Phận đàn

04/11/2018 06:26 GMT+7

Biết chơi guitar từ nhỏ nhưng có những khoảng thời gian chồng tôi không có nổi cây đàn , mới tội.

Mừng là, hơn chục năm nay, trong nhà lúc nào cũng có ít nhất một cây đàn và từ thời điểm ấy, chúng tôi nhận ra cuộc sống của gia đình mình nhẹ nhõm hơn, thăng hoa hơn. Mỗi cây đàn hiện diện trong nhà là một câu chuyện. Có thể ngắn hay dài, buồn hay vui, sôi nổi hay trầm lắng.
Có cây guitar đến với chúng tôi vì người vợ không chịu nổi mỗi khi nhìn thấy, sau ngày người chồng mất đi.
Có cây là tác phẩm của một nghệ nhân tên là Kurosawa. Hẳn số phận của nó đã rất long đong sau khi rời khỏi người chủ ở nước Nhật. Vậy mà sóng gió vẫn chưa thôi rượt đuổi, quăng quật cây đàn khi đã về với chúng tôi. Một người bạn mượn lên Tây nguyên chơi và đàn phải chịu “lưu đày” hơn ba năm trời đằng đẵng. Đàn có nhiều tháng ở nương rẫy, đàn có nhiều hôm ở lán trại của công nhân. Đàn nằm kẹt cứng trong kho tạp hóa của vợ người bạn và đàn xuất hiện thường xuyên trong các cuộc tụ bạ hát hò. Mỗi tin tức về cây đàn khiến vợ chồng tôi quắt quay và khi mà chúng tôi đã thôi trông ngóng thì ông bạn đem trả. Đó là một buổi tối thật vui sướng khi chúng tôi được có lại Kurosawa.
Tôi được nghe đến cái tên đàn ấy cách đây trên hai chục năm. Nghe trong những tiếng chắp hít nhiều tiếc rẻ của một người. Chẳng là khi đến nhà một người quen chơi, chồng tôi thấy mấy đứa nhỏ cột dây vào đầu một cây guitar và kéo lê cùng khắp. Cầm đàn lên săm soi, đánh thử, anh lập tức giật mình vì nhận ra đây là một cây Aria, âm thanh tuyệt hảo. Hỏi thêm mới hay, cây đàn này là phần thưởng của một cuộc thi, được người đoạt giải đem từ nước ngoài về nhưng cả nhà không có ai biết chơi guitar. Thế là, cây đàn trở thành đồ hàng của trẻ con và cái hộp đàn trở thành… chuồng nuôi chuột bạch của người lớn.
Không ngờ, có ngày chúng tôi có được một cây concert guitar hiệu Aria. Chồng tôi nhận ra cây đàn trong một dịp rất tình cờ như thế và mua được với giá khá nhẹ. Người bán không hề biết giá trị của nó. Mới hay có những điều hiếm quý ẩn tàng, mà những đôi mắt lướt vội của người đời chẳng bao giờ có thể nhận ra. Chúng tôi mừng đến quên ăn quên ngủ vì cây Aria này. Cứ tưởng như mơ khi tiếng đàn đầy ma mị, cuốn xiết lấy mình trong rất nhiều khoảnh khắc lại được ngân rung ở ngay đây.
Rồi Yamaha acoustic, rồi Morris... Từng cây guitar được chồng tôi đem về khiến số đàn ở nhà có khi lên đến con số chục. Hầu hết là hàng seconhand, được bán với giá cả phải chăng. “Bù lại”, cây nào cũng bị lỗi hoặc dáng hình, hoặc âm thanh. Cứ như là có duyên vậy, ông xã tôi lục tìm trong hằng hà sa số đàn và chọn lựa. Rồi dành ra rất nhiều thời gian chỉnh sửa, làm đẹp trong lặng thầm thích thú. Cũng hay! Chồng cặm cụi ngồi sửa đàn, vợ loay hoay ngồi nhặt chữ trong niềm say mê, khác biệt và lẻ loi.
Đàn ở nhà cũng sang lại, nếu có người cần. Tất nhiên là trong sự kén chọn. Cây guitar này tạm biệt chúng tôi trong dùng dằng nuối tiếc, để lại có cây guitar khác được reo vui hội ngộ chốn này. Như cây Masuoka mà chúng tôi đã để lại cho cô bạn thân ở Mỹ. Cảm động khi mường tượng cảnh cô ấy đem guitar của nhà sang tận nơi cách đây nửa vòng trái đất và mỗi ngày ôm đàn hát. Cuộc sống tha hương nhờ Masuoka, biết đâu, sẽ bớt đi nhiều day dứt nhớ buồn.
Mỗi ngày, khi cùng ngồi lại bên nhau và bên đàn, chúng tôi hạnh phúc vì nhận ra: Mỗi một phận đàn, có thể phẳng lặng hoặc sóng gió, có thể tất tả hoặc thảnh thơi nhưng đều đã được bình yên, ở đây. Nơi tổ ấm này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.