Phải giáo dục cho toàn xã hội tôn trọng, giúp đỡ người khuyết tật lao động

24/11/2009 17:50 GMT+7

(TNO) Sáng 24.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự Luật người khuyết tật. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, việc ban hành Luật người khuyết tật thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ đối với những người không may, nhất là luật đã mở rộng ra gồm cả những đối tượng khiếm khuyết về tinh thần.

Do mở rộng phạm vi đối tượng, ĐB Cuông tán đồng với dự luật lấy tên là Luật người khuyết tật. ĐB Nguyễn Tấn Trịnh hưởng ứng: “QH phải ưu tiên cho luật này ra sớm để đảm bảo quyền lợi của người tàn tật”.

Pháp lệnh người tàn tật quy định các doanh nghiệp phải nhận một tỷ lệ 2% lao động là người tàn tật nhưng thực tế rất ít các doanh nghiệp thực hiện quy định này. Dự Luật người khuyết tật “nới lỏng” hơn, chỉ khuyến khích các doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) không đồng tình với việc “nới lỏng” của dự luật: “Quy định như Pháp lệnh còn khó thực hiện, khuyến khích thì rất khó, phải cứng rắn hơn, yêu cầu các doanh nghiệp phải nhận một tỷ lệ nhất định người khuyết tật”.

ĐB Nguyễn Tấn Trịnh lên tiếng: “Quyền lớn nhất là được sống và thứ hai là phải được lao động. Để lao động thì phải đào tạo nghề. Nhà nước phải có một khoản ngân sách để tạo việc làm cho người khuyết tật”. ĐB Trịnh cho rằng, luật phải đặt ra vấn đề giáo dục cho toàn xã hội tôn trọng và giúp đỡ người khuyết tật lao động. ĐB Lê Hồng Sơn cho biết, Luật giáo dục dạy nghề chỉ quy định chung chung về dạy nghề cho người khuyết tật. “Luật này phải nói rõ giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật và học viên là người khuyết tật khi học nghề được hưởng chính sách cụ thể gì?" - ĐB Sơn nhấn mạnh.

ĐB Lê Văn Cuông nêu quan điểm: “Nếu quy định cụ thể là doanh nghiệp nhận ít nhất 2% lao động là người khuyết tật thì không nên”. Theo lập luận của ĐB Cuông, các doanh nghiệp đều nhận thức được trách nhiệm của mình đối với người khuyết tật nhưng do phần lớn các doanh nghiệp sản xuất theo dây chuyền hiện đại, nên khó bố trí người khuyết tật vào dây chuyền sản xuất.

“Khuyến khích là phù hợp, doanh nghiệp nào đạt tỷ lệ thì nhà nước hỗ trợ, các doanh nghiệp khác không tiếp nhận lao động khuyết tật thì ủng hộ tiền”, ĐB Cuông bày tỏ.

ĐB Lê Hồng Sơn cùng quan điểm: “Đề nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải nhận một tỷ lệ lao động là người khuyết tật, vì thực tế có quy định nhưng không thực hiện được”.

Không quy định cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp phải nhận người lao động khuyết tật nhưng ĐB Sơn đề nghị luật phải có quy định cụ thể về tỷ lệ lao động khuyết tật trong các cơ quan tổ chức nhà nước, “chính các cơ quan đơn vị tổ chức sự nghiệp là những nơi có điều kiện nhận lao động khuyết tật tốt nhất” - ĐB Sơn cho biết.

Lo vì có thể bị lợi dụng để trục lợi

ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết, quy định đối với các công trình mới xây dựng thì khả thi nhưng đặt ra một lộ trình buộc các công trình xây dựng cũ phải cải tạo để phù hợp với người khuyết tật thì khó đi vào cuộc sống. “Quy định như vậy thì ai là người làm và lấy tiền ở đâu để làm?" - ĐB Lợi băn khoăn.

ĐB Nguyễn Tấn Trịnh đề nghị: “Nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách để đảm bảo giao thông cho người khuyết tật”. ĐB Lê Văn Cuông góp lời: “Trong phạm vi điều kiện như hiện nay, các công trình do nhà nước đầu tư, các phương tiện giao thông công cộng thì dứt khoát phải làm cái này (thuận lợi cho người khuyết tật tham gia - PV), còn các công trình khác thì ta khuyến khích”.

Dự luật đặt ra quy định về phân hạng người khuyết tật. ĐB Lê Văn Cuông đồng ý với việc phân hạng nhưng lại lo lắng: “Ra một chính sách gì lại có một lực lượng ăn theo bám vào, làm cho nó méo mó”. Theo ĐB Cuông: “Người ta có thể lợi dụng quy định để chạy chọt, lót tay để được hưởng mức khuyết tật nặng hơn nhằm mục đích trục lợi, vì nếu khuyết tật mất một bộ phận nào thì dễ phát hiện còn khám thần kinh thì chịu, có trời mới biết được người đi khám có bị thần kinh không”. Ông Cuông cho biết, thực tế cũng đã có nhiều trường hợp lót tay từ 500.000 đến 2 triệu đồng để được chứng nhận sức khỏe, hay thần kinh.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.