Phim, kịch tết: Kẻ khóc người cười

30/01/2020 07:00 GMT+7

Thực đơn sân khấu và màn ảnh rộng năm nay khá phong phú, tuy nhiên không phải món ăn nào cũng được lòng khán giả.

Phim Việt rượt đuổi doanh thu phòng vé

Phim Việt chiếu tết năm nay có 5 phim, nhưng chỉ có 3 phim giành được sự quan tâm của khán giả, đó là Gái già lắm chiêu 3, 30 chưa phải tết, Đôi mắt âm dương.

Phim Đôi mắt âm dương

Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Sau ngày mùng 1 tết (25.1), nhà sản xuất 30 chưa phải tết đã nhanh chóng công bố bộ phim “đứng đầu doanh thu so với các phim chiếu rạp khác trong ngày mùng 1 Tết Canh Tý với 11 tỉ đồng”. Thế nhưng sang các ngày sau, phim Gái già lắm chiêu 3 của đạo diễn NamCito - Bảo Nhân đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục với con số doanh thu trong 1 ngày lên đến 16 tỉ đồng. Hiện bộ phim tình cảm, hài hước về chuyện mẹ chồng nàng dâu, showbiz thị phi với dàn diễn viên trẻ đẹp Ninh Dương Lan Ngọc, Lê Xuân Tiền, Jun Vũ, Bình An cùng hai NSND Lê Khanh, Hồng Vân... đang dẫn đầu doanh thu phòng vé với khoảng 60 tỉ đồng, tính đến tối mùng 5 (có sự tham khảo trên website thống kê doanh thu phim Việt - Box Office). Như vậy, Gái già lắm chiêu 3 hiện đã soán ngôi doanh thu 5 ngày đầu chiếu tết, vượt qua con số 55 tỉ đồng mà Cua lại vợ bầu đạt được năm ngoái.
Trong khi đó, phim 30 chưa phải tết hiện thu được khoảng 43 tỉ đồng, đứng vị trí thứ 2 mùa phim tết. Phải nói bộ phim của đạo diễn Quang Huy có Trường Giang và Mạc Văn Khoa đóng chính ít nhiều bị ảnh hưởng ở khâu truyền miệng vì ngay mùng 2 tết, một số khán giả đã rần rần lên mạng nhắn tin đòi Trường Giang trả lại tiền vé, vì theo họ phim không hay, trong khi trước đó Trường Giang đã mạnh miệng tuyên bố: “Nếu phim dở tôi sẽ trả lại gấp 10 lần tiền vé cho khán giả”. Xét công bằng về chất lượng phim, 30 chưa phải tết không tệ, câu chuyện cảm động về tình thân trong gia đình được Trường Giang, Hồng Vân, Việt Anh diễn xuất tốt; và có sự mới mẻ ở ý tưởng làm phim về vòng lặp thời gian - đưa nhân vật trở đi trở lại ở một thời điểm để có cách hành xử khác. Tuy nhiên chính “vòng lặp thời gian” này khiến khán giả chê phim lủng củng. Việc phim vướng khâu kiểm duyệt, phải cắt gọt, chỉnh sửa, đến sát ngày chiếu mới được Hội đồng duyệt phim quốc gia cấp phép phát hành có lẽ là nguyên nhân dẫn đến phim bị khó hiểu và gãy ở một số phân đoạn. Tuy nhiên với sự hậu thuẫn của nhà sản xuất kiêm nhà phát hành CGV, 30 chưa phải tết sẽ có thể gây bất ngờ ở doanh thu khi số suất chiếu của các cụm rạp lớn này trong cả nước luôn dành ưu tiên cho “gà nhà”.

