Phát biểu khai giảng đầy xúc động của hiệu trưởng trường đại học đẹp nhất Hà Nội

Quý Hiên
Quý Hiên
27/09/2019 21:18 GMT+7

“Cảm ơn các em đã đến bên chúng tôi”, “các em sẽ không đơn độc”…, là những lời phát biểu của hiệu trưởng một trường đại học được xem là có khuôn viên đẹp nhất Hà Nội nói với tân sinh viên trong ngày khai giảng .

Hôm nay 27.9, tại Xuân Mai, Hà Nội, Trường đại học Lâm nghiệp đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 và chào đón tân sinh viên khóa 64.
Đây là trường đại học được giới sinh viên bầu chọn (trên nhiều diễn đàn) là trường có khuôn viên đẹp nhất Hà Nội. Trường tọa lạc trên diện tích 171 ha, có khu rừng thực nghiệm mà trong đó là trên 200 loài cây bản địa và đã được phê duyệt là dự án Vườn thực vật quốc gia.
Tuy nhiên, đây là một trong số các trường công lập gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh mà lý do chủ yếu là do các ngành tuyển sinh của trường bị ''chê'' là “nông dân”, nên không hấp dẫn giới trẻ.
Truong-dai-hoc-dep-nhat-ha-noi

Con đường trong rừng của khuôn viên Trường đai học Lâm nghiệp

Ảnh Hùng Lê

GS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, cho rằng, với một đất nước mà tài nguyên rừng chiếm phần lớn diện tích, nhưng cảnh quan thiên nhiên đang bị tàn phá nặng nề, nên trách nhiệm đào tạo những kỹ sư, cán bộ nghiên cứu…, để khôi phục, bảo vệ tài nguyên đó với xã hội là rất lớn. Nhà trường có đủ năng lực để đào tạo từ những học sinh bình thường nhưng yêu rừng, yêu nghề lâm nghiệp, trở thành những thế hệ bảo vệ thiên nhiên cho đất nước có học vấn, có kỹ năng, có trách nhiệm.
Tâm sự với hàng ngàn tân sinh viên của trường, GS Trần Văn Chứ nói: “Cảm ơn các em đã tin tưởng và lựa chọn Trường đại học Lâm nghiệp, nơi khắc dấu thời gian cho tương lai mới, nơi các em sẽ trải nghiệm những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân; nơi các em rèn đức, luyện tài; và khởi đầu cho sự nghiệp của mình. Cảm ơn các em đã đến bên chúng tôi và trở thành thế hệ tiếp nối của chúng tôi. Chính các em tiếp thêm cho chúng tôi niềm lạc quan về một tương lai rạng ngời của ngôi nhà chung!”.
GS Trần Văn Chứ hứa hẹn: “Các em sẽ không đơn độc! Nhà trường đồng hành và cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em trưởng thành. Có nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng nhận các em khi ra trường. Nhưng muốn làm việc tốt, muốn trưởng thành thì chính các em phải liên tục điều chỉnh bản thân và tăng cường các kỹ năng của mình để đi cùng với thời đại, để thành công. Và để thành công trong tương lai thì phải bứt phá ngay từ khi còn trẻ, đặc biệt từ khi còn là sinh viên. Mà, có biết học mới tạo bứt phá!”.
Truong-dai-hoc-dep-nhat-ha-noi

Toàn cảnh Trường đại học Lâm nghiệp nhìn từ trên cao

Ảnh Hùng Lê

Theo GS Trần Văn Chứ, Trường đại học Lâm nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu có uy tín trong nước và trong khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trường kiên định việc thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo, môi trường làm việc và học tập năng động, nghiêm túc, trong sạch, không có tiêu cực, thái độ phục vụ thân thiện.
Còn với cán bộ giảng viên của trường, GS Chứ cũng nhắn nhủ: “Chúng ta ý thức về trọng trách và vinh dự của nghề giáo, để mỗi cán bộ, giảng viên nhận thức rằng, chính chúng ta là những người sáng tạo, những người vị tha và gieo mầm cho sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình”.
Trường đại học Lâm nghiệp là một trong những trường có tỉ lệ giảng viên có học hàm phó giáo sư, giáo sư và học vị tiến sĩ thuộc diện cao của cả nước. Trường hiện có 8 GS, 40 PGS, 150 tiến sĩ và hiện có 100 giảng viên đang được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Trên 30 cán bộ của trường đang được mời giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trong lĩnh vực lâm học của thế giới.
Trường đào tạo đa ngành với 32 ngành đại học, 10 ngành cao học và 6 ngành tiến sĩ; và đang hợp tác với 100 các trường đại học, các tổ chức quốc tế trên thế giới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội, trên 96% số sinh viên ra trường có việc làm và 88,7% có việc làm đúng chuyên môn.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.