Phát triển hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ

18/06/2007 01:20 GMT+7

So với toàn thế giới, Mỹ chiếm 7,2% về diện tích, 4,6% về dân số, 28,5% về GDP, 9,5% về kim ngạch xuất khẩu, gần 20% về kim ngạch nhập khẩu. Mỹ đứng hàng đầu thế giới về khoa học - công nghệ, đứng thứ ba về diện tích (sau Liên bang Nga, Canada), đứng thứ ba dân số (sau CHND Trung Hoa, Ấn Độ), đứng thứ nhất về GDP, đứng thứ hai về xuất khẩu (sau Đức), đứng đầu về nhập khẩu, nhiều gấp 2,5 lần nước đứng thứ hai (Đức).

Nhập khẩu của Mỹ ở mức khổng lồ không chỉ do quy mô dân số đông (gần 300 triệu người), quy mô GDP lớn (hơn 1,25 nghìn tỉ USD), mức tiêu dùng và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP rất cao (trên 80%), mà trong những năm gần đây, Mỹ có chủ trương chuyển việc sản xuất ở trong nước ra nước ngoài, đặc biệt là các nước đang phát triển để tận dụng lực lượng lao động đông đến mức dôi thừa, giá nhân công rẻ ở những nước này và tránh được ô nhiễm nếu sản xuất ở trong nước.

Vốn, kỹ thuật - công nghệ cao, dung lượng thị trường lớn (nhập khẩu lên đến 1.600 tỉ USD), Mỹ là niềm mơ ước của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là những nước đang phát triển. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ từ năm 1995, ký Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ cuối năm 2000, từ cuối năm 2006 -đầu năm nay đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Mỹ đã trao Quy chế thương mại PNTR. Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Mỹ đã phát triển khá nhanh.

Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng mạnh (nếu năm 1995 mới đạt 169,7 triệu USD, năm 2000 mới đạt 732,8 triệu USD, thì năm 2006 đã đạt 8,6 tỉ USD). Năm 2006 đã gấp nhiều lần năm 1995 và năm 2000 (gấp hơn 50 lần năm 1995 bình quân 1 năm tăng 42,9%, gấp 11,7 lần năm 2000 bình quân 1 năm tăng 50,7%), đều cao hơn nhiều các chỉ số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu trong cùng thời gian của Việt Nam (2,75 lần và 18,4%/năm). Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vì thế đã tăng nhanh qua các năm (năm 1995 mới đạt 3,1%, năm 2000 mới đạt 5,1% thì đến năm 2006 đã đạt 21,6%) và Mỹ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Bước sang năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng cao hơn tốc độ chung (bốn tháng đầu năm đạt 2,8 tỉ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ, trong đó dệt may đạt 1,2 tỉ USD, tăng 32,9% và chiếm 45% tổng kim ngạch dệt may của Việt Nam; giày dép đạt 290 triệu USD, tương ứng chiếm 24,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 267 triệu USD, tương ứng chiếm 35,3%). Đáng lưu ý, trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, Việt Nam có vị thế xuất siêu. Mức xuất siêu đã tăng nhanh và hiện đạt quy mô khá lớn (năm 2000 mới đạt 0,4 tỉ USD, thì năm 2006 đạt 7,5 tỉ  USD). Tuy nhiên, xuất khẩu vào Mỹ đang gặp khó khăn, hiện đang bị chững lại do Mỹ thực hiện Chương trình giám sát hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam - một chương trình phi lý về ba mặt (Việt Nam không cạnh tranh với sản xuất dệt may trong nước của Mỹ vì Mỹ không sản xuất hàng dệt may hàng loạt; kim ngạch dệt may của Việt Nam vào Mỹ chỉ chiếm chưa đến 3% tổng kim ngạch dệt may nhập khẩu của Mỹ, Việt Nam đứng thứ 8 trong các nước xuất khẩu vào Mỹ nhưng chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước có nền kinh tế chuyển đổi lại bị giám sát, còn 6 nước đứng trên Việt Nam lại không bị, chứng tỏ Mỹ đối xử không công bằng).

Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam tuy đứng sau nhiều nước nhưng hiện đang đứng vị trí cao cả về hai nghĩa. Một mặt, lượng vốn tính đến hết tháng 3.2007 đã đạt 2.302 triệu USD, đứng thứ 8 trong hơn 70 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, đó là những dự án có kỹ thuật - công nghệ khá cao, phần nhiều đều thuộc công nghệ nguồn.

Lượng khách đến Việt Nam cũng đã tăng nhanh qua các năm, năm ngoái đạt trên gần 386 nghìn lượt người, đứng thứ ba trong các nước và vùng lãnh thổ. Thời gian lưu trú của Việt Nam dài, mức chi tiêu khá, nên tổng số tiền khách Mỹ chi tiêu ở Việt Nam lớn nhất, lên đến trên nửa tỉ USD, chiếm 16% tổng số tiền chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam.

Hôm nay, Chủ tịch nước ta bắt đầu lên đường thăm chính thức Mỹ sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề tồn đọng giữa hai nước, đồng thời tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.