Phạm Xuân Nguyên: Làm gì cũng phải có trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể

30/07/2013 06:10 GMT+7

Nếu tìm hiểu về Phạm Xuân Nguyên từ những nguồn khác nhau, người ta sẽ chẳng biết vẽ chân dung anh thế nào, bởi vì, có rất nhiều trong một.

Đó là người đã định đầu tư sâu cho văn học miền Nam khi mới trở thành nghiên cứu viên của Viện văn học. Là một dịch giả có thể chuyển ngữ ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp tốt như nhau. Là người hay giúp đỡ các chuẩn tiến sĩ viết luận văn, trong khi mình nhất định dừng lại ở văn bằng cử nhân. Một giảng viên đầy lôi cuốn với sinh viên nhờ kho kiến thức uyên bác và cách diễn đạt tinh gọn. Một người dẫn chương trình sinh động và thâm thúy. Một bạn rượu vui tính, ít khi làm phiền ai. Một cộng tác viên không bao giờ nói không khi được nhờ cậy. Một cái tên “hot” vì việc dạo quanh hồ Gươm. Là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội…

Phạm Xuân Nguyên: Làm gì cũng phải có trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Sao trong một người lại có thể sống chung nhiều con người khác nhau như thế? Thật ra, điều đó không hề mâu thuẫn mà là một tổng thể đa dạng, cân bằng, ổn định. Bởi vì Phạm Xuân Nguyên trong bất cứ vai trò nào cũng thực hiện với trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể.

Là người từng đưa Phạm Xuân Nguyên đến gặp bác Lê Ngộ Châu, Chủ nhiệm Tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) để nhờ bác kết nối với những nhà văn miền Nam khác, tôi đã thực sự tiếc khi kế hoạch về văn học miền Nam của Nguyên không thể thực hiện. Biết rõ một nền văn học để có thể nói về nó một cách chính xác, đó chẳng phải là cách làm khoa học và thấu tình đạt lý hay sao. Nhưng có lẽ ý định đó đã đi sớm hơn thời đại của mình nhiều bước quá chăng?

Những bài nghiên cứu, phê bình văn học của Phạm Xuân Nguyên xuất hiện khá đều trên mặt báo. Và dù anh khen hay chê tác phẩm thì người đọc cũng dễ dàng nhận ra thiện ý và tâm thành của tác giả. Văn hóa tranh luận được tôn trọng, và sự quy chụp hoặc đánh tráo khái niệm không có trong cách làm của anh. Người ta có thể tán thành hay không nội dung bài anh viết, nhưng vẫn phải thừa nhận sự khách quan đúng mực của nó. Ngay trong thời điểm xảy ra những tranh luận căng thẳng nhất, bài viết của Phạm Xuân Nguyên dù quyết liệt, thẳng thắn nhưng chưa bao giờ xúc phạm hay có ý xấu với bất kỳ ai. Có lẽ điều đó bộc lộ nét đặc trưng của con người anh: hòa nhã, dễ gần.

Phạm Xuân Nguyên đã viết về nhà thơ Hữu Loan: “Ông đã sống một cuộc đời dài, thật dài, mà những khổ nạn, thử thách chỉ càng làm bền thêm trong ông những lựa chọn ban đầu khi làm cách mạng và làm thơ. Bỏ phố thị thủ đô về lại quê hương, tự tay vỡ đất vỡ đá lầm lụi tháng ngày nuôi vợ con nuôi mình chống chọi với cuộc sống thiếu thốn vất vả và nhiều chướng ngại, nhưng ông không nề hà, nản chí. Hữu Loan là một con người cương cường. Ai đã một lần gặp ông, nhìn ngắm khuôn mặt ông, nhất là đôi mắt, và nghe giọng ông nói, đều có thể cảm nhận đây là một con người không chịu gục ngã trước thử thách… Ông tự gọi mình là cây gỗ vuông: “Tôi, cây gỗ vuông chành chạnh suốt đời/Đã làm thất bại âm mưu/đẽo tròn/để muốn tùy tiện/lăn long lóc/thế nào/thì lăn lóc. Chân lý đấy/hỡi/rìu/bào/phó mộc”. Nhà ông, trên bàn thờ chỉ để một chữ Tâm”.

