Phan Đình Phương: Sáng tạo để làm người hạnh phúc

28/11/2012 05:50 GMT+7

Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Mỹ lần đầu tiên phá lệ, kết nạp một kỹ sư đang sinh sống tại VN là ông Phan Đình Phương làm thành viên của mình.

Năm 2000, kỹ sư Phan Đình Phương (Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh, Đà Nẵng) cùng cộng sự bắt tay vào nghiên cứu chế tạo hệ thống chữa cháy đa năng. Đây là một điều khó khăn vì nghiên cứu, chế tạo thiết bị chữa cháy thuộc hàng chuyên dụng, phải qua nhiều khâu thẩm tra, xem xét từ nhiều cấp, nhiều ngành. "Mỗi lần mình nghĩ ra một phương pháp mới, như hiệu chỉnh đầu phun cho vòi chữa cháy là phải theo đuổi một hành trình... đệ trình và chờ thẩm duyệt", ông Phương tâm sự.

Cứ như vậy, qua gần 12 năm mòn mỏi, từng linh kiện, từng bộ phận, rồi cả hệ thống chữa cháy đặc biệt mang thương hiệu An Sinh Xanh mới "làm vừa lòng" những người có trách nhiệm.

Thông điệp cho cộng đồng quốc tế

Phan Đình Phương: Sáng tạo để làm người hạnh phúc
Kỹ sư Phan Đình Phương (phải) - Ảnh: H.T

Hệ thống chữa cháy An Sinh Xanh theo ông Phương là không lệ thuộc vào thời gian “ân hạn” (grace time) 72 giờ như các hệ thống đã có trong thiết kế hiện đại của Nga, châu u, Mỹ, Nhật Bản...

 

Hãy nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, bạn sẽ mãi mãi ngạc nhiên và liên tục sáng tạo; Hãy nhạy cảm với nỗi đau, bạn sẽ sáng tạo nhân bản hơn; Hãy hỏi: Có cách nào làm tốt hơn không? Nói không là chặn đứng sự tiến bộ…

Hệ thống này có khả năng đẩy nước làm mát trong trường hợp khẩn cấp cho các nhà máy điện hạt nhân bằng năng lượng khí hóa lỏng như N2, CO2. Hệ thống cũng có khả năng tuần hoàn, lắng lọc nước đã dùng, phun trở lại vào hệ thống làm mát để hạn chế mức nước cần sử dụng và giảm thiểu lượng nước xả ra gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí khi mất hết tất cả các nguồn năng lượng, hỏng hết máy bơm, máy nổ, máy phát điện, ắc quy... thì thiết bị này vẫn có khả năng phát điện để tiếp tục điều khiển lò phản ứng hạt nhân, cấp cho đèn chiếu sáng, camera quan sát, đèn thoát hiểm, thiết bị kết nối wifi, mobile để đảm bảo việc liên lạc toàn cầu. Chạy quạt gió để hút khói độc và cấp gió tươi cứu người thoát hiểm. Thu hồi lại một phần có thể khí để hóa lỏng dùng lại. Lọc sạch nước để cấp cho người uống ngay tại vòi khi sự cố hay uống hằng ngày. Cấp ô xy cho người vào vùng nhiễm xạ...

Ông Phương nhớ lại, liên tiếp trong hai tháng 5 và 6.2011, hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị đã được tổ chức tại Đà Nẵng bởi những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điện hạt nhân với mục đích kiểm tra hệ thống chữa cháy An Sinh Xanh. Cuối cùng, các nhà khoa học đều đánh giá đây là một thiết bị độc đáo và hữu dụng.

