Phải cải thiện điều này, tuyển Việt Nam mới có thể vươn tầm châu lục

25/06/2021 13:11 GMT+7

Việc lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 không chỉ giúp bóng đá Việt Nam tạo nên lịch sử mà còn tạo cơ hội cho các tuyển thủ Việt Nam có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ ở sân chơi đẳng cấp thế giới.

Với tổng cộng 10 trận (2 lượt đi và về) tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Việt Nam được thi đấu nhiều gấp đôi số trận ở Asian Cup 2019 khi chúng ta lọt đến tứ kết. Đây rõ ràng là cơ hội quá quý giá để các tuyển thủ cọ xát, trau dồi kinh nghiệm quốc tế, bởi các đối thủ sắp tới của tuyển Việt Nam đều đạt đẳng cấp cao nhất châu lục, thậm chí đạt tầm mức khá trên thế giới.
Một đội tuyển quốc gia muốn nâng tầm, đạt đẳng cấp cao hơn nữa không có gì tốt hơn việc thường xuyên được thi đấu với những đối thủ cực mạnh. Thế nhưng bóng đá Việt Nam kể từ khi khởi sắc dưới thời HLV Park Hang-seo (từ năm 2018 đến nay), ngoại trừ được tham dự giải đấu cao nhất châu lục là Asian Cup 2019 hầu hết chỉ thi đấu các giải ở khu vực Đông Nam Á. Đây chính là hạn chế lớn nhất không chỉ của tuyển Việt Nam mà còn của những đội bóng trong khu vực. Bởi không thể chỉ trông chờ vào những giải đấu 4 năm mới diễn ra một lần như thế được.
Vì thế, muốn cải thiện vấn đề này, LĐBĐ Việt Nam cần liên hệ, cử đội tuyển Việt Nam tham dự những giải mời có những đội bóng lớn của châu lục hay thế giới tham dự; hoặc tự tổ chức những giải mời có chất lượng, với sự tham gia của những đối thủ mạnh hơn mình.

Thể hình luôn là yếu tố bất lợi của tuyển Việt Nam

Linh Ngọc

Vấn đề thứ hai đó là phải có nhiều cầu thủ xuất ngoại thi đấu tại các giải đấu hàng đầu châu lục như Nhật, Hàn Quốc hoặc cao hơn nữa là sang châu Âu. Đơn cử, đội Nhật Bản khi tham dự vòng loại World Cup 2022, trong danh sách 50 cầu thủ của họ có đến 30 người đang chơi bóng tại châu Âu. Vì vậy chẳng có gì lạ họ dễ dàng đứng đầu bảng F và luôn là 1 trong 4 đội giành được vé dự World Cup từ năm 2002 đến nay.
Cựu trung vệ người Hà Lan Danny van Bakel, người từng chơi cho CLB Thanh Hóa, khi trả lời trên báo chí đã từng cho rằng "không gian" V-League là không đủ để cho các cầu thủ đội tuyển Việt Nam thể hiện và phát huy tối đa đẳng cấp của mình, sau khi chứng kiến màn trình diễn của họ ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022: "Sân khấu V.League quá chật chội với họ và chỉ có 26 trận đấu. Họ có thêm một số trận đấu cúp nhưng chừng đó là quá ít. Các cầu thủ ở châu Âu có thể chơi 70 trận mỗi năm. Trong khi các cầu thủ Việt Nam hiểu rõ V-League, không còn cảm thấy có quá nhiều động lực. Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Tuấn Anh, Ngọc Hải... là những cầu thủ cần ra nước ngoài thi đấu để phát triển sự nghiệp ở mức tối đa".
Một vấn đề nữa mà bóng đá Việt Nam nếu muốn bước ra sân khấu lớn cần cải thiện đó là thể hình và thể lực. Dù thể hình của các tuyển thủ Việt Nam trong những năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều nhưng so với các đội tầm châu lục hoặc nhìn xa hơn là châu Âu hoặc Nam Mỹ thì rõ ràng chẳng là gì. Hàng thủ tuyển Việt Nam với những người được xem là "cây nêu" như Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu cũng chỉ cao từ 1,80 - 1,85 m. Nếu nhìn các đội bóng châu Âu đang thi tài tại EURO 2020 hoặc các đội Nam Mỹ tại Copa Ameria 2021, mọi người mới thấy khoảng cách về thể hình và thể lực của tuyển Việt Nam với các đội bóng trên lớn như thế nào. Nói đâu xa, chỉ cần UAE với thể hình và thể lực vượt trội cũng đủ khống chế hoàn toàn tuyển Việt Nam hơn 70 phút ở lượt đấu cuối vòng loại World Cup 2022 vừa rồi.
Nếu không sớm cải thiện được những điều này, tuyển Việt Nam khó lòng mơ xa hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.