HĐND các tỉnh, thành mổ xẻ vấn đề người dân bức xúc

13/07/2012 03:20 GMT+7

Phí chung cư, việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ... là những vấn đề đại biểu (ĐB) HĐND TP.Hà Nội đặt ra trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 diễn ra sáng qua 12.7. Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, vừa qua Hà Nội làm rất nhiều nhà chung cư nhưng công tác quản lý “rất có vấn đề” và đề nghị TP “phải có trách nhiệm”.

Biểu quyết thông qua 8 tờ trình của UBND TP.HCM
Ninh Thuận tăng viện phí thủ thuật tủy xương 4.133%

>> Đại biểu HĐND TP.Hà Nội làm quen với iPad
>> TP.HCM: Sẽ tổ chức họp chuyên đề về quy hoạch, tái định cư
>> TP.HCM tăng phí giữ xe gấp 2-5 lần

 sử dụng iPad
Các ĐB HĐND TP.Hà Nội  sử dụng iPad trong phiên họp ngày 12.7 - Ảnh: Lê Quân

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng giãi bày: “Trong quý 3 tới, Sở sẽ hoàn thành dự thảo quy chế quản lý chung cư trên địa bàn TP, trong đó có phương án điều chỉnh giá trần dịch vụ chung cư”. Việc chậm cấp giấy chứng nhận ở các tòa nhà tái định cư, ông Hùng cho biết sẽ tiếp tục xem xét, đôn đốc thực hiện. Trước chất vấn của ĐB về tình trạng biệt thự bỏ hoang, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết TP sẽ phối hợp với Bộ Tài chính “cân nhắc kiến nghị các phương án đánh thuế hoặc xử phạt theo tỷ lệ % giá trị hợp đồng theo các thời hạn 3 tháng, 6 tháng và 1 năm bỏ hoang biệt thự. Kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên”.

 

Hà Nội trang bị iPad cho đại biểu HĐND TP

Từ tháng 7 này, ĐB HĐND TP.Hà Nội được trang bị iPad để phục vụ công việc. Trao đổi với Thanh Niên chiều 12.7, Chánh văn phòng HĐND TP Bùi Đức Hiếu giải thích, việc trang bị phương tiện làm việc cho ĐB và từng bước hướng tới Chính phủ điện tử theo chủ trương chung của Chính phủ và TP vốn đã được đặt ra từ nhiệm kỳ HĐND TP khóa trước, nhưng đến nay UBND TP mới quyết định đầu tư, dự án này mới thực hiện được với kinh phí hơn 3 tỉ đồng (chỉ dành để trang bị iPad cho 95 ĐB).

Theo ông Hiếu, việc trang bị iPad cho ĐB là để ĐB có phương tiện làm việc, đồng thời từng bước bỏ dần việc gửi tài liệu cho ĐB bằng văn bản giấy tờ qua đường bưu điện. "Mỗi một kỳ họp, văn bản tài liệu phát cho mỗi người trên 10 kg, ĐB đọc không xuể. Mỗi lần gửi tài liệu qua bưu điện phục vụ kỳ họp HĐND TP đã mất chi phí hàng trăm triệu đồng, mỗi kỳ họp thường phải gửi 2 đợt tài liệu cho ĐB", ông Hiếu nói. (Nguyệt Minh)

Liên quan đến sự cố rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2, nhiều ý kiến tại kỳ họp họp thứ 4 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa 8 hôm qua đề nghị các bộ, ngành cần sớm có đánh giá cụ thể và khẳng định về tính an toàn của đập. Đồng thời phải có phương án di dân hết sức nghiêm túc trong trường hợp nguy hiểm.

Sẽ họp chuyên đề về quy hoạch treo

Tại TP.HCM, kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa 8 bước sang ngày làm việc thứ hai. Trong phần thảo luận chung, đa số ĐB đều tán thành với báo cáo của UBND TP trình tại kỳ họp và nhất trí UBND TP đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện những chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, một số ĐB có ý kiến cho rằng việc đánh giá tình hình khó khăn của TP là chưa đúng mức. Vì vậy TP cần phải có phân tích sâu những mặt được và chưa được, đồng thời dự báo tình hình thuận lợi, khó khăn trong các tháng cuối năm để có những dự báo phù hợp.

