Phát hoảng vì nhân viên cũ lấy cắp thông tin của sếp đi vay rồi bỏ trốn

26/02/2021 16:02 GMT+7

Mới đầu năm, giám đốc công ty S. tại TP.HCM phát hoảng khi suốt ngày bị các cuộc gọi điện khủng bố, đe dọa đòi nợ vì nhân viên cũ lấy cắp thông tin của mình mạo danh người bảo lãnh để vay rồi bỏ trốn.

Vay tiền qua hàng chục ứng dụng rồi bỏ trốn

Thông tin về nhân viên cũ đánh cắp thông tin cá nhân của mình để được bảo lãnh vay rồi bỏ trốn, chị N, giám đốc công ty S, cho biết tháng 12.2020 công ty S đã ra quyết định cho thôi việc đối với Ng. Ng. T. V (33 tuổi, thường trú tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM) Trong quá trình công tác tại công ty S, nhiệm vụ chính của V. là thư ký dự án nên có cơ hội tiếp cận và lấy cắp thông tin cá nhân của giám đốc công ty S. cũng như đồng nghiệp khác.

Theo chị N., một tháng sau khi thôi việc, Ng. Ng. T. V. đã tự ý sử dụng những thông tin cá nhân này (bao gồm số điện thoại cá nhân, địa chỉ công ty của giám đốc, người thân của giám đốc và đồng nghiệp) làm thông tin tham chiếu (một dạng bảo lãnh tín chấp) để vay tiền trên hàng chục ứng dụng với số tiền từ 1 – 5 triệu đồng rồi bỏ trốn. Sự việc này dẫn đến nhiều người xưng là nhân viên các ứng dụng vay tiền qua tải app trên điện thoại di động liên tục khủng bố, đe doạ, quấy rối giám đốc công ty S, người thân giám đốc và đồng nghiệp.

“Đầu năm đã phải phát hoảng khi tự dưng hàng chục người tự xưng từ các ứng dụng vay tiền qua mạng gọi điện đến chửi rủa, rồi còn dọa sẽ tạt sơn và chất bẩn vào công ty…Hết người này đến người khác cứ gọi chửi bới, đe dọa và làm phiền suốt ngày. Những người từ các ứng dụng cho vay khi gọi điện cũng xác nhận với tôi rằng nhân viên cũ này đã điền thông tin của tôi vào để vay”, giám đốc công ty S chia sẻ.

Vị giám đốc này nói thêm: “Tôi cũng có thắc mắc với những bên cho vay đó là tại sao không gọi điện xác thực thông tin người bảo lãnh trước khi cho vay (vì tôi không hề nhận được một cuộc gọi nào trước đó mãi cho đến khi tự dung bị gọi điện đòi nợ và khủng bố tinh thần như vậy), thì các bên cho vay này nói với tôi rằng bạn này điền 10 số điện thoại tham chiếu nên họ chỉ kiểm tra 3 số đầu, cho đến khi bạn này bỏ trốn thì họ mới gọi tất cả các số điện thoại còn lại”.

Có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân

Trước sự việc này, luật sư Đỗ Hoàng Minh, Công ty Luật Hợp danh Việt Nam, phân tích hành vi của bà V. là hành vi lấy cắp, sử dụng thông tin nhân thân trái phép và lừa đảo tổ chức, cá nhân cho vay.

Luật sư Minh phân tích và viện dẫn các điều luật: “Đối với hành vi lấy cắp, sử dụng thông tin nhân thân trái phép sẽ xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 2, Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020, với mức phạt từ 20 – 30 triệu đồng. Tội lừa đảo tổ chức, cá nhân cho vay (đã lừa dối bằng cách cung cấp giả các bảo lãnh để chiếm đoạt tài sản) có thể bị  xử lý hình sự tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung  năm 2017 (Có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt)”.

Đối với những người bị lấy cắp, bị sử dụng thông tin, theo luật sư Minh là bị hại trong trường hợp này nhưng hậu quả chỉ bị làm phiền, bị gây rối chứ không chịu trách nhiệm về dân sự vì không liên quan, không biết việc bảo lãnh.

Luật sư Đỗ Hoàng Minh, Công ty Luật Hợp danh Việt Nam

NVCC

Trong trường hợp này, luật sư Minh khuyên những người bị lấy cắp, bị sử dụng thông tin nên thông báo cho tổ chức, cá nhân cho vay về sự không liên quan của mình. Yêu cầu tổ chức, cá nhân cho vay chấm dứt ngay hành vi chửi bới, nhục mạ. Đồng thời ghi âm lại nội dung tất cả các cuộc gọi để tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu họ vẫn tiếp tục hành vi trên.

Tuy nhiên, nếu có đủ chứng cứ, tài liệu để chứng minh hành vi chửi bới, nhục mạ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần thì luật sư Minh cho rằng người bị hại có thể khởi kiện dân sự hoặc tố cáo hành vi của tổ chức, cá nhân để xử lý hành chính hoặc hình sự.

“Về Dân sự: áp dụng Điều 590 (thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm), Điều 592 (thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm) Bộ luật Dân sự 2015 để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Về hành chính: Hành vi khủng bố, đe doạ nếu chỉ qua điện thoại thì có thể bị xử phạt Hành chính theo Điểm a Khoản 1 Điều 5. Nếu đến tận nhà, có đem theo vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ thì xử phạt theo Khoản 4 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Về Hình sự: Nếu tố chức, cá nhân cho vay có hành vi chửi bới, làm nhục người khác, trong đó có tình tiết định khung là dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần thì bị xử lý hình sự theo Điều 155 BLHS hiện hành”, luật sư Minh phân tích.

Đối với tổ chức, cá nhân cho vay theo luật sư Minh nếu là kinh doanh hợp pháp thì phải tố cáo đến cơ quan công an điều tra để điều tra, truy tố người có hành vi lấy cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Do tổ chức, cá nhân cho vay trên (đa số các App cho vay trên mạng) có hành vi chửi bới, dọa dẫm người bảo lãnh (kể cả người bảo lãnh thật thì cũng không được có hành vi trên), không hành xử đúng pháp luật nên khả năng đây là những tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi, vi phạm pháp luật, chỉ đòi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần. Vì vậy, người bị khủng bố nên trình báo với cơ quan công an điều tra có thẩm quyền để xử lý các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi. Một là để chấm dứt tình trạng cho vay nặng lãi, gây rối an ninh, trật tự xã hội; hai là chấm dứt hành động khủng bố tinh thần đối với người bị lấy cắp thông tin”, luật sư Minh cặn kẽ.

Cũng theo luật sư Minh nếu App đó là tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi thì sau khi điều tra, cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm theo Đ.201 BLHS. Nếu tổ chức, cá nhân cho vay có hành vi chửi bới, làm nhục người khác, trong đó có tình tiết định khung là dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần thì bị xử lý hình sự theo Điều 155 - BLHS.

Theo những gì luật sư Minh tư vấn, người bị hại trong những tình huống tương tự như bị người khác lấy cắp thông tin cá nhân của mình để làm bảo lãnh vay rồi bỏ trốn dẫn đến những thiệt hại cho bản thân thì có thể khởi kiện dân sự hoặc tố cáo hành vi của tổ chức, cá nhân để xử lý hành chính hoặc hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.