Phim chiến tranh: Đường mòn đi mãi ?

25/09/2013 11:00 GMT+7

Nếu kỳ vọng Những người viết huyền thoại (vừa ra mắt tối 23.9 và sẽ tham dự Liên hoan phim Việt Nam thứ 18) là cuộc đột phá mới cho dòng phim chiến tranh Việt thì e rằng đang khoác chiếc áo quá rộng cho các nhà làm phim.

 Phim chiến tranh: Đường mòn đi mãi ?
Hình ảnh trong phim Những người viết huyền thoại - Ảnh: đoàn phim cung cấp

Tất nhiên, người ta có những lý do để kỳ vọng: một đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 7X Bùi Tuấn Dũng, một nhà kịch bản cứng nghề Nguyễn Anh Dũng và một “tay máy vàng” Lý Thái Dũng - bộ ba có “máu mặt” trong nghề cùng góp sức trong phim.

Một cách khách quan, nếu xét trên bình diện điện ảnh Việt (trong đó có phim chiến tranh) hiện nay, Những người viết huyền thoại không đến nỗi tệ. Trước hết phải kể đến những thay đổi trong các cảnh quay, âm thanh, kỹ xảo làm phim chiến tranh. Xem phim, khán giả ít khi thấy gợn vì những hình ảnh bị cho là giả thường thấy trong nhiều bộ phim chiến tranh Việt Nam khác. Cảnh chiến trường ác liệt với những cuộc bắn phá, ném bom dữ dội, hay bức tranh thiên nhiên yên bình hiện lên giữa những đợt oanh tạc của quân thù được chăm chút khá kỹ lưỡng. Những cuộc chạm trán, đấu tay đôi giữa quân ta và địch khá sinh động. Dù không phải không có những hạn chế trong những hình ảnh sử dụng kỹ xảo, trong đó có một số cảnh quay trực thăng, máy bay của địch, nhưng có thể tạm chấp nhận. Một điểm cộng khác của phim là diễn xuất của diễn viên, một tướng Dinh quyết đoán, bản lĩnh (Hoàng Hải), một người lính giao liên gan dạ, sắc bén Nghĩa (Trương Minh Quốc Thái) và cô văn công cá tính nhưng cũng rất đỗi dịu dàng Hà (Tăng Bảo Quyên). Tất cả những yếu tố đó mới chỉ mang đến cho bộ phim chiếc áo khoác đẹp mắt, trong khi các nhà làm phim vẫn chưa thực sự thoát khỏi lối mòn tư duy trong cách làm phim chiến tranh như thường thấy. 

Chiến tranh phải khốc liệt, nhân vật phải anh hùng

 

“Làm phim chiến tranh càng ngày càng khó. Cái khó nhất là tìm được triết lý mới, thông điệp mới, cần câu chuyện rất nhân văn, cần sự dàn dựng chân thực, diễn xuất của các diễn viên có sức hút với khán giả. Làm phim chiến tranh không nên nghĩ chỉ làm cho khán giả đất nước mình xem. Quan trọng chúng ta tìm ra được bản sắc riêng của mình trong bối cảnh chung thế nào” - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn

Cái "tội" của phim chiến tranhNhững người viết huyền thoại cũng không thoát khỏi là mô tả về cuộc chiến theo mô típ sáo mòn và mờ nhạt: chiến tranh phải khốc liệt, nhân vật phải anh hùng. Thậm chí, những câu chuyện cũng được lặp đi lặp lại đến không xem cũng đoán được: tình yêu bị chia cắt, người thân chờ đợi nơi hậu phương, ranh giới mỏng manh giữa sự sống cái chết nơi chiến trường, sự hy sinh gian khổ của những người lính, những câu trêu đùa tếu táo của bộ đội. War Horse - bộ phim chiến tranh của đạo diễn Steven Spielberg được đề cử 6 giải thưởng Oscar - đã miêu tả cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất chỉ qua cuộc hành trình của một chú ngựa. Chú ngựa đã được chọn là nhân vật thể hiện điểm nhìn trong  phim, trong khi các nhà làm phim Việt Nam thường không biết đâu là điểm nhìn cho mình. Những người viết huyền thoại đã quá tham lam khi không chỉ muốn khắc họa chân dung của tướng Dinh - người đã trực tiếp chỉ huy xây dựng hệ thống tiếp xăng dầu cho chiến trường miền Nam - mà còn cả người lính giao liên Nghĩa thực hiện nhiệm vụ ở căn cứ bị địch đánh phá hằng giờ, những chiến sĩ văn công anh dũng vào chiến trường phục vụ bộ đội như Hà... Bởi vậy, bộ phim giống như một bức tranh hỗn độn, mờ nhạt, thiếu điểm nhấn.

Phim cũng không tránh khỏi cái “tội” tự biến thành bản “anh hùng ca". Những câu chuyện chiến tranh thường được kể từ một phía, mà cho dù từ nhiều phía thì vẫn không tránh được cách nhìn một chiều. Trong số hàng chục bộ phim chiến tranh Việt Nam đã xem, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho biết hầu như chỉ thấy các nhà làm phim miêu tả phía đối phương độc ác, ngu ngốc, khờ dại, trong khi phía ta luôn là những anh hùng. Một câu hỏi thường được đặt ra: xem phim chiến tranh điều đọng lại có phải là hình ảnh đẫm máu, tàn khốc của những cuộc chiến ? Siêu phẩm châu Á - My way (của đạo diễn Kang Je-gyu) khiến khán giả lặng đi không phải là hình ảnh ác liệt của chiến tranh, mà vượt lên trên sự phi nghĩa ấy, là tình bạn, tình người. Có lẽ các nhà làm phim chiến tranh Việt Nam đã quên mất họ còn mang sứ mệnh truyền tải những bức thông điệp sau những câu chuyện chết chóc, hy sinh kia.

Thực tế phim chiến tranh không hay cũng bởi nhà làm  phim có nhiều cái khó. Bao năm nay, phim chiến tranh vẫn thường được nhà nước đặt hàng. Đó có phải là nguyên nhân chính khiến phim không thế thoát khỏi lối mòn an toàn? 

Ngọc An

>> Phim chiến tranh Việt chưa hấp dẫn
>> Phim chiến tranh: Đã qua thời khan hiếm
>> Phim chiến tranh đầu tư nhiều vẫn chưa hay
>> Phim chiến tranh Việt chưa hấp dẫn
>> Phim chiến tranh phải thế!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.