Phải “xin” mới “cho”!

24/08/2011 02:04 GMT+7

Vào ngày 2.9 tới đây, tức là chỉ hơn một tuần nữa, danh sách giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về văn học, nghệ thuật, danh hiệu NSƯT, NSND sẽ được công bố. Vậy mà, vẫn còn đó những khúc mắc chưa được giải đáp thỏa đáng, những nghệ sĩ của nhân dân đang bị bỏ quên…

Tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước về văn học, nghệ thuật và danh hiệu NSƯT, NSND được quy định lần lượt tại hai thông tư số 03/TT-BVHTTDL (ngày 27.5.2010) và số 06/TT-BVHTTDL (16.7.2010) của Bộ VH-TT-DL. Những quy định không rõ ràng, cụ thể mà chỉ chung chung. Với những quy định “chung chung” như vậy thì có rất nhiều những tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình hay nghệ sĩ, tác giả xem ra phù hợp với tiêu chí xét giải thưởng, danh hiệu nhưng lại chưa xứng đáng, chưa được quần chúng công nhận. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ, tác giả được nhân dân mến mộ bởi tài năng, sự cống hiến bền bỉ lại bị… lãng quên chỉ vì “không đủ số phiếu bầu”, hay “không nộp hồ sơ”.

Những ngày này, dư luận đang quan tâm tới việc nhạc sĩ Phạm Tuyên không được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh. Với những cống hiến của nhạc sĩ cho cách mạng, dân tộc, Hội Nhạc sĩ Hà Nội đã gửi công văn đề nghị xét đặc cách cho ông, nhưng không được chấp nhận. Lý do được ông Vụ trưởng Vụ Thi đua - khen thưởng (Bộ VH-TT-DL) đưa ra là vì nhạc sĩ “không nộp hồ sơ, không thực hiện đúng quy trình xét tặng”. Những tác phẩm đi vào lòng công chúng, từ những ca khúc thiếu nhi như Bà còng đi chợ, Cánh én tuổi thơ, Chiếc đèn ông sao… cho đến những bài hát gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại, sự nghiệp cách mạng của dân tộc như Chiếc gậy Trường Sơn, Con kênh ta đào, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Gửi nắng cho em, Như có Bác trong ngày đại thắng… đã là bản “hồ sơ” xác thực và đầy đủ nhất.

Nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ cảm giác không được tôn trọng khi cứ phải chạy theo cơ chế “xin - cho”. Nhiều tác giả, nghệ sĩ đã cao tuổi, không có nhiều sức khỏe để đi lo “đóng dấu”, “kê khai” những thủ tục, hồ sơ rườm rà. Vì sao cứ phải “xin” mới “cho”? Trong khi đó họ là những người xứng đáng và phải được tôn vinh.

Chưa năm nào như năm nay, có nhiều ý kiến lên tiếng về chất lượng hội đồng thẩm định đến vậy. Những người trong hội đồng vừa phải có cái tâm, vừa phải có cả cái tài. Đã có ý kiến đề nghị cần có đơn vị giám sát các hội đồng ngay từ cấp cơ sở. Cũng có ý kiến cho rằng, nên chăng thay đổi cách thẩm định. Hiện nay, hồ sơ phải gửi tới hội đồng cấp cơ sở, hội đồng cấp bộ chỉ xem xét những hồ sơ được hội đồng cấp cơ sở thông qua và hội đồng cấp nhà nước chỉ xem xét hồ sơ của hội đồng cấp bộ. Có người cho rằng, cần phải có sự thẩm định của đông đảo người trong giới, công chúng, nếu không những hồ sơ đề cử chỉ là của 7 “ông” trong hội đồng cấp cơ sở mà thôi.

Với cơ chế xét duyệt vừa thiếu rõ ràng, vừa cứng nhắc như hiện nay, chúng ta có thể trao “nhầm” danh hiệu, giải thưởng, trong khi đó lại bỏ quên những người nghệ sĩ của nhân dân.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.