|
Tại hội thảo, ông Phan Xuân Đại, một giảng viên về cầu đường của Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội), đưa ra nhiều thông số kỹ thuật về cây cầu lịch sử. Theo đó, kết cấu nhịp cầu thép từ thế kỷ 19 có tỷ lệ tạp chất cao, có bọt khí nên chỉ dùng tán đinh, không dùng hàn. Sau đó, giai đoạn 1962 - 1970, kết cấu này lại chịu thêm nhiều bom đạn nên đã phải thêm trụ tạm để giữ cho khỏi đổ. Sau 1975, ngành giao cắt bỏ dầm hỏng, thay bằng dầm tạm để bảo đảm giao thông. “Năm 1990, Viện Khoa học giao thông đã lấy thép Long Biên để nghiên cứu và thấy khả năng chịu tải chỉ còn 57% so với thiết kế ban đầu”, ông Đại nói.
|
Cũng theo ông Đại, cầu Long Biên đã phải gia cố trụ cầu và cũng cản trở giao thông đường thủy vì mái dầm quá thấp. Ông còn nhấn mạnh vào việc cây cầu hiện chỉ còn 600 m là từ thời đầu xây dựng. “Từ những góc độ đó, cầu Long Biên là di sản kiến trúc đô thị nhưng không thể bảo tồn mà sử dụng cho giao thông đô thị được. Nó chỉ có thể làm bảo tàng thôi. Chuyển cầu lên cách đó rồi ta sẽ thực hiện hết việc văn hóa, chứ còn ngay cái vị trí này để cầu đó thì chỉ có 600 m thôi”, ông Đại nói.
Quan trọng nhất không phải là kỹ thuật
“Cách đặt vấn đề của ông Đại như vậy vẫn là đặt giao thông lên trên văn hóa lịch sử”, GS-KTS Nguyễn Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư nói. Theo GS Thông, để tàu thuyền đi lại có thể có những giải pháp kỹ thuật khác nhau. Do đó, điều quan trọng nhất là các nguyên tắc cần đạt được. Chẳng hạn, ở đây với cầu Long Biên phải tiên quyết là giao thông nội đô, với tốc độ bình thường. “Do đó, quan trọng nhất không phải là kỹ thuật. Quan trọng nhất là mình quan niệm nó phải là cái gì. Nếu quan niệm đó là giao thông thì phải phá đi làm lại. Còn nếu coi Long Biên là di sản đô thị sống thì phải cho nó thích nghi. Thích nghi theo sức nó chịu được thôi. Cái cầu đi lại thế nào, chứ lại cho đường sắt đi lại rầm rầm thì không”, ông Thông phân tích.
Về việc hiện cầu chỉ còn 600 m là nguyên bản như ông Đại nói, ông Thông cho rằng về mặt bảo tồn người ta có thể làm lại bên cạnh giữ lại những gì dùng được. “Kết cấu gỗ mục người ta vẫn thay. Kỹ thuật bảo tồn cho phép điều đó. Cái chính là đặt cái gì lên trước. Phải xác định rõ là lấy giao thông hay lấy di sản văn hóa lịch sử đi vào lòng người làm dài hạn”.
Về phương án ông Đại đưa ra là dịch cầu Long Biên cũ sang để bảo tồn, ông Thông nói: “Còn dịch cầu cũ sang chỗ khác thì không đúng. Với di sản sống bản thân nơi chốn vị trí cũng là yếu tố. Di sản sống tức là không bảo tàng hóa mà thích nghi hóa. Bảo tàng hóa thì đương nhiên Long Biên thành cây cầu chết”.
Không chỉ mình ông Thông có quan điểm như vậy, GS-KTS Nguyễn Việt Châu, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc cũng nghĩ như thế. “Ở đây, cái sai cơ bản nhất của ngành giao thông là ứng xử với nó như với một vật vô tri”, ông Châu nói.
Chưa kể, theo GS-TS Trần Hùng, việc phá cầu Long Biên cũ sẽ phá vỡ cả không gian quan trọng của Hà Nội gồm phố cổ - phố Pháp - Long Biên. Thêm vào đó, một tuyến đường sắt quốc gia đâm thẳng vào tim thành phố là điều đi ngược lại với quy hoạch đô thị.
Sao không tập hợp trí thức ?
Ông Châu cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Hà Nội: “Tại sao đến giờ Long Biên vẫn chưa phải là di sản. Cách đây mấy hôm, có 5 đình đền ở Hà Nội nhận danh hiệu di sản cấp quốc gia đặc biệt. Những di tích đó có giá trị, nhưng nếu chúng cạnh cầu Long Biên, thì ít nhất Long Biên cũng có giá trị không kém. Và giá trị của Long Biên còn ở cỡ thế giới. Vì thế tôi nghĩ cần có ngay danh hiệu cho nó ở cấp quốc gia, thế giới. Tôi cũng nói, trong 14 văn kiện của Liên Hiệp Quốc về di sản, 5 phương pháp bảo tồn, không có phương pháp nào giống phương pháp mà Bộ GTVT vừa đặt ra cả”.
Ông Châu cũng đặc biệt chú ý khả năng hữu hạn của các kỹ sư giao thông trong vấn đề lớn và phức tạp như cầu Long Biên. “Chúng ta sẽ sai lầm nếu không có tầm nhìn xa và nhiều góc độ. Các phương án sắp tới cho cầu Long Biên phải có các nhà bảo tồn, kinh tế xã hội cũng ngồi với nhau. Chúng ta cần phải có hết những điều đó”, ông Châu nói.
GS Hoàng Đạo Kính lại chia sẻ quan điểm: “Chúng tôi có những niềm vui vì có nhiều người trẻ, các sinh viên quan tâm đến di sản, đến cây cầu Long Biên. Tôi cũng có niềm vui vì trong một tọa đàm này có bao nhiêu ý kiến đóng góp. Nhưng tôi có một nỗi buồn vì tại sao những đóng góp này chỉ lại diễn ra ở đây, một khoa của một trường đại học. Tại sao nó không được tổ chức ở một cấp khác?”.
“Với cầu Long Biên, Hội Kiến trúc sư sẽ lên tiếng bằng văn bản một cách chính thức khi có hồ sơ. Chúng tôi cũng lên tiếng như với trường hợp Nha Trang, Hồ Gươm, quy hoạch Hà Nội”, ông Thông cho biết và nói thêm: “Riêng cầu Long Biên là di sản của lòng người, di sản của trí nhớ thì cũng nên để dân xem, có ý kiến”.
“Chúng tôi kêu gọi ý thức của chính quyền Hà Nội với cầu Long Biên. Hiện người dân đang có nhu cầu phải giữ gìn cây cầu của mình”, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh.
Trinh Nguyễn
>> Chính phủ từng chọn phương án cầu mới cách cầu Long Biên 186 m
>> Chùm ảnh: Cầu Long Biên và cuộc sống đời thường người Hà Nội
>> Vẫn muốn 'nâng cấp' cầu Long Biên?
>> Không được phá cầu Long Biên !
>> Phá cầu Long Biên là xóa một phần ký ức Hà Nội
Bình luận (0)