Trong cảm nhận của tôi, đóng góp đáng kể của Phạm Xuân Nguyên cho văn học chính là mảng dịch thuật, với bút danh Ngân Xuyên. Bất cứ tác phẩm dịch nào của Nguyên cũng được chọn lựa kỹ, dù chỉ một truyện ngắn, một bài báo, một chuyên luận, chứ không nhất thiết phải là tác phẩm lớn. Là người giỏi tiếng Việt và có một tâm hồn thuần Việt, biết rõ người đọc Việt đang thiếu gì nên Phạm Xuân Nguyên luôn cung cấp những thông tin giúp họ khám phá, đồng thời gợi những liên tưởng mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ của họ.

Đó là bài trả lời phỏng vấn nhà văn Peru Mario Vargas Llosa (Nobel Văn học 2010) dành cho Natalya Kochetkova, bình luận gia tờ Zvestia - Nga: “Bất cứ chế độ toàn trị nào cũng luôn muốn kiểm soát văn học, cũng đối xử với nó đầy ngờ vực, bởi vì văn học chứa trong mình sự phê phán quyền lực… Tất nhiên người ta thích coi văn học nghệ thuật trước hết như một thứ giải trí, nhưng nó còn lớn hơn là giải trí đơn thuần… Các tác phẩm văn học lớn luôn cho biết những việc xảy ra trong xã hội, cho biết những vấn đề cơ bản của xã hội là gì, mọi người đang trông đợi gì...”.

Đó là bài giới thiệu nhà văn Mỹ Robert Olen Butler Jr. từng tham chiến ở Việt Nam, đã có hơn mười tác phẩm, trong đó tập truyện A Good Scent from a Strange Mountain viết về người Việt Nam đã nhận giải Pulitzer 1983. Đó cũng là nhà văn cựu binh Mỹ Tim O'Brien, đoạt giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ  với tác phẩm Going after Cacciato, và giải thưởng James Fenimore Cooper dành cho truyện lịch sử hay nhất 1995 với tiểu thuyết In the Lake of the Woods. Quan niệm của ông: "Các truyện về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không viết về chiến thuật, không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh, giống như bất kỳ truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”.

Phạm Xuân Nguyên cũng đã giới thiệu trên Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam (số 1/1996) tiểu thuyết Sự bất tử của Milan Kundera, nhà văn Pháp gốc Tiệp, một tài năng lớn của văn chương thế giới. Sau đó, cùng với Chậm rãi, Bản Nguyên, Sự bất tử được in thành sách, gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả Việt Nam, nhất là giới nhà văn. Tiểu thuyết của Milan Kundera thành công trong việc xóa nhòa lằn ranh giữa tính hư cấu của tiểu thuyết và những luận đề đầy triết lý của nhà văn, buộc người ta phải đọc chậm để có thì giờ nghiền ngẫm và chia sẻ những suy tưởng của ông.

“Tôi quan niệm người dịch không phải chỉ là người chuyển chữ mà là người chuyển văn hóa, vậy anh phải là người luôn biết được nhu cầu bạn đọc. Tất nhiên tôi không nói đến nhu cầu của số đông, mà là nhu cầu về trí tuệ, văn hóa của dân tộc… Giống như một bà mẹ nuôi con, biết con cần gì ở mỗi giai đoạn, mỗi dân tộc luôn cần biết lấy cái gì của nước ngoài về cho mình”. Đó là những gì dịch giả Ngân Xuyên Phạm Xuân Nguyên nói về công việc dịch thuật của mình.

Nhiều công việc, nhiều tầng lớp bạn bè, nhiều xê dịch, nhiều buồn vui nhân thế… trong một con người. Và nếu bạn hỏi, vậy Phạm Xuân Nguyên là ai, câu trả lời của tôi sẽ là: “Phạm Xuân Nguyên, như chính Phạm Xuân Nguyên thể hiện”.

Phạm Xuân Nguyên: Làm gì cũng phải có trách nhiệm và chất lượng cao nhất có thể 

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Ngô Thị Kim Cúc

>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
>> Nguyễn Trinh Thi: Độc lập để sáng tạo
>> Trương Gia Bình: Khát vọng công nghệ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.