Bàn về tái cơ cấu ngành dược

08/08/2014 05:00 GMT+7

Tái cơ cấu ngành, nâng cao giá trị gia tăng, liên kết 4 nhà hay đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là những cụm từ liên tục được nhắc đến trong thời gian gần đây và ngành dược cũng không ngoài cuộc.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đang được đặt ra khi bàn tới vấn đề ở một ngành hết sức đặc thù này...

Bao nhiêu là đủ ?

Mới đây, tại một hội nghị về tái cơ cấu ngành y tế, lĩnh vực dược một lần nữa được nhắc đến bởi trong một thời gian dài, sản phẩm thuốc của VN luôn phải chịu lép vế trước dược phẩm nhập ngoại dù chúng ta có đầy đủ cơ chế, chính sách và tiềm năng để phát triển. Vậy phải chăng hàm lượng khoa học công nghệ trên mỗi đơn vị sản phẩm chưa đủ? Nhưng đủ là bao nhiêu?

Theo ông Nguyễn Chí Linh, TGĐ Công ty CP dược phẩm OPC - một doanh nghiệp (DN) rất chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của thuốc nội không có cách nào bền vững hơn là nâng hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi viên thuốc thành phẩm. Ngoài ra, cần xác định lợi thế cạnh tranh của DN là gì, sản phẩm nào là chiến lược. Bản thân OPC từng trải qua giai đoạn này và đã chọn đông dược là hướng để đầu tư, phát triển trong dài hạn.

Một chuyên gia của Viện Chiến lược và chính sách y tế nhận xét: cách làm của OPC có phần đúng bởi khi chọn sản phẩm chiến lược là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, những bài thuốc cổ phương hoặc có trong danh mục thuốc thiết yếu để từ đó nghiên cứu các công thức mới. Rồi họ tìm kiếm đối tác để hợp tác chuyển giao đề tài hoặc chỉ là nghiên cứu chuyên sâu về một sản phẩm, nhằm sản xuất được loại thuốc có chất lượng, hiệu quả điều trị rõ ràng.

Như vậy, trong một bài toán tổng thể, khó có thể định lượng hay định tính được rằng hàm lượng khoa học bao nhiêu là đủ. Điều quan trọng là cách thức đầu tư cho khoa học như thế nào, các bước thực hiện ra sao, để từ đó có được sản phẩm hoàn hảo.

Dược liệu chưa phải là tất cả !

Vào cuối những năm 1990, hàng loạt “ông lớn” trong ngành dược đã tìm cách “khai hoang” những vùng đất có tiềm năng để phát triển vùng dược liệu. Ban đầu, những vùng dược liệu chỉ đơn thuần là trồng, chăm sóc và thu hái. Nhưng 20 năm sau, đã có những vùng dược liệu được tổ chức theo mô hình trồng trọt tiên tiến, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Tại tỉnh Bắc Giang, trên một diện tích rộng lớn, vùng dược liệu của OPC đang là niềm mơ ước của rất nhiều DN dược hiện nay. Ban đầu, trên vùng đất này, OPC chỉ trồng dược liệu nhằm phát triển Thuốc trị sỏi thận Kim tiền thảo - một sản phẩm vừa được giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt 2014. Nhưng sau đó, qua sự hợp tác với Bộ môn Thực vật - Trường ĐH Y dược TP.HCM và Hội Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, nhiều loại dược liệu khác đã được nhân giống và trồng trọt theo tiêu chí GACP (Thực hành trồng trọt và thu hái tốt).

Giám đốc Nhà máy chiết xuất dược liệu OPC Bắc Giang, ông Hoàng Văn Toản cho biết: "Một bước tiến trong phát triển vùng dược liệu của OPC là xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP WHO (Thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới) nhằm ổn định chất lượng dược liệu và cao dược liệu, chủ động nguồn nguyên liệu và hạ giá thành sản phẩm.

Có sẵn vùng nguyên liệu, nhưng một khi những dược liệu này không được chiết xuất từ những công nghệ hiện đại, tiên tiến bằng các thiết bị xử lý chế biến đặc thù thì sản phẩm đầu ra là những viên thuốc thành phẩm vẫn chỉ hạng thường.

Đánh giá về công nghệ chiết xuất dược liệu của các DN dược hiện nay, TS Nguyễn Thị Bích Thu, Phó viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho rằng, đầu tư cho lĩnh vực này cực kỳ tốn kém đòi hỏi DN phải có tiềm lực mạnh và một chiến lược phát triển dài hạn. Ở OPC, hệ thống chiết xuất đa năng có thể chiết xuất được nhiều loại dung môi với nguyên lý hồi lưu tuần hoàn, chiết qua nhiều phân đoạn và tối ưu hóa quy trình chiết để lấy được thành phần có hoạt tính tối ưu. Theo bà Thu, rất ít DN dược đầu tư được công nghệ này bởi chi phí đắt đỏ; nhưng một khi đã sở hữu được công nghệ này, chắc chắn sản phẩm sẽ có chất lượng cao ngang hàng với các sản phẩm nhập khẩu.

Tái cơ cấu ngành dược hay chuyện làm thế nào để viên thuốc “Made in Vietnam” có sức cạnh tranh, thậm chí là xuất khẩu ra thế giới là câu chuyện chưa có hồi kết. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công nghệ và nghiên cứu khoa học chắc chắn là nhiệm vụ sống còn đối với DN.

Cao Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.