Phim đồng tính không còn để bỡn cợt

12/12/2015 07:47 GMT+7

Nhiều bộ phim điện ảnh VN đã đề cập tới đề tài đồng tính một cách nghiêm túc trong thời gian gần đây.

Nhiều bộ phim điện ảnh VN đã đề cập tới đề tài đồng tính một cách nghiêm túc trong thời gian gần đây.

Chi Pu và Gil Lê trong phim 'Yêu', bộ phim về tình yêu đồng tính nữ - Ảnh: ĐPCCChi Pu và Gil Lê trong phim 'Yêu', bộ phim về tình yêu đồng tính nữ - Ảnh: ĐPCC
Từ Hot Boy Nổi Loạn đến... Yêu
Bộ phim Yêu (đạo diễn Việt Max) vừa ra mắt đã ghi dấu là bộ phim VN đầu tiên đề cập đến tình yêu đồng tính nữ một cách rõ ràng nhất. Cách đây 5 năm, Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt, gọi tắt là Hot boy nổi loạn (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) đã đi vào lịch sử của điện ảnh Việt là bộ phim về đồng tính nam nghiêm túc đầu tiên.
“Khoảng 10 năm trước, những nhân vật người đồng tính thường được đưa vào trong phim để gây tò mò và chủ yếu mang tính giải trí, câu khách. Các nhân vật đồng tính bị định dạng mang tính cách gây hài. Nhưng đến bộ phim Hot boy nổi loạn của Vũ Ngọc Đãng, nhân vật đồng tính thoát khỏi các định dạng khung trước đó mà được nhận diện đầy đủ hơn. Chính vì những yếu tố đó, có thể coi đây là bộ phim đồng tính nam đầu tiên của VN”, nhà phê bình điện ảnh Trương Quế Chi nhìn nhận tại buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề người đồng tính, diễn ra vào hôm khai mạc Liên hoan nghệ thuật Queer Forever lần thứ 2 (9.12).
Cũng từ sau Hot boy nổi loạn, nhiều nhà làm phim đã mạnh dạn đưa đề tài đồng tính và nhân vật đồng tính làm nội dung chính của nhiều bộ phim như Lạc giới, Cầu vồng không sắc, Yêu... “Chủ đề đồng tính không có gì phải cấm kỵ. Điện ảnh thế giới đã đề cập đến vấn đề này nhiều rồi. Trước đây chúng ta chỉ nhìn ở khía cạnh hài hước, gây cười, ít có phim nghiêm túc, nhưng gần đây, đã có những bộ phim nói về đề tài đó một cách văn minh”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận. Theo anh, điện ảnh Việt đang tiếp cận nhiều với đề tài đồng tính là bởi “chủ đề liên quan đến cuộc sống con người cũng là chủ đề điện ảnh. Chuyện đề cập nhiều tới đề tài này cho thấy điện ảnh Việt đang tiếp cận gần gũi với cuộc sống, phản ánh thực tế và cuộc sống đương đại đang diễn ra”.
Cảnh trong phim Hot boy nổi loạn - Ảnh: ĐPCC
Đồng tính không là đề tài chọc cười
Để Hội tính được nhiều người nhắc lại như một bộ phim đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng LGBT (người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới) tại buổi tọa đàm. Lương Thế Huy, một thành viên tích cực của cộng đồng LGBT chia sẻ: “Một bộ phim không thể lấy người LGBT ra làm trò cười như trong trường hợp Để Hội tính. Chúng ta không nên lấy những người yếu thế ra làm trò cười. Họ rất dễ bị tổn thương”. Không chỉ có Để Hội tính, một số bộ phim bị chỉ trích gay gắt đã phản ánh thiên kiến, có phần sai lệch về cộng đồng LGBT như Nàng men, chàng bóng, hay Cảm hứng hoàn hảo...
Trong khi đó, năm ngoái, bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng không chỉ tạo nên hiện tượng chưa có tiền lệ cho phim tài liệu Việt - bộ phim tài liệu đầu tiên phát hành thương mại, mà còn tạo nên sự đồng cảm sâu sắc trong khán giả về người đồng tính nam. Một trong những lý do để Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng tạo nên sức hút là đã đưa người xem đến với cuộc sống của những người đồng tính nam trong gánh hát lô tô. Ở đó, người ta được nghe những lời tâm sự, suy nghĩ thành thật về cuộc đời, tình yêu, mơ ước... và thấy những khắc nghiệt của cuộc sống, kỳ thị của người đời, nhưng cũng có cả tình thương yêu, sự đùm bọc giữa những con người cùng cảnh ngộ. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng vẫn chưa dừng lại, hiện đang tiếp tục được chiếu lại tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp - Idecaf (TP.HCM).
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng là người đã chấp bút cho kịch bản Chơi vơi, bộ phim đề cập đến đồng tính nữ đầu tiên, chia sẻ: “Đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn, cặn kẽ, chứ không phải để gây cười, bông đùa”.
Liên hoan nghệ thuật Queer Forever lần thứ 2 kết nối nghệ thuật đương đại, văn hóa VN với góc nhìn về LGBT, diễn ra từ ngày 9.12.2015 - 3.1.2016 tại Hà Nội. Liên hoan do Viện Goethe (Đức), Nhà sàn Collective tổ chức, gồm nhiều hoạt động triển lãm, tọa đàm, trong đó có thảo luận xoay quanh chủ đề LGBT trong điện ảnh Việt.
Thế giới cũng tôn vinh phim đồng tính
Bộ phim Carol kể câu chuyện đồng tính nữ, do Todd Haynes đạo diễn với phần diễn xuất chính của Cate Blanchet và Rooney Mara, vừa được Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (Mỹ) đề cử 5 giải Quả cầu vàng (Golden Globe Awards) 2016 hôm 10.12. Các đề cử gồm: Phim chính kịch hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim tâm lý (Cate Blanchet và Rooney Mara), Đạo diễn xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất. Carol là tác phẩm điện ảnh mà đạo diễn Todd Haynes và nhà biên kịch Phyllis Nagy mất 11 năm để chuyển thể từ tiểu thuyết The price of salt của Patricia Highsmith lên màn ảnh. Danh sách đề cử phim chính kịch hay nhất còn có: Mad Max: Fury road, The revenant, Room, Spotlight. Lễ trao giải Quả cầu vàng 2016 sẽ diễn ra vào ngày 10.1.2016 tại khách sạn Beverly Hilton, California (Mỹ).
Đ.T
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.