Palaucham không xa

01/09/2011 21:47 GMT+7

Palaucham, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bất Lao, đảo Ngọa Long… là những tên cũ của Cù Lao Chàm, một quần đảo chỉ cách đô thị cổ Hội An 12 hải lý và 20 phút đi tàu cao tốc.

Với 7 hòn đảo mang những cái tên đầy hình tượng và giản dị là các hòn Lao, Lụi, Dài, Khô, Lá, Tai, Nờm và đã được người Quảng chuyển thành hai câu lục bát cho dễ nhớ: Ra Lao đến Lụi cho Dài/Chờ cho Khô Lá xuống Tai, lại Nờm. Nằm án ngữ trước Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn gặp biển, Cù Lao Chàm còn là một di tích khảo cổ học của cư dân thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt kéo dài từ 3.000 năm trước và nhiều di tích liên quan đến giao lưu kinh tế văn hóa của các nước Trung cận Đông, Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á... Những dải san hô ngầm, hệ thống động thực vật phong phú và đặc sản yến sào quý hiếm càng làm cho Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những cụm đảo quý của Việt Nam. Chính vì những giá trị tự nhiên và lịch sử đó, Cù Lao Chàm không những được công nhận là khu danh thắng quốc gia mà còn được ghi vào danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên biển và dự trữ sinh quyển thế giới.

 
Phong cảnh Cù Lao Chàm - Ảnh: Trương Điện Thắng

Tuy chỉ rộng hơn 15 cây số vuông, nhưng với vẻ đẹp hoang sơ, Cù Lao Chàm ngày nay trở thành một điểm thu hút du khách khắp năm châu. Tàu cập vào cầu Cảng bãi Làng, khách nhàn du sẽ tiếp cận ngay với một “khu phố chợ” có lẽ đặc biệt nhất Việt Nam vì hoàn toàn không có tiếng huyên náo mà chúng ta vẫn bắt gặp ở đất liền... Đây cũng là cửa ngõ tiếp giáp với một khu rừng nguyên sinh xanh nghịt, trùng điệp chung quanh. Qua bãi Làng đến bãi Ông, bãi Chồng, bãi Hương về phía nam... là những bãi cát trắng và biển trong xanh đến bất ngờ. Người ta nhớ đến Cù Lao Chàm vì những món ăn đặc biệt cua đá, ốc “vú nàng”, mực một nắng, cá hố và những đêm câu mực lang thang trên vịnh biển hay đến Hòn Lao, để xem chim yến bay rộn ràng trên những vách đá dựng. Đây chính là một đặc sản tự  nhiên mà người dân Cù Lao Chàm xem như một biểu tượng từ hàng trăm năm nay...

Cù Lao Chàm lưu giữ những giá trị lớn hơn nhiều lần những gì hiện ra trước mắt ta. Đó là 500 loài thực vật và gần 160 loài động vật, hơn 200 loài cá, gần 100 loài nhuyễn thể… Đây còn là nơi ghi dấu ấn văn hóa lâu đời từ Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt và các di tích trong quan hệ giao lưu với thế giới bên ngoài từ rất sớm trong lịch sử. Chùa Hải Tạng nơi Hương Hải thiền sư phái Trúc Lâm từng tu đạo thời chúa Nguyễn đàng Trong, giếng cổ Chămpa, lăng Cá Ông... là những kiến trúc cổ mà nhiều người không bỏ qua khi ra thăm đảo.

Trong khu vực mặt nước rộng trên 6.700 ha của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hiện có tới 165 ha san hô, khoảng 500 ha thảm cỏ biển tạo nên một thế giới thủy cung hấp dẫn nhiều du khách yêu thích môn bơi lặn...

Một người quen làm dịch vụ lưu trú ở bãi Làng, một hôm mời chúng tôi món cá hố nấu ngọt, thư thả nói: “Ra đảo Cù Lao Chàm mà vội vàng thì uổng lắm. Cứ từ từ, anh sẽ biết thêm nhiều điều rấy hay của đất và người ở đây...”.  Một trong những điều đó chính là bài thơ của Hương Hải thiền sư, mà một thầy giáo trên đảo đã đọc và dịch cho tôi:

Nhạn bay trên không/Bóng chìm đáy nước/Nhạn không ý để  dấu/Nước không tâm lưu bóng... (Nhạn quá trường không/Ảnh trầm hàn thủy/Nhạn vô di tích chi ý/Thủy vô lưu ảnh chi tâm).

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.