Phải làm sao để cán bộ làm gì sai là thấy lương tâm cắn rứt

Vũ Hân
Vũ Hân
30/12/2020 19:47 GMT+7

“Phải làm sao để cán bộ làm gì sai là thấy lương tâm cắn rứt ", là một trong những "nan đề" Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đặt ra cho ngành nội vụ trong nhiệm kỳ tới.

 

Bộ Nội vụ đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nội vụ sáng 30.12, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, nhiệm kỳ qua, Bộ Nội vụ đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nổi bật là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính và sự nghiệp có nhiều tiến bộ; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành và địa phương góp phần thúc đẩy tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan các cấp.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có bước đột phá quan trọng. Trong 2 năm 2019 - 2020, toàn ngành nội vụ đã tham mưu cấp có thẩm quyền tiến hành sáp nhập cấp huyện, cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, theo đó, giảm được 8 huyện, 557 xã, 38.369 thôn, tổ dân phố so với thời điểm năm 2015.
Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức cũng được Phó thủ tướng đánh giá là có nhiều đổi mới… cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Việc thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở đã thực sự phát huy và nâng cao quyền làm chủ của nhân dân, củng cố vững chắc mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, theo Phó thủ tướng.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại.
Cụ thể, chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về chủ trương xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Một số cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết, tập trung thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp. Còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, hoặc còn có tư tưởng chờ đợi kết quả của các bộ, ngành, địa phương khác rồi mới triển khai thực hiện theo.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực. Việc kiểm tra, thanh tra có mặt còn hạn chế, nhất là việc xử lý, phục sai phạm khi được phát hiện còn chậm, chưa kiên quyết.
Vẫn còn tình trạng chưa chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn đời sống...

"Trình tự xử lý kỷ luật cán bộ, công chức của mình không phải dễ"

Nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, trong đó nhiệm vụ của ngành nội vụ có vai trò rất quan trọng, nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, đảm bảo công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả… Phó thủ tướng đề nghị toàn ngành nội vụ tập trung làm tốt 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên vẫn là tập trung xây dựng thể chế đồng bộ, thống nhất.
Thứ hai, tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.
Thứ ba, tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, phối hợp có hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng đến phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp chứng chỉ.
Phó thủ tướng yêu cầu chú ý quan tâm đến chế tài xử lý, không để tình trạng công việc chậm trễ, kéo dài nhưng không kỷ luật ai cả.
“Không có cơ chế đề xuất để kỷ luật thì trên nói dưới đâu nghe. Trình tự xử lý kỷ luật cán bộ, công chức của mình khó lắm, không phải dễ”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp tham mưu cơ chế để xử lý hiệu quả các trường hợp chậm trễ xử lý nhiệm vụ.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cán bộ, công chức phải có trình độ, chuyên nghiệp, nhưng không vì thế mà chạy theo bằng cấp, chứng chỉ. Cán bộ, công chức thì phải trong sạch, liêm khiết, lấy dân làm gốc, có ý thức phục vụ nhân dân, không “tơ hào cọng chỉ, sợi tóc”.
“Phải làm sao để cán bộ làm gì sai là thấy lương tâm cắn rứt. Không phục vụ được cho nhân dân, rồi tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu, dùng kỹ xảo để kéo dài thời gian giải quyết công việc để người ta đến bên mình “nháy nháy”. Điều đó, lương tâm không cho phép”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ dài hơi để khắc phục tình trạng thiếu biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, bảo đảm nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên, có người bệnh thì phải có nhân viên y tế; tham mưu thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.