Phần lớn đất rừng cho nước ngoài thuê ở khu vực trọng yếu

11/06/2010 13:47 GMT+7

(TNO) Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (QH), ông Lê Quang Bình cho biết thông tin trên khi trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) sáng nay (11.6) về chủ đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng đang gây bức xúc dư luận. >> “Sốt” đất trồng rừng

Khác với con số báo cáo Chính phủ vừa gửi tới đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là tính đến hết tháng 12.2009, đã có 8 doanh nghiệp (DN) được UBND các tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trong số 11 DN và nhà đầu tư nước ngoài vào VN để khảo sát đầu tư trồng rừng trên địa bàn 10 tỉnh (đây cũng là con số Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Cao Đức Phát báo cáo trước QH sáng nay khi trả lời chất vấn), ông Lê Quang Bình cho biết, hiện toàn quốc có 19 dự án nước ngoài được cấp phép trồng rừng với diện tích đất rừng là trên 398.374 ha (nhiều hơn gần 100.000 ha so với con số Bộ NN-PTNN thông báo).


Ảnh: L.Q.P

“Đề nghị không giao rừng, không giao đất trồng rừng cho các công ty nước ngoài. Trước hết là phải giao đất cho người dân trồng rừng, sau đó là ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước”

Ông Lê Quang Bình

Cũng theo ông Bình, về đặc điểm đất rừng cho DN nước ngoài thuê trong báo cáo của Bộ NN-PTNT không nói rõ, nhưng qua giám sát của Ủy ban cho thấy, phần lớn số diện tích đã ký và đã giao cho các công ty nước ngoài trồng rừng nằm trong khu vực trọng yếu. Trong đó có một số thuộc rừng đầu nguồn, rừng sinh thái, rừng cần phải bảo vệ.

Liên quan đến quy định phân cấp quyền cấp phép cho thuê đất trồng rừng cho địa phương lên tới 100.000 ha, ông Bình cho rằng phải xem xét lại thẩm quyền giao cho các địa phương giao đất cho các công ty trồng rừng. Nếu bây giờ vẫn giao quyền như cũ là địa phương được giao cả trăm nghìn ha đất trồng rừng thì Chính phủ, đặc biệt các bộ liên quan như NN-PTNN, Tài nguyên - Môi trường và Kế hoạch Đầu tư, phải tăng cường kiểm tra.

Ông Bình cũng cung cấp cho báo chí một thực tế là vừa qua Ủy ban Quốc phòng - An ninh đi giám sát phát hiện các địa phương trước khi ký kết đều có báo cáo Chính phủ, báo cáo Thủ tướng, báo cáo Bộ NN-PTNN nhưng các Bộ trả lời rất chung chung. Ví dụ có trả lời đồng ý về chủ trương nhưng đề nghị phải hỏi thêm ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, rồi đề nghị phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới được triển khai. Xem các công văn địa phương chuyển đi thì thấy hỏi đi hỏi lại tới 3, 4 lần nhưng không có câu trả lời nên tỉnh cứ ký. 

Trong khi đó, khi các địa phương xin thêm ý kiến Bộ Quốc phòng lại được Bộ Quốc phòng trả lời vấn đề này đề nghị hỏi lại quân khu. Hỏi quân khu thì có những dự án quân khu không trả lời, lại bảo cái này thuộc Bộ Quốc phòng. Có những quân khu có trả lời, ví dụ như Quân khu 4 có trả lời nhưng chỉ trả lời một vài dự án chứ không trả lời hết. Quân khu 5 thì lại bảo vấn đề đó thuộc Bộ Quốc phòng. Vì vậy, các tỉnh thấy lâu quá nên cứ ký. 

Về số liệu vênh nhau giữa Báo cáo của Chính phủ, Bộ NN-PTNN với số liệu giám sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, ông Bình lý giải: Có thể thời điểm cập nhật số liệu khác nhau nên con số báo cáo khác nhau nhưng thực tế có sự vênh về số DN được cấp phép thuê đất rừng, số địa phương cho DN nước ngoài thuê đất rừng và cả diện tích đất rừng đã giao. Tuy nhiên, con số vênh hay không không quan trọng lắm, mà quan trọng là tới đây phải kiên quyết dừng việc cấp đất cho DN nước ngoài thuê trồng rừng.

Sau đợt giám sát trên, Ủy ban đã gửi kiến nghị tới Chính phủ và QH là phải tiến hành cho điều tra lại, những dự án nào không ảnh hưởng nhiều đến quốc phòng an ninh và đã trót giao cho các công ty nước ngoài, cần giữ quan hệ lâu dài, thì mới cho tiếp tục làm. Dự án nào liên quan tới an ninh quốc phòng thì kiên quyết rút giấy phép đầu tư. Nhưng trước mắt cần kiểm tra, ngăn chặn ngay việc các tỉnh tiếp tục cho thuê đất rừng.

Ông Bình cũng cho biết quan điểm của cá nhân ông là dứt khoát không nên cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, vì hai lẽ: Thứ nhất là người dân đang rất cần diện tích để trồng rừng, thứ hai là các DN của chúng ta hiện nay đang phải đi thuê đất trồng rừng bên Lào và Campuchia, trong khi đó đất trồng rừng của chúng ta lại cho DN nước ngoài thuê là bất hợp lý. “Đề nghị không giao rừng, không giao đất trồng rừng cho các công ty nước ngoài. Trước hết là phải giao đất cho người dân trồng rừng, sau đó là ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước”, ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH cũng đề nghị, ngay kết thúc kỳ họp này Chính phủ phải họp lại để bàn sâu, xử lý dứt khoát và công bố công khai rộng rãi kết quả xử lý việc cấp phép cho DN nước ngoài thuê đất trồng rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết.

Hải u

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.