Trong gần 4 năm qua, đã có 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng được ghi nhận (27 ca tử vong) nhưng chỉ có 17 trường hợp được xác nhận có liên quan đến tiêm chủng. Giới chuyên môn khẳng định không có loại vắc- xin nào an toàn tuyệt đối.
Không tránh khỏi sự cố!
Chị Vũ Ngọc Diệp ở quận Đống Đa - Hà Nội kể dù không phải là lần đầu tiên cho con đến phường tiêm chủng nhưng mỗi khi trở về thấy con sốt, quấy khóc, cả nhà ai cũng sợ vắc-xin “có vấn đề”. Với chị Trần Phương Thảo, ở quận Hà Đông - Hà Nội, do bị ám ảnh bởi những ca tai biến vắc-xin nên sau gần 5 năm bỏ dở lịch tiêm chủng vắc-xin cho con, mới đây chị đã đưa con đi tiêm phòng lại.
|
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng Ban Điều hành dự án tiêm chủng mở rộng, mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ sinh ra và được tiêm chủng 11 loại vắc-xin. Tuy nhiên, trong quá trình tiêm, mỗi cơ thể phản ứng với vắc xin khác nhau nên có trẻ sau khi tiêm bị sốt, có trẻ bị sốc phản vệ, thậm chí tử vong. “Năm 2012, Việt Nam có 12 ca nhập viện sau tiêm chủng và 9 ca tử vong. Tuy nhiên, hội đồng chuyên môn phân tích những ca này không liên quan đến tiêm chủng”- ông Hiển nói.
Lý giải những ca với tiêm chủng, GS Nguyễn Trần Hiển cho biết: Có thể do cơ thể quá mẫn cảm hoặc kích ứng với kháng nguyên lạ. Bởi cũng như các dược phẩm hay thực phẩm khác, vắc- xin là một loại thuốc. Đã là thuốc thì thuốc nào cũng có thể có những phản ứng không mong muốn.
|
Liên quan đến nhiều trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin “5 trong 1”, GS Nguyễn Trần Hiển cho hay chưa có bằng chứng nào khẳng định vắc- xin phối hợp có nguy cơ tai biến cao hơn mũi vắc-xin đơn lẻ. Vắc-xin “5 trong 1” do Hàn Quốc sản xuất được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2010. Đây là loại vắc-xin đã được hàng chục nước trên thế giới sử dụng, không có phản ứng nặng.
Giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm
Theo GS Nguyễn Trần Hiển, với hàng chục triệu mũi tiêm cho trẻ em với những cơ địa khác nhau không thể bảo đảm 100% không có rủi ro. Tại Việt Nam tai biến liên quan đến vắc-xin thấp hơn các nước. “Tỉ lệ phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin viêm gan B là 0,50/1 triệu; với vắc- xin uốn ván kết hợp với bại liệt, tỉ lệ phản ứng nặng là 0,9/1 triệu. So với phản ứng mà Tổ chức Y tế Thế giới thống kê thì tỉ lệ phản ứng nặng do vắc-xin viêm gan B là 1 - 2/1 triệu, vắc-xin sởi là hơn 1/1 triệu” - GS Hiển dẫn chứng.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nhấn mạnh tiêm chủng là một biện pháp hữu hiệu giúp con người phòng các bệnh lây nhiễm và không bị tử vong vì các căn bệnh này. Tiêm vắc-xin là cách chủ động đưa vào cơ thể một kháng nguyên để kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại vi sinh vật đó khi nó xâm nhập cơ thể, chủ động để phòng bệnh. “Trẻ mới sinh ra có khả năng miễn dịch do nhận được các kháng thể từ mẹ. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch này chỉ trong vòng 6 tháng. Sau đó, trẻ không còn nhận được kháng thể từ mẹ nữa và dễ dàng bị nhiễm các bệnh nguy hiểm mà có thể phòng tránh được bằng vắc-xin” - ông Cảm nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhờ có tiêm chủng mở rộng, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm giảm hàng trăm lần. Tiêm chủng đầy đủ đã giúp hàng triệu trẻ em Việt Nam thoát khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hàng chục ngàn trẻ không bị tử vong do những căn bệnh này.
Theo Ngọc Dung / Người Lao Động
>> Phòng bệnh nhờ vật lý trị liệu
>> Cẩn trọng với thiết bị phòng bệnh cho học sinh
>> Diệt muỗi: Giải pháp hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết
>> Dinh dưỡng phòng bệnh trong thai kỳ
>> Dễ phòng bệnh do thời tiết
Bình luận (0)