(TNTS Xuân Nhâm Thìn) Thức ăn Việt rất đa dạng và rất cân bằng, bản đồ ẩm thực thế giới lẽ ra phải in đậm tên Việt Nam - đó là tâm tình của một anh chàng người Mỹ đã có hơn 7 năm "ăn bụi" ở Việt Nam.
|
"Chị sinh năm mấy? Bây giờ mình xưng hô như thế nào? Thôi xưng tên đi ha! Tên tiếng Việt của mình là Thành". Dù đã biết rõ anh chàng đạo diễn mắt xanh mũi lõ Aaron Toronto nói tiếng Việt rất giỏi nhưng độ sành sỏi của Thành về văn hóa giao tiếp của người Việt khiến tôi phải bất ngờ.
Thành không phải là một chuyên gia về văn hóa, ẩm thực, nhưng anh có những nhận xét sắc sảo về ẩm thực Việt sau nhiều năm len lỏi trên từng con phố, từng khu hẻm với bề dày thành tích... ăn bụi. Thành kể: "Tôi đã ăn bánh chưng từ hồi ở Mỹ nên khi qua VN thì đã ăn quen rồi. Tiếc là bánh chưng ngon mà chỉ có trong dịp tết thôi, thấy cũng uổng!".
Rồi Thành lại làm tôi phải bất ngờ về cái mà anh gọi là "triết lý âm dương" trong ẩm thực Việt: "Hằng ngày, tôi ăn cả đồ ăn Mỹ và Việt. Bây giờ mà về Mỹ thì thèm phở, thèm cơm lắm. Cơm bụi thì chỉ có ở VN thôi, vừa ngon lại vừa rẻ. Có thể với người VN, những đĩa cơm bụi quá quen thuộc với họ nhưng theo tôi, đó là những món ngon nhất, căn bản của ẩm thực VN. Tôi thích nhiều lắm: phở, cơm heo quay, cơm sườn ốp la, đậu hũ dồn thịt, canh chua, canh khổ qua, khổ qua xào trứng... Toàn những món hết sức bình thường nhưng cũng hết sức ngon. Thức ăn VN cực kỳ đa dạng, có rất nhiều món.
Ở Mỹ cũng có nhiều loại thức ăn, nhưng đó là do người dân nhiều nước sống ở đó, làm các món ăn bản địa của họ, chứ riêng thức ăn của Mỹ thì không thể nào đa dạng như thức ăn VN. Đó là một thế mạnh văn hóa mà VN phải xuất khẩu ra thế giới nhưng tiếc là giá trị của ẩm thực VN chưa được thế giới biết đến nhiều. Đến nay, ẩm thực Pháp, Nhật, Trung Quốc, Ý, Thái... đã là những phần không thể thiếu được của văn hóa ẩm thực thế giới. Lẽ ra bản đồ ẩm thực thế giới phải in đậm tên VN nữa… Rất hiếm khi có một quán ăn VN ở nước ngoài, trừ khi nó nằm trong cộng đồng người VN.
Tôi đã từng sống ở Mỹ, Mexico, Uruguay, Nhật và đi thăm rất nhiều nước châu Á, u, Mỹ trên thế giới. Nếu nói về chất lượng món ăn, tôi thích thức ăn Pháp bởi họ luôn chú trọng đến từng loại nguyên liệu, gia vị, trình bày, cách nấu... Nhưng nếu nói về sự cân bằng trong từng món ăn, ẩm thực Việt sẽ thắng. Các món ăn VN luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa âm và dương, chẳng hạn một món ăn luôn có thịt, có rau, vừa đủ đồ nóng, vừa đủ đồ mát, ăn vô thấy khỏe, đầy đủ chất dinh dưỡng, thấy rất nhẹ nhàng, không nặng, không nóng trong người. Tôi từng tròn xoe mắt khi một người bán bún riêu nói với tôi: "Món này rất mát" trong khi tô bún riêu đang bốc khói nghi ngút trước mặt. Từ khi đến Việt Nam, tôi mới có khái niệm về món ăn "nóng" và "mát". Quả thực, ăn bún riêu rất mát trong người".
Kiều Oanh (ghi)
Bình luận (0)