Phải xử nghiêm phòng khám đưa hồ sơ bệnh án lên mạng xã hội

05/11/2016 08:22 GMT+7

Đó là một trong nhiều ý kiến của bạn đọc về các bài viết Hồ sơ bệnh án bị tung lên Facebook và Bảo mật thông tin bệnh nhân đăng trên Thanh Niên ngày 4.11.

Không thể chấp nhận !
Mang đến cho bệnh nhân sự khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần là trách nhiệm, bổn phận của người thầy thuốc, của cơ sở khám chữa bệnh. Dù bệnh nhân có bức xúc, cũng phải có cách nào đó để xử lý êm đẹp, ổn thỏa. Làm dịch vụ thì việc khách không hài lòng, phản ứng gay gắt là chuyện khó tránh khỏi. Thế mà phòng khám này hoặc cá nhân nào đó ở phòng khám này đã hành động một cách cẩu thả, thiếu y đức như thế là không thể chấp nhận được.
Trần Thị Bạch Tuyết (Q.9, TP.HCM)
Vi phạm bí mật đời tư
Đối với nghề y, đạo đức, nhất là y đức phải được đưa lên hàng đầu. Bác sĩ phải bảo mật thông tin cho bệnh nhân tuyệt đối, kể cả họ không yêu cầu. Một phòng khám dùng lời lẽ, hình ảnh của bệnh nhân nào đó để quảng cáo là nơi chữa bệnh tốt, mau khỏi… cũng phải xin phép người bệnh. Còn ở đây thông tin cá nhân, chuyện đời tư của bệnh nhân lại dám đưa lên mạng xã hội cho bàn dân thiên hạ thấy mà không được sự đồng ý của bệnh nhân là vi phạm bí mật đời tư. Vụ việc này phải được cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn.
Phạm Văn Dần (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Đừng quá tin
Rất nhiều người tin vào các phòng khám có bác sĩ là người Trung Quốc, Đài Loan như thế này. Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân phản ánh rằng các phòng khám này thường “hù” người bệnh, nào là bệnh rất nặng, nào là nguy cơ ung thư… để đưa ra gói điều trị với chi phí khá cao. Nhiều người hoảng quá, đi kiểm tra ở bệnh viện công thì mới biết bệnh tình không mấy trầm trọng hoặc chỉ bị nhẹ. Bởi vậy, mới có những bức xúc như của bà M. đối với phòng khám này. Đây cũng là bài học cho nhiều người khi quá tin vào các phòng khám có yếu tố nước ngoài.
Trần Minh Trung (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Đã thiệt càng thiệt thêm
Tôi cho rằng đây là đòn “trả thù” của phòng khám khi bà M. đã “nói xấu” họ trên mạng xã hội. Vậy mới thấy mạng xã hội có cái hay mà cũng lắm cái không hay. Nếu bà M. khiếu nại sự việc trực tiếp với phòng khám, sở y tế để giải quyết thì có thể mọi chuyện sẽ chẳng có gì. Sự việc đến nước này, nếu phòng khám có lỗi chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng bà M. đã thiệt càng thiệt hơn khi bệnh tình, chuyện riêng tư bị lộ. Vậy mới hay rằng không phải cái gì cũng đưa lên mạng xã hội, nguy hiểm cho bản thân lắm!
Phạm Thanh Thúy (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Rà soát lại phòng khám
Do bệnh viện công hiện nay có khá đông người đến khám nên nhiều người bệnh nhẹ, tự thấy không nghiêm trọng, sẽ tìm đến phòng khám gần nhà. Là người bệnh, kiến thức y khoa hạn hẹp nên đâu biết phòng khám nào tốt, phòng khám nào không. Khi lỡ rơi vào hoàn cảnh như nạn nhân M. mới thấy hết tác hại của những phòng khám đã làm ăn chụp giật lại còn thiếu y đức. Tôi đề nghị các sở y tế cần thường xuyên rà soát, kiểm tra tất cả các phòng khám, nhất là phòng khám quảng cáo do các bác sĩ Trung Quốc điều trị.
Nguyễn Thị Kim Uyên (Thủ Dầu Một, Bình Dương)
       
Nhiều trường hợp, khi đến gặp bác sĩ, ngoài kể tình trạng bệnh còn kể luôn những vấn đề thầm kín dẫn đến bệnh để bác sĩ hiểu rõ nguyên do mà điều trị kịp thời. Vậy mà thông tin ấy bị tung lên mạng xã hội cho hàng ngàn người biết thì đau, tức lắm! Tôi ủng hộ bà M. khởi kiện phòng khám này để răn đe các phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh khác.
Võ Thị Phương Mai (Q.8, TP.HCM)
       
Theo khoản 2 điều 9 bộ luật Dân sự về nguyên tắc bảo vệ quyền dân sự, khi thông tin cá nhân, bí mật đời tư, bệnh án... bị lộ thì trước hết người bệnh cần yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai, đồng thời buộc bồi thường thiệt hại. Để buộc bồi thường thiệt hại, người bệnh cần chứng minh thiệt hại theo quy định luật Dân sự.
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Đoàn luật sư TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.