Nhận xét thay điểm là cả một nghệ thuật

17/10/2014 09:00 GMT+7

Thay vì điểm số , thì từ nay học sinh tiểu học sẽ nhận được những đánh giá: “Viết chữ khá đều nét nhưng nên chú ý viết đúng điểm dừng bút của con chữ nhé”; “Viết nên chú ý nét khuyết dưới của con chữ nhé”...

Nhận xét thay điểm là cả một nghệ thuật
Thay điểm số bằng nhận xét, đánh giá là một cách làm hay nhằm giảm áp lực cho trẻ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bắt đầu từ 15.10, các trường tiểu học trên toàn quốc đồng loạt bỏ việc đánh giá học sinh (HS) tiểu học bằng cách chấm điểm, thay vào đó là nhận xét thông qua lời nói trực tiếp, ghi vào phiếu/vở của HS.

Bộ cần phải có cách đánh giá thống nhất từ cấp tiểu học lên cấp THCS, tránh tình trạng quá khác biệt theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như hiện nay

Một phụ huynh ở Hà Nội

“Sao bài con tốt mà bạn bên là xuất sắc?”

Ghi nhận của Thanh Niên, do được tập huấn khá kỹ nên đồng loạt các trường tiểu học trên địa bàn TP.Hà Nội đã áp dụng quy định mới này, không phải từ ngày 15.10, mà ngay từ đầu năm học mới 2014 - 2015.

Một giáo viên dạy lớp 5 Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa) chia sẻ: Giáo viên rất muốn thay đổi nhưng đôi khi cũng cảm thấy bị áp lực bởi vì thói quen thích điểm số của phụ huynh và HS. Sau khi cô nhận xét bằng lời thì HS thi nhau hỏi: “Cô khen bài làm tốt là con được 10 hả cô?” hoặc: “Tại sao bài của con là tốt mà bài bạn bên cạnh là xuất sắc?...

Một vấn đề khác được nhiều giáo viên chỉ ra, đó là: với HS lớp 1, nếu nhận xét bằng lời các em không nhớ về truyền đạt cho cha mẹ. Còn viết vào vở thì các em chưa thể đọc được lời nhận xét của cô, phần nhận xét đó chủ yếu dành cho phụ huynh đọc. Lớp 1 các em chủ yếu nhận mặt chữ, học đánh vần, việc đọc những dòng nhận xét là điều chưa thể làm ngay được.

Lo “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa) cho biết: Từ khi có quy định mới, giáo viên có khoảng chục con dấu in sẵn những câu nhận xét để đóng vào vở HS phù hợp với những tình huống khác nhau: ví dụ: “Con có nhiều tiến bộ, hãy phát huy nhé!”, “Con đã có sáng tạo trong bài làm. Tuy nhiên cần trình bày sạch đẹp hơn!”...

 

Việc cho điểm chỉ áp dụng tại kỳ kiểm tra cuối học kỳ 1 và học kỳ 2 đối với bài kiểm tra các môn học: tiếng Việt, toán, khoa học, lịch sử và địa lý, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc (nếu có). Kết thúc năm học 2014 - 2015, các trường tiểu học sẽ phải thực hiện việc nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục HS ở tất cả các khối lớp.

Theo phụ huynh này, mong muốn của phụ huynh là cô ghi nhận xét chi tiết hơn, cụ thể hơn nhưng cũng phải thông cảm với giáo viên khi mà một lớp học có tới 60 HS như ở Trường Kim Liên.

Sĩ số quá tải là một khó khăn nếu như trước đây, chấm điểm đồng loạt thì nay giáo viên chỉ có thể nhận xét được một nửa số HS/lớp mỗi ngày. Một giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám (Q.Hai Bà Trưng) cho biết: Với mỗi môn trong một buổi học, tôi cố gắng nhận xét cho 1/2 HS trong lớp. Ví dụ, môn toán hôm nay nhận xét 1/2 lớp, số còn lại tôi nhận xét vào bài tiếng Việt hoặc bài tập đọc, luân phiên hôm sau đảo lại, như vậy các em đều được nhận xét. “Với các em có kết quả kém thì phải nghĩ ra lời phê để các em không tự ti mặc cảm và phụ huynh không hoang mang”, giáo viên này nói.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, cho rằng: Khi đưa ra quy định, không phải Bộ không biết thực tế có những địa phương vẫn quá tải về sĩ số. Thế nhưng, nếu cứ chờ đến khi mọi điều kiện thuận lợi mới thực hiện thì sẽ chờ... không biết đến bao giờ.

Ở khía cạnh khác, phụ huynh có con học cuối cấp tiểu học trong năm nay, đang chung một mối lo có thực, đó là: không cho điểm ở tiểu học nhưng lên cấp THCS thì HS lại liên tục bị áp lực bởi điểm số. Khi đó các cháu lại bị sốc vì vừa quen với cách đánh giá mới lại phải thay đổi để quen với một cách đánh giá khác. Một phụ huynh cho biết: “Không thể yên tâm với việc bỏ cho điểm ở tiểu học được. Bộ cần phải có cách đánh giá thống nhất từ cấp tiểu học lên cấp THCS, tránh tình trạng quá khác biệt theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như hiện nay”.

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Định khẳng định: Sẽ có những kiến nghị với lãnh đạo Bộ để có giải pháp đồng bộ, liên thông trong việc đánh giá HS từ cấp học dưới lên cấp học trên.

Ý kiến:

Ý nghĩa rất nhiều

Với HS, việc nhận xét bằng lời cũng rất quan trọng, nhiều khi chỉ cần xoa đầu và động viên "cố gắng lên nữa nhé" còn ý nghĩa hơn việc cho điểm rất nhiều.

(Một giáo viên
Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.7, TP.HCM)

Luân phiên đánh giá HS

Nếu lớp có sĩ số đông để đáp ứng nhu cầu đánh giá hết số HS của mình thì sau khi biên chế HS theo tổ, nhóm, giáo viên có thể luân phiên đánh giá HS bằng chữ viết. Chẳng hạn, hôm nay, tiết toán giáo viên ghi nhận xét vào vở cho tổ 1 và 2, tiết toán hôm sau đánh giá tổ 3 và 4.

(Ông Trương Văn Anh Tuấn
Hiệu trưởng Trường tiểu học Âu Cơ, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Nhận biết kiến thức của trẻ qua việc sửa bài

Tùy trình độ HS, tùy từng lớp có số HS nhiều hay ít, giáo viên chọn luân phiên một tuần nhận xét 1 hay 2 lần. Tuy nhiên, nếu ngày đó không thấy giáo viên nhận xét nhưng phụ huynh có thể nhận thấy dấu hiệu sửa bài trong vở thì cũng có thể biết mức độ nhận biết kiến thức của trẻ.

(Bà Lê Ngọc Điệp
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM)

B.Thanh (ghi)

>> Đánh giá học sinh không bằng điểm số
>> Thủ tướng Singapore chê đánh giá học sinh bằng điểm số
>> Quên đi bằng cấp nhiều, điểm số cao
>> Thi để làm gì? - Kỳ 2: Khi điểm số không còn giá trị
>> Có cần “méc” phụ huynh về điểm số của con ?
>> Điểm số không phải là điều kiện thi thay thế môn ngoại ngữ
>> Bỏ đánh giá bằng điểm số ở nhiều môn học
>> Trường tiểu học còn coi trọng điểm số, xếp hạng
>> Không lấy điểm số gây áp lực cho học sinh lớp 1

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.