Phản ứng bạn đọc về đề nghị của Bộ NN&PTNT tịch thu 37 con hổ nuôi

18/03/2007 23:12 GMT+7

Thả hổ về rừng", có khác gì đưa hổ vào lò nấu cao? Mấy hôm nay, lên bất cứ tờ báo mạng nào cũng đọc thấy những ý kiến bức xúc của bạn đọc về chuyện 37 con hổ nuôi sẽ bị tịch thu bởi một công văn của Bộ NN&PTNT. "Tịch thu theo luật", nghe có vẻ không còn gì hợp lý hơn.

Nhưng tại sao, vào tháng 3.2000, khi ông Ngô Duy Tân vì thương cảm đã mua 5 con hổ con trong tình trạng chúng kiệt sức và đau ốm về nuôi, Bộ NN&PTNT đã không xuống lệnh tịch thu ngay cho đỡ... đau? Ngày đó, ông Tân đã xin phép Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, và đã được ông bí thư ủng hộ.

Ông Tân cũng đã khai báo ngay với Chi cục Kiểm lâm Bình Dương và nuôi hổ dưới sự cho phép và giám sát của cơ quan này. Vậy cớ sao, khi từ 5 con hổ con ốm yếu, người ta đã cho sinh sản ra cả một đàn hổ (điều mà chưa cơ sở chuyên môn nuôi động vật hoang dã nào của Nhà nước làm được) và chỉ nuôi để bảo tồn chứ không phải để... nấu cao, Bộ NN&PTNT mới có "công văn tịch thu" này? Và "tịch thu" rồi "cất" những con hổ ấy vào đâu? Thả hổ về rừng ư? Nghe có vẻ thênh thang từ câu ngạn ngữ này, nhưng nó đúng là "chuyện đời xưa".

Vì thả hổ về rừng bây giờ khác nào đưa hổ vào... lò nấu cao? Thực ra, ông Ngô Duy Tân nuôi đàn hổ này dưới sự bảo trợ của pháp luật hẳn hoi chứ không nuôi lậu. Bằng chứng, nếu tôi không nhầm, chính VTV1 trong một chương trình thời sự đã có một phóng sự ngắn về trại nuôi hổ này của ông Tân với rất nhiều lời ca ngợi. Ca ngợi là đúng! Vì ông Tân nuôi hổ cho sinh sản, góp phần quan trọng cứu một loài động vật có tên trong sổ đỏ thoát nguy cơ bị diệt chủng, chứ không phải nuôi chờ lúc chúng lớn để cho vào... nồi.

Tôi thấy bên Thái Lan, những loài động vật quý hiếm như voi, hổ, gấu... đều được nuôi và cho sinh sản rất bài bản bởi những công ty tư nhân. Và người ta đã biến ngay những "trại hổ" này thành những điểm du lịch độc đáo, thu hút biết bao khách thập phương. Đó chính là cách tốt nhất, khả thi và hữu hiệu nhất để bảo tồn và phát triển những loài động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng bởi con người và bởi cả sự thay đổi của tự nhiên. Trong trường hợp ấy, pháp luật luôn bảo vệ những người có công bảo vệ... hổ.

Vì hổ bây giờ chả còn là "chúa sơn lâm" nữa. Chúng yếu đuối lắm, và dễ bị tàn sát lắm! Tôi không hiểu, khi định tịch thu 37 con hổ nuôi ấy, người ta dự định sẽ làm gì với chúng ? Và đưa chúng về đâu ? Làm sao để bảo vệ cuộc sống cho chúng? Và quan trọng nhất, ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chúng chết? Đưa chúng về Thảo Cầm Viên, nơi chưa từng nuôi một số lượng hổ lớn như thế, thì nội việc chờ cấp trên duyệt kinh phí mua thức ăn cho chúng (nghe nói mỗi ngày tốn khoảng trăm triệu đồng), những con hổ ấy đã lăn ra... chết đói mất rồi! Hay làm như vậy để chúng chết cho nhanh, sau đó đưa chúng một cách hợp pháp và "đúng luật" vào... lò nấu cao ?

Thanh Thảo (nhà thơ)

Bó tay!

Tôi thấy đề nghị của Bộ NN&PTNT không phải là để bảo tồn hay duy trì giống quý hiếm này. Rất may là mấy con hổ vào tay những "đại gia" tốt bụng nên nó mới còn sống đến ngày hôm nay chứ vào tay ai đó thì chắc giờ thành cao hổ cốt rồi,  thế mà giờ còn bắt bẻ thế này thế nọ. Bộ NN&PTNT nuôi bọn hổ này thử xem nó có đẻ thêm được như vậy không ? Bó tay!

co1972...@yahoo.com

 Ra quyết định thì dễ, nuôi hổ mới khó

Tôi cũng đồng ý với một số ý kiến của bạn đọc trong thời gian qua về việc Bộ NN&PTNN trình Chính phủ tịch thu hổ nuôi ở Bình Dương. Sao mà đơn giản thế ! Luật pháp cấm thì tại sao người ta nuôi 5 con hổ và sinh sản được những hai chục con nữa mới "sờ" đến ? Tôi nghĩ người dân nuôi được một con hổ thành công và phát triển nữa thì nên thưởng chứ ! Việc ra quyết định thu hồi thì rất dễ và nhanh chóng, nhưng để bảo tồn và phát triển một loài giống quý hiếm thì chẳng mấy ai làm được, kể cả Nhà nước. Nếu không khuyến khích người dân chăm sóc động vật quý hiếm thì không bao lâu nữa các động vật này chỉ còn trong... sách vở thôi.

