Ngày 20.7, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Báo điện tử VTC News, Ban Quản lý dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP - Việt Nam) và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) tổ chức phát động giải báo chí về “Giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương” năm 2022 với chủ đề “Hành động vì đại dương không rác thải nhựa”.
Ông Lưu Đức Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phát biểu tại cuộc phát động giải báo chí |
CTV |
Song song với đó, cuộc thi ảnh với chủ đề “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” cũng được phát động.
Theo thông tin từ ban tổ chức, hàng năm khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, tương đương mỗi phút lại có 1 xe tải chở đầy rác đổ ra biển. Trên toàn cầu, lượng rác thải nhựa phát sinh hàng năm tương đương với hơn 520.000 tỉ ống hút nhựa, đủ để quấn quanh trái đất khoảng 2,8 triệu lần. Nếu không có các hành động khẩn cấp, hiệu quả, dự đoán tới 2050, sẽ có nhiều nhựa hơn là cá trong các đại dương.
Lượng lớn rác thải nhựa ở đại dương xuất phát từ đất liền |
thục minh |
Việt Nam là một trong những nước thải lượng lớn rác thải nhựa ra đại dương. Các nguồn rác thải nhựa đến từ đất liền được xem là nguồn thải chính và quy mô rộng hơn nguồn thải ngoài đại dương.
Cụ thể, có 80% rác thải nhựa xuất phát từ đất liền, từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người; chỉ có 20% xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thuỷ sản, tàu bè trên biển.
Cùng với đó, sự phát triển ngành du lịch, gia tăng dân số làm lượng rác thải hàng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới các khu vực ven biển và hải đảo, suy giảm các hệ sinh thái cỏ biển, san hô.
Đáng lo ngại là sản phẩm làm từ nhựa đang dần trở thành thiết yếu trong cuộc sống thường ngày của người dân: ống hút, bao bì, túi, cốc, quần áo… Dù vậy, tỷ lệ tái chế thấp dẫn đến tăng lượng rác thải nhựa rò rỉ ra đại dương.
Nếu không sớm có sự can thiệp, ngăn chặn việc thải nhựa ra môi trường biển, chắc chắn hậu quả sẽ rất nặng nề. Việc phát động giải báo chí cũng nhằm phát huy vai trò của báo chí với vị trí là phương tiện truyền thông chủ lực tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Nếu không sớm có hành động quyết liệt, hiệu quả chắc chắn hậu quả từ rác thải nhựa sẽ nặng nề |
thục minh |
Ban tổ chức giải cho biết, thời gian nhận tác phẩm từ 20.7 đến 30.9. Đối tượng dự thi là tất cả công dân Việt Nam gồm nhà báo chuyên và không chuyên có tác phẩm báo chí viết về đề tài rác thải nhựa đăng tải trên các trang báo điện tử, tạp chí điện tử do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép.
Những tác phẩm báo chí bằng tiếng Việt được đăng tải trong khoảng thời gian từ 1.12.2021 đến hết ngày 30.9.2022. Có 3 phương thức nhận tác phẩm tham dự giải là gửi mail: giaibaochigonn@gmail.com; gửi qua website: www.giaibaochi.giamracnhua.vn; gửi đến Báo điện tử VTC New tại tầng 12A, toà nhà VTC Online, 18 Tam Trinh, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải trị giá 15 triệu đồng; 3 giải ba, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 5 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng và 2 giải phụ, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào 25.10 tới.
Bình luận (0)