(Tin Nóng) Đêm 15.11, hai pháo hạm bay AC-130 của Mỹ với sự hộ tống của 4 chiếc A-10 Warthog chuyên diệt tăng đã tấn công một bãi đậu xe bồn chở dầu của quân IS gần làng Abu Kamal, Syria, giáp biên giới Iraq. Hai pháo hạm bay có từ thời chiến tranh Việt Nam này đã bắn cháy tổng cộng 116 chiếc xe bồn của IS.
Pháo hạm bay AC-130 của Mỹ - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Theo Warisboring ngày 18.11, lâu nay IS kiếm tiền nhờ chiếm các mỏ dầu rồi buôn lậu dầu với giá rẻ. Đánh vào các xe bồn chở dầu chính là đánh vào túi tiền của IS, theo thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, ông Peter Cook nói với báo chí ngày 17.11.
Vụ tấn công xe bồn này nằm trong chiến dịch Sóng thuỷ triều II của Mỹ.
Loại máy bay phóng pháo AC-130 này lần đầu tiên được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1968, khi Không lực Mỹ cho lắp pháo, súng máy đa nòng lên các máy bay vận tải C-130 Hercules để đánh phá các đoàn xe chở hàng tiếp tế của miền Bắc chi viện miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Trước đó Mỹ chủ yếu dùng máy bay F-105 và F-4 ném bom phá đường ngăn các đoàn xe tải của bộ đội Việt Nam, nhưng kết quả không như ý vì công binh ta nhanh chóng vá lại đường, sửa chữa nhanh.
Ban đầu Mỹ dùng loại AC-47, lắp 3 khẩu súng máy bắn cực nhanh loại Minigun (bắn ra 6.000 phát/phút) lên mỗi chiếc C-47 có từ thời Thế chiến II. Tuy nhiên loại máy bay này sau đó bị phòng không của ta với các loại súng 23 mm, 37 mm và 57 mm bắn hạ nhiều, thiệt hại nặng nhất là 4 chiếc bị bắn rơi đầu năm 1966.
Không lực Mỹ thay thế AC-47 bằng loại máy bay vận tải C-130, gắn 4 khẩu Minigun và 2 pháo bắn nhanh Vulcan 20 mm lên máy bay vận tải này, đổi tên là AC-130.
Loại này được gọi là hung thần săn xe tải, khi Không đoàn đặc nhiệm số 16 của Mỹ với 3 chiếc AC-130 trong vòng 3 tháng đầu năm 1969 đã phá huỷ đến 1.800 xe tải của bộ đội Việt Nam, cùng 350 tàu tiếp tế nhỏ, theo Không lực Mỹ.
Sau đó Mỹ thay thế 2 khẩu Vulcan bằng 2 pháo Bofors 40 mm và loại bỏ các khẩu Minigun. Nhờ vậy AC-130 bay cao hơn để tránh phòng không mà vẫn có thể bắn trúng mục tiêu. Các máy bay này còn trang bị radar, kính nhìn đêm để tác chiến ngày lẫn đêm.
Để đối phó, bộ đội Việt Nam tăng cường sức mạnh phòng không, kể cả dùng tên lửa SA-2 của Liên Xô. Do vậy các chiếc hung thần AC-130 phải có máy bay chiến đấu F-4 hộ tống mỗi khi bay đi đánh phá các đoàn xe tải.
Một chiếc AC-130 tại một sân bay ở miền Nam Việt Nam trong thời gian chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Không lực Mỹ
|
Các chiếc AC-130 được trang bị pháo 105 mm và 40 mm
|
Lần cải tiến sau cùng, Không lực Mỹ cho gắn pháo 105 mm lên AC-130, cùng với pháo 40 mm biến máy bay thành pháo hạm trên không, loại AC-130 Spectre. Loại pháo hạm này bay cao hơn và không chỉ diệt xe tải mà còn dùng chống xe tăng. Nhưng các máy bay này khó tấn công vào lúc chiều tối khi máy bay F-4 hỗ trợ khó hoạt động thời điểm này, và đó là lúc các đoàn xe tải của bộ đội Việt Nam hoạt động nhiều hơn.
Sau chiến tranh Việt Nam, Không lực Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng pháo hạm bay AC-130 và cải tiến sang đời AC-130H. Năm 1995 Mỹ có loại AC-130U. Gần đây loại pháo hạm này được cải tiến sang đời MC-130W chuyên dùng bom thông minh có định vị vệ tinh GPS, và tên lửa Hellfire dẫn đường bằng laser hơn là dùng pháo. Loại máy bay này trang bị các camera hồng ngoại, radar mạnh hơn, hệ thống thông tin và phòng thủ hiện đại hơn.
Tháng 7.2015, hãng Lockheed giới thiệu loại AC-130J Ghostrider bay thử nghiệm, cũng dùng bom loại nhỏ có GPS dẫn đường cùng tên lửa Griffin dẫn đường bằng laser. Không lực Mỹ thì muốn gắn súng laser lên các máy bay này hơn.
Một chiếc AC-130 của Mỹ
|
Trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, các chiếc AC-130 được sử dụng tấn công xe bọc thép và bộ binh Iraq. Từ năm 2001, AC-130 tham chiến ở Afghanistan, Iraq, Libya và Somalia. Mới đây hồi tháng 10.2015, một chiếc AC-130U bị quy trách nhiệm đã tấn công bệnh viện của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới ở Kunduz, Afghanistan làm hàng chục người chết, có cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Phía Mỹ nói do bắn nhầm.
Và nay AC-130 lại có thêm mục tiêu khác để tác xạ: xe tiếp tế và xe bồn chở nhiên liệu của quân IS tại Syria và Iraq.
|
Anh Sơn
>> Tàu ngầm Kilo Nga phóng tên lửa Klub tiêu diệt IS ở Syria?
>> Oanh tạc cơ chiến lược Nga lần đầu ồ ạt ném bom IS ở Syria
>> Cỗ máy phá rừng của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam
>> Mỹ từng dùng trực thăng vận tải làm pháo đài bay tại VN
>> Pháo đài bay B-52 còn bay đến năm 2040
Bình luận (0)