có tội, đề nghị tòa tuyên trả lại cho gia đình bị cáo. Được HĐXX đề nghị “định giá” hai căn nhà nằm ở mặt tiền quận trung tâm thành phố của gia đình, bà Sa cho rằng “khoảng 20 tỉ đồng”. Bà nói đó là hai căn nhà cha mẹ của bà cho, không liên quan gì đến việc nhận hối lộ của chồng bà nên đề nghị HĐXX giải tỏa lệnh kê biên. HĐXX cho rằng, hai căn nhà này là tài sản đảm bảo cho việc thi hành án nên cần thiết duy trì lệnh kê biên. |
Trần Duy
Bình luận (0)