Phải kiên quyết hơn

27/10/2013 03:00 GMT+7

Trong buổi làm việc mới đây tại TP.HCM về vấn đề phòng chống tội phạm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không khỏi lo ngại trước sự gia tăng của các loại tội phạm đang đe dọa cuộc sống nhân dân. Vị đại diện Chính phủ đã tỏ thái độ kiên quyết khi chốt lại rằng nơi nào để tội phạm lộng hành thì nơi đó phải “tính sổ” người đứng đầu.

Dư luận đánh giá cao sự quyết liệt ấy bởi không thể chỉ nói mãi, nói nhiều mà hiệu quả ít.

Kể cũng không quá đáng khi TP.HCM bị xếp hạng là cái túi chứa tội phạm. Là địa bàn lớn, dân đông, thu hút đầu tư mạnh, kinh tế phát triển, mưu sinh tương đối dễ hơn so với nơi khác nên lao động tứ xứ đổ về. Tội phạm đủ loại cũng kéo theo. Chỉ riêng việc dẹp các băng nhóm tội phạm tại chỗ đã đủ khiến lực lượng chức năng vất vả, lại thêm tội phạm “ngoại nhập” từ khắp mọi nơi nên tình hình càng trầm trọng.

Không thể không ghi nhận những cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là lực lượng công an đã phá nhiều băng nhóm, triệt nhiều tên đầu sỏ, chặn đứng nhiều vụ việc, góp phần quan trọng củng cố an ninh trật tự. Nhưng, chưa hết sức mình, chưa tung những đòn quyết định khiến tội phạm choáng váng, chưa phát huy được tổng lực… để đẩy lùi về cơ bản thế lực đen này. Thậm chí có những nơi, những thời điểm bọn tội phạm không giảm mà còn tăng, thả sức hoành hành khiến người dân lo ngại không hiểu chính quyền, cơ quan chức năng làm ăn thế nào mà dẫn đến hệ quả ấy.

Bác Hồ từng nhiều lần dặn dò cán bộ công quyền phàm bất cứ làm điều gì cũng phải “dĩ công vi thượng”, chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, điều thiện nhỏ mà không làm, nhưng đã làm phải tận tâm tận lực, hết sức của mình. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là việc mỗi cán bộ cần lấy đó mà răn mình, đừng như một vị trưởng công an phường ở Q.5, TP.HCM dạo nào, khi PV Báo Thanh Niên hỏi có biết trình trạng côn đồ, xã hội đen tác oai tác quái ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hay không đã trả lời rằng chúng tôi chưa nắm được, chúng tôi không nghe nói, chưa được báo cáo, chúng tôi sẽ điều tra…Chỉ bấy nhiêu thôi cũng để cho tội phạm có đất sống ngoài vòng pháp luật.

Tội phạm là phần xám, mặt đen tối của xã hội, có thể phát sinh trên mọi lĩnh vực, ở mọi việc lớn nhỏ nếu pháp luật lỏng lẻo, biện pháp phòng ngừa trừng trị không kiên quyết, người thực thi pháp luật không làm hết sức mình. Lấy ví dụ trong lĩnh vực du lịch. Chính quyền TP.HCM vừa cho công bố đường dây nóng về an ninh trật tự du lịch (một việc đáng lẽ phải làm từ lâu, làm sớm hơn). Những số điện thoại nóng được phổ biến rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông, công bố tại nhiều vị trí đông du khách, truyền đạt tới từng nhân viên trong ngành. Vậy nhưng có những biểu hiện vi phạm sờ sờ trước mặt bàn dân thiên hạ, rất dễ giải quyết, không cần chi đường dây nóng hay nguội, chỉ cần kiên quyết hơn là có kết quả ngay, thì lại ít được quan tâm. Hầu như ai cũng thấy, một gánh hàng bán dừa tươi dạo hoặc một người bán sách rong cũng có thể khiến cho cả đoàn khách du lịch nước ngoài rơi vào tình trạng bực bội, phẫn nộ, có cảm giác bị lừa đảo trắng trợn, thề không bao giờ trở lại…(Thanh Niên từng phản ánh) hay hàng đoàn taxi dù nối đuôi nhau chờ khách dọc khu phố Tây, quanh Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…Đó là điều diễn ra hằng ngày trên nhiều tuyến phố, nhiều điểm tham quan du lịch ở TP.HCM. Nói như cách của một vị giáo sư, không gì làm mất thể diện ngành du lịch, thành phố, thậm chí đất nước VN nhanh hơn thế.

Đồng tình với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề bây giờ là làm mạnh, và phải kiên quyết hơn, với ý thức trách nhiệm cao hơn.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.