Mậu Long (17/7/Tô Vĩnh Diện, Gia Lai ĐT: 059830033)

 

Thả hổ vào rừng chỉ làm mồi cho đám thợ săn

Tôi là Thanh Hùng, công tác tại Đài truyền hình Việt Nam. Vừa qua, Bộ NN&PTNT có trình Thủ tướng công văn đề nghị thu hồi đàn hổ ở Bình Duơng. Tôi thấy việc làm này là không nên:

Thứ nhất, trình độ nuôi hổ và để cho sinh sôi nảy nở ở các vườn thú của nước ta còn rất kém. Nhiều năm qua, rất ít khi các vườn thú của ta cho hổ sinh sản được.

Thứ hai, việc nuôi và để cho hổ sinh sản rất tốn kém, thức ăn cho một con mỗi ngày từ 4 đến 10 kg thịt.

Thứ ba, quá trình nuôi và thuần dưỡng đã lâu, đàn hổ đã quen với cuộc sống lồng chuồng, thức ăn có sẵn, mất hẳn cuộc sống hoang dã bẩm sinh. Việc Bộ NN&PTNT thu hồi và thả vào rừng đàn hổ chỉ làm mồi cho đám thợ săn và những người hám lợi.

Thứ tư, việc chăn nuôi đòi hỏi phải có kinh nghiệm, có kinh tế và đặc biệt phải có tấm lòng nhân ái.

Ông Ngô Duy Tân, một cán bộ quân đội quê ở Thái Bình, vì yêu quý chiến trường xưa đã ở lại lập nghiệp và thành danh trên mảnh đất Bình Dương này. Ngoài việc có một đội ngũ chuyên viên rất am hiểu về hổ, gấu, thú rừng... ông còn có các chuyên viên về cá sấu (ông còn có gần 1 nghìn con cá sấu, hằng năm lại sinh sôi, nảy nở ra rất nhiều). Tới thăm dinh cơ của ông, chúng tôi tưởng như đang  lạc vào vườn thú.

Thiết nghĩ cần bàn sâu về phương thức quản lý để nhân giống, tạo mô hình phát triển chăn nuôi nguồn thú quý hiếm này, còn hơn là cứ tính toán tới việc "cứ vỗ béo rồi thịt".

Thanh Hùng

Hãy cùng dân nuôi hổ!

Tôi thật sự xúc động khi biết nước ta có đàn hổ Đông Dương to như thế và do dân nuôi. Luật là do chúng ta làm ra để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của các loài. Vậy sự "vi phạm" của dân phải được xem xét từ cả khía cạnh họ đã làm được một việc rất khó và rất có ích cho đất nước. Thẳng thắn mà nói - là các cơ quan nhà nước thì không thể làm nổi!

Tôi xin góp ý:

1. Nhà nước cùng dân nuôi thì đàn hổ này còn và có thể phát triển. Không nuôi tập trung hổ vì chúng ta không có một địa điểm nào có đủ không gian, điều kiện chăm sóc và đặc biệt là kinh nghiệm của các cán bộ kỹ thuật trong việc bảo tồn và phát triển chúng, như chính những người dân đã trải qua và thành công.

2. Phải tìm cách thả bớt hổ về rừng. Về những rừng, vườn quốc gia lớn. Muốn vậy phải từng bước lựa chọn những cá thể phù hợp nhất, nuôi bán hoang dã, làm cho chúng thích nghi dần với điều kiện sống trong tự nhiên. Đây mới là việc cần đến các tổ chức nhà nước, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia.

3. Bảo vệ đàn hổ thả. Hổ đã được thả sẽ là đối tượng của bọn săn trộm. Trách nhiệm thuộc về... toàn dân. Nhưng trước hết thuộc về chính quyền và dân các vườn rừng quốc gia có hổ. Nếu gắn chíp, hổ vùng nào chết, mất có thể xem xét trách nhiệm được.

4. Chúng ta đã gần như hết rừng để cho những loài cần nhiều không gian sống như hổ. Vậy phải trồng lại và bảo vệ rừng. Tôi đi nhiều nên biết đồi núi của ta đã trở nên trọc quá nhiều.

5. Chúng ta đang tiêu dùng phi pháp quá nhiều các sản phẩm tự nhiên của rừng: thịt, da, lông, xương... động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản quý, cây thuốc.

Thách thức ở đây chính là nhu cầu của nhiều quan chức và người có thu nhập cao nơi đô thị. Phá rừng không chỉ là lâm tặc ở rừng, mà phá rừng còn từ những ngôi nhà lắm gỗ quý, từ những bữa nhậu đặc sản rừng, từ chai rượu thuốc, từ lạng cao, con thú nhồi, bộ bàn ghế bằng gỗ quý... "biếu sếp"!

Vì thế nhân đây tôi cũng xin đề nghị các quan chức gương mẫu giảm thiểu kỳ vọng vào cao hổ cốt, không sưu tập hổ nhồi, da hổ, vuốt cọp...

Tôi hy vọng và tin tưởng rừng xanh trở lại và có nhiều nơi vang tiếng hổ gầm như xưa!

Nguyễn Hữu Nam (13 ngõ Hàng Bột, Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.