Từ đây, Cục An toàn bức xạ hạt nhân VN đã gửi đến ông Denis Flory, Phó tổng giám đốc IAEA, thông điệp nêu rõ: "Sau khi xảy ra sự cố Fukushima, các quốc gia hạt nhân và cộng đồng quốc tế muốn trao đổi và tìm ra bài học kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho các chương trình điện hạt nhân của mỗi nước cũng như trên thế giới. Chúng tôi muốn gửi ngài ý tưởng về một thiết kế (kèm theo thư này) của hệ thống đẩy nước mà không cần phải cung cấp điện, không cần máy bơm, đã được dùng để chữa cháy tại VN và đã được Mỹ cấp Bằng sáng chế số 6.942.040 B1 ngày 13.9.2005, với hy vọng sẽ sử dụng để ứng phó khẩn cấp đưa nước vào lò phản ứng loại bỏ nhiệt dư thừa".

 

5 bí quyết theo suốt cuộc đời

 

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Bao giờ cũng vậy, ông Phương truyền cho lớp trẻ trong công ty một cách nghĩ, một cách làm "khác người" khi họ luôn thường trực câu hỏi: "Mục đích của sáng tạo để làm gì?". Giải thích điều này, ông Phương tâm sự: "Sáng tạo để làm "Người hạnh phúc", lo cho mình và mọi người chứ không phải làm giàu; Không bị cuốn vào vòng xoay của đồng tiền mà phải chăm lo cho hạnh phúc mọi thành viên gia đình; Sáng tạo vì tình yêu người, để mọi người bớt khổ, để môi sinh trong lành...".

Rồi ông ví dụ, hãy nhìn những người phụ nữ là công nhân vệ sinh, quét rác thâu đêm đến sáng trên đường phố. Đừng coi họ là người dưng. Hãy coi đó như vợ ta, con ta, em gái ta, ta có xót ruột không? Vì vậy, có muốn góp cho đời một chiếc máy quét rác thật nhanh giữa đêm đường phố rộng thênh vì cả thành phố đã ngủ yên. Quét thật nhanh để "người thân yêu của ta" được về nghỉ sớm hơn! Với suy nghĩ đó, những người trẻ ở An Sinh Xanh đã cho ra đời thế hệ máy hút rác, bụi bằng khí động lực cao tốc có giá thành chỉ bằng 1/5 so với máy cùng loại do nước ngoài sản xuất.

Ông Phương cho rằng, nhờ tuân theo những tư tưởng lớn và khởi xướng phương cách để sáng tạo, nên dù tại An Sinh Xanh không có một phòng thí nghiệm, không một thiết bị nghiên cứu nhưng đã cho ra đời hàng chục sáng chế và đã chế tạo trên 50 loại máy hữu ích, được xã hội ưa chuộng, tin dùng cả trong nước và xuất khẩu. Trong đó, có hệ thống thiết bị thu hồi ngưng tụ hơi xăng dầu bay ra trong quá trình xuất nhập, tồn chứa, cấp phát... nhằm giảm ô nhiễm môi trường, cháy nổ, thất thoát tại các kho xăng dầu; cuộn vòi đôi nhỏ gọn dùng trong chữa cháy; hệ thống chữa cháy đa năng; máy hút rác, bụi cao tốc; thiết bị làm sạch vật chứa...

Với những người trẻ khát khao sáng tạo, ông chia sẻ 5 bí quyết “đã theo ông suốt cuộc đời”, đó là: Hãy nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ, bạn sẽ mãi mãi ngạc nhiên và liên tục sáng tạo; Hãy nhạy cảm với nỗi đau, bạn sẽ sáng tạo nhân bản hơn; Hãy hỏi: Có cách nào làm tốt hơn không? Nói không là chặn đứng sự tiến bộ; Hãy làm ngược với cách người khác đã làm; Hãy nhớ: Lời khen là niềm khích lệ trong giây lát, lời chê mới là ân huệ lâu dài người đời ban tặng chúng ta!

Hữu Trà

>> Bùi Công Khánh - Thế giới mỗi ngày có thêm bao nhiêu người hay
>> Nguyễn Văn Phước: Sách có thể làm sống lại khát vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.