Phác thảo tranh quý của danh họa Nguyễn Gia Trí

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/06/2018 06:24 GMT+7

Theo bà Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, sau khi lỡ hẹn 10 năm, cuối cùng bộ sưu tập phác thảo tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí đã có mặt ở Hà Nội để công chúng được chiêm ngưỡng.

Gắn liền với các tác phẩm sơn mài
Ông Nguyễn Gia Tuệ, con trai họa sĩ Nguyễn Gia Trí, không thể nào quên những ngày cha mình còn sống. Trong trí nhớ của ông, cha ông không làm việc gì khác ngoài vẽ tranh. Trước giải phóng, khách hàng của danh họa chủ yếu là các tỉ phú người nước ngoài, các quan chức, tướng tá trong phủ tổng thống, những người giàu... Họ thường phải đặt tiền trước và phải tự giác chờ đợi theo thứ tự để nhận tác phẩm. “Tôi thấy ông vẽ rất nhiều tranh giấy phác thảo cho sơn mài”, ông Tuệ nhớ lại. Ông cũng nhớ rất rõ, cha ông luôn tìm tòi sáng tạo những cách nhìn mới, đường nét mới, cách làm mới. Nguyễn Gia Trí cũng có quan điểm rõ ràng và không thay đổi là mỹ thuật phải gắn liền cái hồn văn hóa của dân tộc. Ông cũng cả đời trung thành với chất liệu sơn ta - đặc trưng của mỹ thuật dân tộc VN.
Giờ đây, những phác thảo của danh họa Nguyễn Gia Trí được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật VN (Hà Nội) nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (1908 - 2018). Triển lãm diễn ra từ 26.6 - 10.7 này giới thiệu 40 tư liệu phác thảo tranh của danh họa, thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Các phác thảo có kích thước khác nhau, nhỏ nhất có kích thước 15 x 11 cm, lớn nhất có kích thước 67 x 106 cm.
Những phác thảo này gắn liền với các tác phẩm sơn mài của danh họa - người mà nhà phê bình Thái Bá Vân đánh giá là “một trong vài ba ngôi sao sáng nhất của nghệ thuật sơn mài hiện đại ở VN”.
Phác thảo tranh quý của danh họa Nguyễn Gia Trí1
Phác thảo thiếu nữ xõa tóc
Cơ hội thưởng lãm những phác thảo tuyệt đẹp
Bà Mã Thanh Cao cho biết bà đã mất 20 năm mới có thể mang được bộ sưu tập phác thảo tranh Nguyễn Gia Trí về bảo tàng mình. “Lượt tranh đầu tiên mua năm 1990 gồm 61 ký họa. Đến 2010, tức là 20 năm sau mới mua tiếp được, và mua được 72 bức. Trong suốt thời kỳ đó, thỉnh thoảng tôi lại tới thăm gia đình và nói nếu gia đình cần tiền và không muốn lưu giữ nữa thì nhớ đến bảo tàng. Vì thế, khi có người bệnh nặng thì gia đình gọi cho tôi. Trong sưu tập đó có nhiều phác thảo đẹp lắm, và có liên quan đến tranh trong bảo tàng”, bà Cao nhớ lại.
Bà Cao cho hay, khi nghe gia đình gọi điện, bà vui mừng vô cùng. “Nếu bán cho bảo tàng sẽ rẻ hơn bán cho người khác, và tiền cũng chậm hơn. Nhưng tôi thuyết phục gia đình, nếu nghĩ đó là một món quà ông để lại thì mình sử dụng thế nào cho nó có ý nghĩa. Một tài sản cả một trăm ngàn đô la cũng không phải nhỏ. Có thể bán ra ngoài được trăm hai, trăm ba nhưng bán đi rồi nó sẽ âm thầm luồn lách đâu đó. Còn bán cho bảo tàng thì giữ được trọn bộ. Đó là một việc mà gia đình có thể làm được cho ông, để nhiều người biết đến bộ sưu tập hơn”, bà Cao nói.
Theo bà Cao, Bảo tàng Mỹ thuật VN cũng từng có ý định mượn bộ sưu tập này trưng bày cách đây 10 năm. TP.HCM cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, do nhiều thủ tục từ Hà Nội nên việc này không thành. Giờ đây, khi bộ sưu tập ra mắt tại Hà Nội, công chúng thủ đô đã có cơ hội thưởng lãm những phác thảo tuyệt đẹp của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.