Phản ứng của WHO trước đại dịch Covid-19: Từ bị chỉ trích đến giải Nobel?

15/03/2021 15:00 GMT+7

Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch, tổ chức này đối mặt hàng loạt lời chỉ trích, bị tố là "con rối của Trung Quốc " nhưng cũng được ca ngợi và đề cử giải Nobel Hòa bình 2021.

Phản ứng quá chậm

Ngay từ đầu, WHO bị chỉ trích xử lý cuộc khủng hoảng quá chậm chạp. Cơ quan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) bị cáo buộc mất quá nhiều thời gian để nhận ra rằng virus dễ dàng lây nhiễm giữa người với người, theo AFP. Hầu hết lời chỉ trích tập trung vào việc WHO ban đầu miễn cưỡng tuyên bố Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC).
Vào ngày 31.12.2019, WHO đã nắm thông tin về một đợt bùng phát “bệnh viêm phổi lạ” ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Tuy nhiên, phải đến ngày 30.1.2020, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới tuyên bố tình hình là PHEIC, mức báo động cao nhất theo quy tắc y tế quốc tế.
Một tuần trước đó, các chuyên gia hàng đầu của WHO đã nhóm họp nhưng không thể thống nhất liệu rằng có nên tuyên bố PHEIC hay không vào thời điểm mà bên ngoài Trung Quốc có dưới 100 ca mắc Covid-19 và không có người chết.

Dịch tả lợn châu Phi là xúc tác gây đại dịch Covid-19?

Nhiều quốc gia được cho là không có biện pháp phòng dịch gì cho đến khi ông Tedros cuối cùng phải dùng từ "đại dịch" vào ngày 11.3.2020. Dù không có trong hệ thống cảnh báo y tế quốc tế chính thức nhưng từ “đại dịch Covid-19” mới thực sự thể hiện tính cấp bách của tình hình, dẫn đến hàng loạt quốc gia ban hành lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới và hạn chế việc đi lại.

'Con rối của Trung Quốc'

WHO hứng nhiều chỉ trích vì ca ngợi thái quá đối với việc cách ứng phó dịch bệnh của Bắc Kinh. Nhiều ý kiến lên án WHO để hơn 1 năm trôi qua mới cử một nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của Covid-19. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lên án WHO là "con rối của Trung Quốc", đồng thời cáo buộc Bắc Kinh che đậy thông tin khi dịch mới bùng phát và để cho Covid-19 lan rộng khắp thế giới.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, nhưng ông Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi tổ chức này. Tuy Tổng thống Joe Biden rút lại quyết định của người tiền nhiệm Trump nhưng chính phủ ông Biden cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và không tin tưởng báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 được công bố sau khi nhóm chuyên gia quốc tế kết thúc chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 1.2021.

Khuyến nghị không nhất quán về đeo khẩu trang

Nhiều người chỉ trích WHO đưa ra những khuyến nghị không đầy đủ và không nhất quán, nhất là về việc đeo khẩu trang phòng Covid-19.
Vào giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khi khẩu trang y tế bị thiếu hụt nghiêm trọng, WHO khuyến nghị để lại nguồn cung sẵn có cho nhân viên y tế và những người chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, WHO lại liên tục khuyến nghị công chúng “thường xuyên đeo khẩu trang có hại hơn là lợi” vì khẩu trang chỉ mang lại cảm giác an toàn giả tạo và mọi người cũng sẽ dễ dàng chạm vào mặt nhiều hơn.
Vào ngày 6.4.2020, WHO nhắc lại việc đeo khẩu trang là không hiệu quả nếu không thể cùng lúc thực hiện các biện pháp phòng dịch khác như giãn cách xã hội. Mãi đến ngày 5.6.2020, WHO mới khuyến cáo đeo khẩu trang tại các khu vực có mật độ dân số cao ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Bên cạnh đó, WHO còn bị lên án vì không kêu gọi đóng cửa biên giới hoặc ngừng các chuyến bay quốc tế để ngăn chặn virus lây lan.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus

Reuters

Lời khen ngợi

Dù đối mặt nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm chạp nhưng WHO cũng được ca ngợi vì nỗ lực truyền thông. Ngay từ đầu, WHO tổ chức hàng loạt buổi họp báo và cuộc họp quốc tế với sự tham dự của nhiều chuyên gia và lãnh đạo các nước, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật liên tục trên mạng xã hội.
Ông Tedros cùng với các thành viên hàng đầu của WHO không ngừng họp báo trực tiếp lẫn trực tuyến với giới truyền thông gần như hàng ngày trong hơn 1 năm qua, đưa ra các khuyến nghị và bác bỏ những lời chỉ trích.

Bị Mỹ phản ứng, WHO có hủy báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc?

Được đề cử Giải Nobel Hòa bình?

Các nước nghèo khen ngợi hết lời WHO vì đã hỗ trợ họ ứng phó đại dịch, cung cấp đồ bảo hộ, dụng cụ xét nghiệm khi cần thiết. Bên cạnh đó, chương trình chia sẻ vắc xin Covid-19 toàn cầu (COVAX) do WHO dẫn đầu thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Chương trình COVAX đang hướng tới mục tiêu phân phối 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021 và mong muốn tiêm chủng cho toàn bộ nhân viên y tế trên toàn cầu và 20% dân số ở 92 quốc gia nghèo nhất.
Thậm chí, WHO và tổ chức đồng hành trong COVAX là Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì Đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2021 này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.