Phim Việt cần được quảng bá nhiều hơn

19/10/2010 00:45 GMT+7

Chiều 18.10, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm đề xuất giải pháp tăng cường sản xuất phim VN với sự tham gia của các nhà làm phim, hoạt động điện ảnh VN, Hàn Quốc và Singapore.

Các nhà hoạt động điện ảnh nước ngoài đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc sản xuất phim, có thể coi là những bài học cho ngành điện ảnh VN. Ông Lee Yong Kwan - Giám đốc LHP quốc tế Pusan (Hàn Quốc) nói: “Nền điện ảnh Hàn Quốc mới chỉ thực sự phát triển từ những năm đầu thập niên 90. Chính phủ đã có những hỗ trợ tích cực về kinh phí, chính sách. Cũng từ những năm đó, đã có những bộ phim bắt đầu được đầu tư sản xuất từ nguồn vốn của tư nhân. Có những hoạt động điện ảnh nhà nước không thực hiện được có thể kết hợp giữa các công ty, tập đoàn tư nhân, nhà sản xuất trong khu vực”.

Ông Kim Ji Seok - Giám đốc chương trình của LHP quốc tế Pusan cho rằng, LHP là dịp để các bộ phim trong nước có thể xuất khẩu. “Tại LHP quốc tế Pusan, phim VN đã nhận được phản ứng tốt từ phía khán giả. Theo tôi, khi sản xuất phim chúng ta nên nghĩ tới việc thu hồi vốn đầu tư, bán phim như thế nào và nên tham gia các liên hoan phim quốc tế. Tại đây, các nhà làm phim VN có thể quảng bá, tranh thủ sự hợp tác từ quốc tế” - ông nói.

Giám đốc LHP quốc tế Singapore cho rằng, các nhà làm phim VN cần “trao đổi, lắng nghe khán giả”.  Ông cũng bày tỏ: “Tôi đã từng xem phim VN và rất thích, tôi muốn xem nhiều bộ phim hơn nữa nhưng không hiểu tại sao lại có quá ít cơ hội. Nếu các bạn quan tâm vấn đề này, thì tôi nghĩ tình hình điện ảnh cũng sẽ được cải thiện”.

Đạo diễn Lê Hoàng có nhiều trăn trở với điện ảnh nước nhà. Theo ông, trước khi tính nhiều đến chuyện đưa phim VN ra nước ngoài thì cần xem lại nền điện ảnh của chính mình. Ông cho rằng, việc đầu tư làm phim của nhà nước hiện nay còn lãng phí, có những thiết bị đắt tiền nhưng vẫn chưa được tận dụng hết. Nhiều bộ phim sản xuất trong nước vẫn được mang ra đem in tráng tại nước ngoài trong khi chúng ta đã xây dựng nhiều trung tâm điện ảnh. Để nền điện ảnh không bị chết thì phải có nền điện ảnh bán vé. Ông bày tỏ: “Làm sao để người VN mua vé chứ không phải giấy mời thì nền điện ảnh VN mới sống được”.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.