Phía sau sàn catwalk: Người mẫu đóng phim

04/04/2010 10:26 GMT+7

(TNTT>) Có người thích, có người không thích những vai diễn do người mẫu thể hiện. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng việc người mẫu xuất hiện trên phim cũng thu hút sự chú ý của công chúng.

>> Thế giới ảo sau ánh đèn catwalk   /   Đào tạo người mẫu - những mảng màu sáng tối  /  Phía sau sàn catwalk: Người mẫu xa mà gần 

Còn nhớ năm 2004, khi bộ phim Những cô gái chân dài của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng công chiếu đã tạo ra hai cơn sốt. Trước khi phim ra mắt, người ta ngỡ ngàng vì hầu hết những diễn viên là dân nghiệp dư, mà đa phần là người mẫu. Sau đó, người ta lại “sốt” vì diễn viên nghiệp dư diễn hay quá, và nhất là các cảnh quay trên phim rất lãng mạn và đẹp. Không đẹp sao được khi những gương mặt trên phim đều là những người mẫu tên tuổi lúc đó: Anh Thư, Thanh Hằng, Xuân Lan, Ngọc Nga… Những bộ phim kế tiếp thì rất nhiều người mẫu được “gọi” vào phim, và cho đến năm 2009, đầu năm 2010, lực lượng người mẫu đã “phủ sóng” đều đặn trên hầu hết các phim, từ phim truyền hình đến phim nhựa.

Lợi thế

Khi được hỏi ưu thế của người mẫu khi tham gia phim là gì, Trương Tri Trúc Diễm, nàng công chúa da nâu trong phim Nhật ký Bạch Tuyết không ngại ngần trả lời ngay là “lợi thế ăn ảnh”. Là người mẫu, hẳn nhiên họ sở hữu một vóc dáng chuẩn, và vì thế họ mang lại cho phim những khung hình đẹp.

Nếu xem phim Khi yêu đừng quay đầu lại hẳn bạn cũng phải chấp nhận rằng chàng nam diễn viên chính đẹp trai - người mẫu Thanh Thức - đã mang lại một sức hút nhất định cho phim. Thanh Thức cho biết ngoài điểm mạnh về ngoại hình, người mẫu còn có lợi thế là diễn rất tự nhiên. Họ diễn không nặng tính “kịch” như những diễn viên chuyên nghiệp.

Tạo phong cách nhân vật

Một ưu điểm đáng chú ý khi những người mẫu tham gia phim là họ luôn xuất hiện với những bộ trang phục đẹp, hợp thời trang, và tất nhiên là phù hợp với phong cách của nhân vật. Đa phần ở các phim truyền hình, trang phục là do diễn viên tự lo, và đây chính là điểm mạnh của các người mẫu. Được làm việc trong môi trường thời trang chuyên nghiệp, nên khi lựa chọn trang phục diễn, “gu” thời trang tốt đã giúp họ chọn những bộ trang phục đẹp, thích hợp với cá tính cũng như hoàn cảnh xuất thân của nhân vật. Nếu nhân vật do họ thủ vai là người sành điệu, thì đúng là quá tuyệt.


Minh Anh

Đơn giản rằng, các diễn viên chuyên nghiệp chỉ có thể lựa chọn trang phục từ một vài nhà tài trợ ít ỏi cho bộ phim, thì các người mẫu với mối quan hệ lâu năm trong nghề họ có thể dễ dàng nhờ những hãng thời trang danh tiếng tài trợ cho họ những bộ trang phục lịch lãm nhất. Người mẫu, diễn viên Minh Anh cho biết: “Người mẫu thường phải thể hiện những phong cách thời trang khác nhau khi chụp ảnh, cũng như khi diễn trên sàn catwalk, vì thế những kinh nghiệm có được ở lĩnh vực thời trang sẽ giúp họ tạo hình nhân vật được tốt hơn. Hơn nữa làm lâu, quen biết nhiều hãng thời trang, nên việc mượn trang phục diễn cũng không quá khó”.


Vũ Thu Phương

Học kỹ năng trong lúc đóng phim

Siêu mẫu Vũ Thu Phương cho rằng: “Người mẫu, cơ bản đã là một diễn viên. Trên sàn diễn, người mẫu giống như diễn viên kịch câm. Họ không thể hiện ý tưởng của bộ sưu tập bằng ngôn từ mà bằng ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ, dáng đi… Họ đã quen thuộc với việc diễn xuất trước ống kính máy ảnh, và vì thế họ cũng sẽ diễn rất tự nhiên trước ống kính máy quay”.

Tuy nhiên, khi hỏi Thanh Thức khó khăn anh gặp phải khi tham gia phim là gì, anh trả lời thẳng thắn: “Là phải vừa làm vừa học”. Thanh Thức cho biết: “Việc chưa được học qua kỹ năng diễn xuất vừa là ưu điểm mà cũng là khuyết điểm của người mẫu. Bởi chưa biết nên họ sẽ diễn rất tự nhiên, không bị “diễn lố” như các diễn viên chuyên nghiệp, ngược lại cũng có những khi sự tự nhiên của họ thành ngô nghê và không phù hợp với nhân vật.


