Phá rừng để... hái hạt

16/08/2011 22:40 GMT+7

Hơn một tháng nay, người dân nhiều xã vùng đệm của khu Bảo tồn Sao la (H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế) tràn vào rừng để tận thu hạt ươi. Nhiều cây ươi cổ thụ bị đốn hạ chỉ để tận thu hạt.

 Xem video

Người người vào rừng

Xuất phát từ thị trấn A Lưới vào lúc tờ mờ sáng, chúng tôi đến khu vực hầm A Roàng 2 về phía Nam chừng gần 1 km đã nhìn thấy nhiều bãi tập kết xe máy của người dân đi “làm ươi”. Nhìn bãi xe máy đủ biết đã có hàng trăm người đang ở trong rừng để lấy hạt ươi. Đây là những cánh rừng đặc dụng thuộc xã Hương Nguyên (H.A Lưới), thuộc một trong hai tiểu khu 351 và 352 cốt lõi của khu bảo tồn Sao la tại Thừa Thiên - Huế và là rừng cấm được bảo vệ nghiêm ngặt.

Một em nhỏ tham gia nhặt hạt ươi cho biết: “Mỗi ngày, cả nhà của em gồm bốn người đi lượm hạt ươi, kiếm được 500 ngàn đến 1 triệu đồng và có khi còn hơn". Em nói không chỉ người dân xã A Roàng mà hàng trăm người dân hai xã lân cận A Đớt và Hương Lâm (phần nhiều là bà con Tà Ôi) cũng vào rừng lấy hạt ươi.

 
Hàng trăm cây ươi 20 - 30 năm tuổi bị chặt hạ để lấy hạt - Ảnh: Gia Tân

Hạt ươi rất khó lấy nếu chờ rụng, chính vì thế người lớn phải dùng rìu để chặt cây. “Có nhà một ngày chặt được 4 -5 cây, thu rất nhiều tiền. Nếu dùng cưa máy thì cưa cây nhanh hơn nhưng sợ bị kiểm lâm phạt”, một em tên Thắm kể.   

Đớn đau rừng già

Hạt cây ươi (tên khoa học là scaphium lychnophorum kost) có công dụng làm thảo dược hoặc pha chế nước giải khát. Gần đây, hạt ươi được thương lái thu mua với giá cao, từ 120 - 130 ngàn đồng/kg. Đó là lý do khiến người dân đổ xô vào rừng chặt phá ươi để lấy hạt.

Để tránh kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng, những người đi lấy hạt ươi thường xuất phát khoảng 3 giờ sáng. Muộn nhất cũng 5 giờ sáng là phải vào rừng.

Một người đàn ông Tà Ôi chừng 40 tuổi ngồi nghỉ chân cùng chúng tôi ở đáy vực rừng, than vãn: “Hôm ni tệ quá. Hạ một cây nhưng bị mắc lại không ngã hẳn nên chỉ lượm được một ít”. Người đàn ông nói rằng hồi đầu mùa (khoảng đầu tháng 7) thì tìm cây ươi khá dễ, nhưng nay vào cuối mùa, người ta lại tranh nhau khai thác nên phải đến khu rừng cao hơn, sâu hơn mới tìm thấy cây ươi.

Khi chúng tôi lên cánh rừng được cho là tâm điểm của những người khai thác ươi, không hề có cảnh người đi thu lượm những hạt ươi rơi rụng. Thay vào đó, những cây ươi trên 30 năm tuổi, cao chừng 40 - 50m sau khi bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Có cây đã khô da, có cây vừa ngã chừng 2 - 3 ngày trước. Số lượng cây ngã lên đến hàng trăm cây. Mỗi cây ươi sau khi chặt hạ, chí ít cũng thu được 40 - 50 kg hạt.

Đoàn người rời khỏi khu rừng là lên xe máy thẳng tiến về “chợ ươi” tấp nập người bán kẻ mua. “Chợ ươi” cách hầm A Roàng 1 chỉ vài trăm mét về phía Bắc, trên đường Hồ Chí Minh. Thương lái từ miền xuôi lũ lượt lên đây đón đường những người đi lấy ươi trở về để thu mua.

Khác với những gì mà chúng tôi chứng kiến, ông Văn Thân, Phó giám đốc BQL khu Bảo tồn, cho rằng “chỉ một vài cây bị đốn hạ”.  “Đây là khu bảo tồn đa dạng sinh học vì thế tất cả hệ động vật và thực vật đều phải bảo vệ nghiêm ngặt”, ông Thân nói.

Gia Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.