Các ĐB đã biểu quyết thông qua 8 tờ trình của UBND TP. Theo đó, dự kiến sắp tới, phí trông giữ xe các loại sẽ tăng từ 2 - 5 lần so với mức thu hiện nay. TP.HCM sẽ có 3 tên đường mới là đường Phạm Văn Đồng (tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài dài 12 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2014), Mai Chí Thọ (phần phía đông dự án đại lộ Đông - Tây thuộc địa bàn Q.2 đã hoàn thành đưa vào sử dụng) và Trần Văn Giàu (tuyến đường mở rộng  tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 10B thuộc địa bàn H.Bình Chánh và Q.Bình Tân, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012).

Trước bức xúc của cử tri về quy hoạch treo, đền bù, giải tỏa, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề này vào đầu tháng 10 tới. Chiều cùng ngày, các ĐB đã chất vấn lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công thương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM về công tác xử lý nước thải y tế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng ngày, kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh Ninh Thuận đã thông qua nghị quyết về việc quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập. Theo đó, sẽ điều chỉnh tăng mức giá khám, chữa bệnh từ 75-90% so với khung giá tối đa quy định. Mức điều chỉnh lần này tăng rất cao so với giá dịch vụ trước đây của UBND tỉnh ban hành. Nhiều danh mục tăng từ 500 - 900%; trong đó, danh mục thủ thuật sinh thiết tủy xương tăng 4.133%.

Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Bình cũng kết thúc sau 3 ngày làm việc vào hôm qua. 6 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,2 %. Kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đồng Nai hôm qua cũng đã bế mạc. Trước đó, các ĐB đã tập trung chất vấn lãnh đạo Công an tỉnh, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT, Sở NN-PTNT về các giải pháp kéo giảm tội phạm, giải quyết ô nhiễm môi trường, quản lý chất cấm trong chăn nuôi...

Bức xúc về vi phạm trong khai thác hải sản

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa 8, diễn ra từ ngày 10-12.7, cử tri H.Phú Quốc rất bức xúc việc ngư dân sử dụng cào bay để khai thác hải sản. Về vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền theo quy định và áp dụng các hình phạt bổ sung, tùy từng trường hợp, như: thu hồi giấy phép khai thác thủy sản; tịch thu phần lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; tạm giữ tàu cá cùng với ngư cụ từ 10 - 60 ngày; kiểm tra và buộc thực hiện đúng quy định về việc trang bị ngư cụ khai thác; buộc cam kết hoạt động đúng vùng cho phép đối với các trường hợp xin gia hạn giấy phép khai thác; đối với các tàu cá làm nghề xiệc có sử dụng xung điện để khai thác, nếu tái phạm sẽ bị tịch thu tàu cá. (Giang Sơn)

Đà Nẵng phớt lờ yêu cầu hủy bỏ quy định hạn chế nhập cư

Ngày 12.7, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (KTVB), Bộ Tư pháp cho biết, tại kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng vừa qua đã tiếp thu và xử lý bãi bỏ hai nội dung trái luật trong Nghị quyết 23 do HĐND TP này ban hành tại kỳ họp trước. Các nội dung trái luật bãi bỏ là về xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông (tạm giữ xe 60 ngày) và tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Tuy nhiên, quy định siết nhập cư vẫn chưa được tiếp thu mặc dù Cục KTVB đã nhiều lần có ý kiến. Theo quan điểm của HĐND TP.Đà Nẵng, Nghị quyết số 23 chỉ quy định “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành...” trong khi chờ xin ý kiến của T.Ư về một số vấn đề liên quan đến luật Cư trú, vì vậy HĐND TP không xem xét, xử lý nội dung này. Theo Cục KTVB, sau khi nghị quyết chính thức của HĐND được ban hành, Cục sẽ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đình chỉ việc thi hành, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bãi bỏ theo thẩm quyền. (Thái Sơn)

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.