Trúc Diễm

Những lúc đó đạo diễn sẽ hướng dẫn mình, đưa ra cho mình nhiều cách thể hiện khác nhau và sau đó mình sẽ phải chọn một cách sao cho phù hợp và tự nhiên nhất. Thành thử khi đóng phim những người mẫu phải cố gắng nhiều hơn các diễn viên chuyên nghiệp vì khi quay, cũng là lúc họ được học những kiến thức, những kỹ năng diễn”, Thanh Thức chia sẻ.

Còn với Minh Anh thì: “Khi tham gia phim, vì chưa được học qua trường lớp nên Minh Anh hay gặp khó khăn về kỹ thuật diễn như: kỹ năng phát âm, kỹ thuật tung hứng tạo nên những nét nhấn nhá thú vị cho vai diễn. Nhưng đấy là điều đương nhiên, vì phải vấp váp thì sau đó mình sẽ rút được kinh nghiệm cho những vai diễn sau. Ngoài ra, những khi không có cảnh quay mình cũng chú ý xem và học hỏi những diễn viên đàn anh, đàn chị để tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân”.

Đạo diễn Lê Hoàng: Người mẫu diễn không hay cũng chẳng dở

Anh nghĩ như thế nào về phong trào người mẫu đóng phim?

Việc người mẫu đóng phim chẳng có gì phải bàn. Ở các nước khác người mẫu, ca sĩ, thậm chí cầu thủ đá banh cũng đóng phim mà có ai nói gì đâu, chỉ có mỗi ở Việt Nam, người mẫu đóng phim lại bị soi mói. Theo tôi phong trào đó chẳng có gì để đáng chê cười, vì người ta không làm gì xấu cũng chẳng làm gì sai cả. Nếu có cười thì chỉ cười một vài cá nhân nào đó đóng dở thôi.

Vậy theo anh, mặt bằng chung ở Việt Nam, người mẫu diễn hay hay dở?

Người mẫu diễn không hay thì cũng chẳng dở hơn ai vì ở Việt Nam có ai là diễn viên chuyên nghiệp đâu! Cứ thử nhìn những diễn viên nổi tiếng như Tăng Thanh Hà, Lương Mạnh Hải, có ai là tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh ra không? Và có mấy ai tốt nghiệp trường SKĐA mà trở thành diễn viên nổi tiếng không?

Ý kiến...

* Nhân đọc loạt bài Phía sau sàn catwalk- Xem TN TT&GT 31.3.2010

Giờ nghe chuyện người mẫu ở trọ, ai cũng ngạc nhiên, đến mức trở thành chi tiết đắt trong bài báo. Một sinh viên mới ra trường đi làm, đương nhiên phải ở trọ. Nhưng nếu người mẫu mà ở trọ thì hiếm hoi lắm lắm. Vì sao thế?

Vì sắc đẹp là tài sản quốc gia chứ có đùa đâu. Làm người mẫu cũng là một nghề để kiếm cơm như bao nghề khác thôi, nhưng có lẽ là một nghề quá đặc biệt nên bị soi mói. _TRẦN TRUNG YÊN (Đồng Nai)

Tôi là một người mẫu mới vào nghề. Đi diễn ở các event hoặc vài cuộc trình diễn thời trang nhỏ lẻ, cũng tủi thân lắm. Đàn ông ngồi bình phẩm, thưởng thức, đàn bà chê bai, dè bỉu. Đủ cả. Họ đâu có đến xem thời trang. Họ đến “bình loạn” cơ thể chúng tôi. Nếu đòi hỏi người mẫu có bằng cấp này kia, có văn hóa cao, thì cũng nên đòi hỏi công chúng như thế. _ M.H (Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM)

Người ta nói: “Hồng nhan bạc phận”. Những người mẫu – đa phần đẹp cũng chịu chung một số phận như thế. Có ít người mẫu yên ấm hạnh phúc với chồng con và gia đình. Theo dõi báo chí, tôi được biết có một số người mẫu nổi danh một thời như chị em sinh đôi Thúy Hạnh – Thúy Hằng, hay Tăng Huệ Văn là có cuộc sống vui vẻ và bình yên với chồng con. Còn đa số cũng lận đận chuyện tình duyên. _MAI THANH (Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Mong có cuộc sống thánh thiện, yên bình như bài báo về những người mẫu trong bài “Người mẫu, xa và gần”. Những tấm gương, câu chuyện cảm động như vậy cần được nhân rộng để các người mẫu có thể tự hào và yên tâm với nghề. Ở nhà trọ, nuôi em, nuôi bố mẹ bằng thu nhập chính đáng của mình là một điều đáng tự hào học hỏi. Tôi mong mọi người gọi đó là những người mẫu không đại gia! _OANH OANH (oanhnth…@yahoo.com)

Lê Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.