Tìm bối cảnh phải nhờ mối quan hệ
Mới đây, khi ra mắt bộ phim truyền hình Tiếng sét trong mưa (được phóng tác từ tác phẩm sân khấu nổi tiếng Lôi vũ), ê kíp làm phim cho biết vì phim mang màu sắc của Nam bộ xưa nên vấn đề bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Và một trong những lý do khiến kinh phí tăng lên chính là do không có phim trường.
Ê kíp Tiếng sét trong mưa đã phải chạy vạy khắp nơi và bằng các mối quan hệ để có được những bối cảnh mong muốn. Đạo diễn Phương Điền cho biết, lâu nay các phim về Nam bộ xưa thường vào những nhà cổ quen thuộc, dễ di chuyển, thuận tiện cho cả diễn viên và có mức giá thuê chừng mực. Nhưng vì không muốn hình ảnh trùng lặp trên phim nên để có bối cảnh ngôi nhà của bà hội đồng, anh đã đi khảo sát 100 nhà cổ khác nhau sao cho chọn bối cảnh phù hợp nhất trong khả năng có thể. Chưa kể giá thuê nhà mỗi ngày cả chục triệu (đã xin giảm được phân nửa), rồi tìm mua đạo cụ “cổ” phù hợp thời bấy giờ... Vì thế mà đạo diễn đã dành lời cảm ơn đầu tiên tới nhà sản xuất vì đã chấp nhận những yêu cầu của anh để đồng hành. Bởi thực tế, có nhiều kịch bản dù được nhà sản xuất khen hay nhưng vì điều kiện phim trường hạn chế mà bối cảnh được biên kịch “vẽ” ra không khả thi nên đành làm “của để dành”.
Chưa kể, theo đạo diễn Trần Quế Ngọc, có nơi gọi là phim trường mà thật ra chỉ như khu đất trống, muốn quay một làng quê ở đó cũng phải tốn tiền dựng nhà cửa, bến nước, con đò... nên cuối cùng chọn giải pháp thay thế. Chị cũng nửa đùa nửa thật rằng, bây giờ làm phim đa phần ê kíp cố gắng xin tài trợ bối cảnh từ các mối quan hệ, nếu không thì không thể quay nổi.
Phim hiện đại và mang màu sắc cổ xưa đã khổ vì thiếu phim trường như thế, huống gì phim cổ trang. Thiếu phim trường cũng là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến việc thiếu vắng các phim cổ trang VN. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (đang chuẩn bị cho dự án phim cung đấu Phượng khấu) thổ lộ, vì không có phim trường nên “nỗi khổ” nhất của anh em làm phim hiện nay chính là sự chắp vá bối cảnh. Anh cũng cho biết thêm, sau thời gian “đau đầu” tìm bối cảnh cho Phượng khấu (xoay quanh nội cung thời Nguyễn), đoàn phim đã chọn quay tại làng cổ Phước Lộc Thọ (Long An). “Chúng tôi chỉ xài được khung nhà thôi, vì đồ đạc bên trong mang “màu sắc” của địa chủ Nam bộ, không phải đồ Huế gốc, nên phải “lột” ra, đóng mới, dù vậy vẫn rẻ hơn dựng phim trường khác; còn mang đoàn phim ra Huế quay lại càng không khả thi”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói.
|
Một dự án phim cổ trang khác về Nguyên phi Ỷ Lan hiện cũng phải lùi lịch xa hơn, để chuẩn bị tốt hơn khâu đầu tư mọi mặt, trong đó có cả vấn đề về phim trường. Nhà sản xuất dự án này cho biết có thể sẽ kêu gọi hợp tác xây dựng phim trường ở An Giang, hoặc có thể nhắm đến phim trường của một tập đoàn lớn khi hoàn thiện trong thời gian tới.
Trước đó, để làm phim Tây Sơn hào kiệt, đoàn phim may mắn được người dân địa phương hỗ trợ nhiệt tình khi xây đồn Ngọc Hồi. Hay đoàn phim về anh hùng Nguyễn Trung Trực của đạo diễn Phan Hoàng may mắn được tỉnh Kiên Giang giúp đỡ, hỗ trợ 100% tiền phục chế tàu cũng như tạo nhiều điều kiện khác trong quá trình quay tại đây...
Cần sự bắt tay từ nhiều phía
Nhiều đạo diễn chua chát rằng, nhà nước từng đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng trường quay Cổ Loa (Hà Nội), hoặc tạo điều kiện tối đa cho dự án phim trường cổ trang Yên Tử (Quảng Ninh); TP.HCM cũng từng có phim trường của HTV ở Củ Chi... nhưng đến nay hoặc xuống cấp, hoặc chưa biết khi nào mới khai thác được. “Đa phần hiện nay là những phim trường mini dùng để quay game show hay nội cảnh cho các phim, thường gọi là studio. Một nền điện ảnh - truyền hình trải qua hàng chục năm phát triển mà không có lấy phim trường chuyên nghiệp đúng nghĩa thì nói gì đến chiến lược phát triển điện ảnh”, một nhà sản xuất giấu tên nhận định.
Theo đạo diễn Trần Quế Ngọc, phim trường nước ngoài là cả một dây chuyền chuyên nghiệp từ xưởng đóng đạo cụ đến kho chứa phục trang. Trong khi ở ta lại thiếu thốn mọi thứ, làm phim trường mà đội ngũ làm nghề chưa được đào tạo chuyên nghiệp, hiếm có cơ hội tiếp cận với sự tiến bộ, không có được sự tham vấn đúng tầm... thì ước mơ về một phim trường đúng nghĩa chắc vẫn còn xa.
Với góc nhìn lạc quan hơn, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bày tỏ: “Nhìn sang các nước châu Á, phim trường đâu chỉ để quay phim, mà còn khai thác nhiều dịch vụ khác, nếu có sự nghiên cứu, có tầm nhìn và có sự hợp tác thành dây chuyền của nhiều phía từ tư nhân, người làm phim cũng như hỗ trợ từ nhà nước. Dân số VN rất trẻ, tiềm năng phát triển điện ảnh của VN theo đánh giá mới đây từ tập đoàn kinh tế đa ngành của Hàn Quốc là rất lớn, nên các nhà đầu tư cần mạnh dạn hơn với thị trường này, mà đầu tư cho phim trường là một trong những bước đi đầu tiên. Tôi cho rằng tư nhân không phải không có tiền mà cần có chủ trương, chính sách cụ thể và chủ động từ nhà nước để họ có niềm tin hơn khi đầu tư xây dựng”.
|
Bình luận (0)