Có đi có lại

22/03/2013 03:25 GMT+7

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đến thăm Nga, Tanzania, Nam Phi và Cộng hòa Congo. Trong chuyến đi 9 ngày này, dư luận quan tâm điểm đến Nga nhiều hơn châu Phi. Đó là vì ông Tập đến châu Phi chủ yếu chỉ để tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 5 Nhóm BRICS ở Durban (Nam Phi).

Lựa chọn nước Nga làm điểm đến thăm đầu tiên của ông Tập cho thấy tầm quan trọng và mức độ ưu tiên mà Bắc Kinh dành cho Moscow. Ngược lại, từ phía Moscow cũng vậy. Câu nói "có đi, có lại" vận vào quan hệ này hiện tại quả không sai. Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí đã nâng giao hảo hai bên thành mô hình mẫu mực cho quan hệ giữa các quốc gia trong thế giới hiện đại. Trên thế giới, chỉ Trung Quốc đối với Nga và Nga đối với Trung Quốc được thực sự dành cho ưu tiên hàng đầu.

Cả hai có rất nhiều lợi ích chung mang ý nghĩa chiến lược trong hiện tại lẫn lâu dài. Họ có thể bổ sung cho nhau về vốn và thị trường, về công nghệ và sản phẩm, về nguyên vật liệu và nhân công lao động phát triển bền vững lâu dài. Họ đã có được sự tin cậy lẫn nhau tới mức tạo thành trục quan hệ chi phối cục diện Trung Á và cả châu Á. Họ cùng hội cùng thuyền trong việc ứng phó việc Mỹ điều chỉnh chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều vấn đề khác của thế giới. Vì thế, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình ẩn chứa thông điệp chính trị đầy ý nghĩa đối với chính quan hệ song phương này lẫn quan hệ của từng bên với tất cả các đối tác khác.

Thảo Nguyên

>> Đường mang tên tổng thống Nga Vladimir Putin tại Palestine
>> Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm tân nội các
>> Ông Vladimir Putin nhậm chức tổng thống Nga
>> Ông Vladimir Putin chiến thắng trong nước mắt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.