Phát hiện đầu sói nguyên vẹn từ 40.000 năm trước

Khánh An
Khánh An
12/06/2019 15:47 GMT+7

Lần đầu tiên giới khoa học tìm thấy đầu sói trưởng thành từ thời kỳ Pleistocene được lưu giữ trong lớp băng vĩnh cữu.

Đài CNN ngày 12.6 đưa tin người dân ở vùng Siberia (Nga) vừa phát hiện một đầu sói hầu như còn nguyên vẹn cả răng và lông được bảo quản qua khoảng 40.000 năm.
Người dân đi tìm ngà voi ma mút tình cờ phát hiện chiếc đầu sói ở bờ sông Tirekhtyakh thuộc vùng Yakutia, trước khi đưa nó đến Viện Khoa học Cộng hòa Sakha (thuộc Nga).
Chuyên gia Albert Protopopov tại viện cho biết đây là chiếc đầu của con sói trưởng thành thuộc thời kỳ Pleistocene (kéo dài từ 2.588.000 đến 11.700 năm trước) lần đầu tiên từng được tìm thấy, dù trước đó có một số xác sói con bị đông lạnh từng được phát hiện.

“Đây là lần đầu tiên đầu sói trưởng thành với mô mềm được bảo quản qua 40.000 năm được tìm thấy”, ông nói.
Các nhà khoa học đang dựng lại mô hình kỹ thuật số bộ não và bên trong sọ để nghiên cứu thêm. Trong khi đó, một nhóm các nhà khoa học tại Stockholm (Thụy Điển) đang phân tích mẫu gien của con vật.
Bên cạnh đó, giới khoa học cũng đang phân tích mẫu vật của sư tử con từ thời xa xưa được lưu giữ trong lớp băng vĩnh cữu ở vùng Yakutia.
“Do Trái đất đang ấm lên, khu vực này hứa hẹn sẽ còn hé lộ nhiều bí mật khác. Số lượng các mẫu vật được phát hiện ngày càng nhiều nhờ băng tan”, theo ông Protopopov.
Tuy nhiên, hiện tượng băng tan cũng đem lại nhiều mối nguy hiểm. Vào năm 2016, các nhà khoa học Nga cho rằng đợt bùng phát bệnh than ở vùng tây Siberia là do băng tan để lộ xác của một con tuần lộc bị nhiễm và chết 75 năm trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.