Vở Tía ơi con lấy chồng, Sân khấu 5B

Ảnh: H.K

Đôi mắt âm dương đang đứng ở vị trí thứ 3 với doanh thu trên 33 tỉ đồng. Vì chọn thể loại kinh dị, có ma quỷ..., nên bộ phim mới của đạo diễn Nhất Trung (diễn viên Thu Trang, Quốc Trường, Bảo Thanh...) gặp khó khăn hơn khi khán giả khó lòng chọn xem trong 3 ngày đầu năm. Tuy nhiên, khi đã hết tết, có thể doanh thu của phim sẽ được cải thiện vì đang được nhà sản xuất kiêm nhà phát hành Galaxy liên tục tăng suất chiếu ở khắp các tỉnh thành. Từ gần 900 suất ở ngày công chiếu đầu tiên, hiện tại Đôi mắt âm dương có hơn 1.300 suất/ngày.
Hai bộ phim Việt chiếu tết còn lại là Bí mật đảo linh xà (VN hợp tác với Hồng Kông) và Tiền nhiều để làm gì (đạo diễn Lưu Huỳnh) ngậm ngùi mất hút trên thị trường khi khán giả không đón nhận và doanh thu rất thấp - khoảng trên dưới 200 triệu đồng mỗi phim.

Đeo khẩu trang xem kịch tết

Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM) là nơi duy nhất để sẵn khẩu trang phát cho khán giả. Đạo diễn Ái Như nói: “Vô rạp thấy khán giả đeo khẩu trang gần hết nên mình sực nhớ, thế là đi mua khẩu trang về để tặng khán giả nào quên đem. Cẩn thận vậy cũng tốt”. Thông tin về dịch Corona cũng ảnh hưởng đến số vé bán ra. Dẫu vậy, Hoàng Thái Thanh vẫn diễn ngày 2 suất từ mùng 1 đến giờ, coi như đáng mừng.
Kịch Sài Gòn cũng than là bị Corona “quậy”, nhưng hỏi ra ngày nào cũng diễn 3 suất, bắt đầu mùng 5 thì còn 2 suất. Vậy cũng quá ngon lành. Nghệ sĩ Phương Bình và đạo diễn Hữu Nghĩa cùng chung tay quản lý sân khấu này, cho biết từ khi nghệ sĩ Mạnh Tràng qua đời thì sân khấu khó khăn nhưng anh em đã cố gắng giữ được truyền thống diễn 3 suất mỗi ngày tết, và mọi người lãnh cát sê đủ ăn tết một cách vui vẻ. Hiện nay Kịch Sài Gòn đang áp dụng chế độ “đồng cam cộng khổ”, cứ lấy doanh thu trừ đi tiền thuê rạp, điện nước... còn lại bao nhiêu thì chia đều cho “sếp” lẫn nhân viên.
Còn sân khấu Thế Giới TrẻIDECAF hình như “miễn nhiễm” với Corona, khán giả đông nườm nượp. “Ông bầu” Ngọc Hùng của Thế Giới Trẻ nói: “Từ mùng 2 đến mùng 10 chúng tôi diễn 3 suất mỗi ngày, sau đó là 2 suất cho tới rằm. Khán giả đặt vé trước cả chục ngày. Vở hot nhất là Cuộc chiến sắc đẹp với 20 diễn viên ăn khách”. Còn IDECAF cũng tưng bừng với 2 suất mỗi ngày.
Giám đốc Sân khấu kịch 5B Mỹ Uyên cảm động rơi nước mắt khi có nhiều khán giả tuổi 70, 80 mà chịu khó leo tới lầu 3 để xem. Nhiều khán giả bức xúc lên tiếng cho rằng phải có ngay thang máy cho 5B. 50% khán giả nơi đây là trung niên, nếu có thang máy thì lập tức số vé bán ra sẽ tăng thấy rõ.
Sân khấu Hồng Vân - Chợ Lớn lại làm thêm một vở nhạc kịch nữa là Bạch Xà truyện. Nhạc kịch làm công phu về âm nhạc, múa, vũ đạo, nhưng giá vé thì vẫn bằng một vở kịch bình thường. Cho nên sân khấu này xứng đáng với những tràng pháo tay của khán giả. Ngày tết, dù khán phòng chưa đông lắm, có thể vì còn quá mới, nhưng rõ ràng tạo được ấn tượng tốt đẹp.
Còn một ông bầu nữa là Trần Bùm đã “có gan” đem kịch ra Nhà hát Bến Thành. Vở Ra giêng anh cưới em phần 2 rất duyên dáng với Hoài Linh, Nhật Cường, Ngọc Trinh... đúng nghĩa là hài kịch “truyền thống” của mùa xuân. Khán giả ngồi tuy không kín hết khán phòng nhưng doanh thu cũng khả quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.