Phố núi trong tôi

28/07/2020 08:00 GMT+7

Có một thành phố nhỏ bé nơi cao nguyên để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Đó là miền đất của những giấc mơ nơi bàn tay con người đã biến dòng sông thành nguồn điện thắp sáng cho buôn làng...

Ở nơi ấy, cách đây gần 20 năm lần đầu tôi thấy dòng chữ: "Vinh quang thuộc về những người làm thủy điện" của những người công nhân thủy điện Sông Đà bên dòng Sesan huyền thoại. Đó là quê hương của những nhà máy thủy điện tầm cỡ như Yaly, Sesan 3, Sesan 4, H’Mun… nằm ở tỉnh Gia Lai, phía bắc Tây nguyên, thuộc miền Trung nước ta.
Nhưng không chỉ có thế, Gia Lai còn có viên ngọc của mình là Pleiku, thành phố nhỏ bé như một thị trấn miền sơn cước, cứ chiều chiều sau cơn mưa là bảng lảng sương mù. Ở nơi này, nhạc sĩ Phạm Duy đã có bài hát rất hay trên nền thơ Vũ Hữu Định:
"Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương ..." (Còn chút gì để nhớ)
Ám ảnh mùi nhựa thông và những con dốc gợi nhiều cảm xúc. Phố Wừu vẫn có những tiếng cười ấm áp xung quanh ly cà phê bốc khói, đậm đặc, thoáng dung nhan em gái “Pleiku má đỏ môi hồng” tóc thẫm ướt sương chiều. Sau nhiều năm trở lại, anh khách lạ nay tóc đã điểm bạc, ngồi quán ven đường, kiên nhẫn chờ Sĩ Phú ca xong mới nhẹ lòng châm điếu thuốc để khói bay vương vít như làn lụa xanh êm ái chạm vào tán lá xanh, bọc lấy những trái thông nâu trong khoảnh khắc trước khi tan biến. Đô thị nhỏ bé kiểu thị trấn trong tầm tay, ngồi quán nhỏ ngắm chiều sương xuống, người qua lại vừa đủ, không đông đúc không thưa thớt, xa hẳn cái mùi khói xe kẹt đường ở Hà Nội hay Sài Gòn. Chỉ có mùi nhựa thông cứ tràn lên xộc vào khứu giác. Cảm giác bình yên.
Anh tự hỏi lòng còn hay không những giấc mơ thời niên thiếu, mơ có lẵng quả thông và một chiếc nhẫn bằng thép để tặng cho ai kia làm quà như trong truyện của Pautốpxki. Núi rừng đã được đánh thức từ lâu, đại ngàn đã trở thành huyền sử khi không còn những thợ săn voi lẫm liệt dạng Amakong. Dường như mọi thứ đã được lập trình để sinh ra rồi biến mất. Nhưng có sao đâu, hữu sinh hữu diệt, quy luật luân hồi đâu có trừ ai.
“Phố núi cao phố núi trời gần,
phố xá không xa nên phố tình thân…”
Vẫn còn đó Biển Hồ Tơ Nưng như viên ngọc quý đính trên mái tóc xanh của Pleiku. Vẫn còn đó ngọn núi lửa Chư Dang Ya hoang vắng cô độc rực rỡ cúc quỳ. Vẫn còn đó hàng thông già kiêu hãnh trong nhẫn nại làm nhân chứng cho bao thăng trầm lịch sử. Vẫn còn đó cổ kính tiếng chuông chùa Minh Thành pha lẫn nhịp cầu kinh trong trầm hương phảng phất. Và, như sự sống muôn đời bất diệt, đêm xuống, vẫn còn đó những cặp tình nhân tay trong tay dạo phố, âm thầm trao những nụ tình, sương khói mong manh.

Du khách cưỡi voi ngoạn cảnh sông Sêrêpôk mùa cạn ở Buôn Đôn, Đắk Lắk

Ảnh: Ngọc Quyền

Anh lại háo hức tìm cho mình những chuyến đi như một thời thanh niên sôi nổi. Dọc con đường đất đỏ bụi mờ sau vệt bánh xe, những hàng thông xanh vẫn tuôn trào nhựa sống, bám đất bám hồ, tạo cho Tây nguyên vẫn xanh như lời hát năm xưa. Xanh của trời, xanh của rừng, xanh cả trong lòng người dù trung niên lỡ cỡ nhưng vẫn còn mê mải muốn rong chơi.
Không chỉ riêng Pleiku hay Gia Lai, mà còn cả Kon Tum, Đắk Lắk,… hiếm có mảnh đất nào nhiều nắng, nhiều gió, nhiều đặc sản, nhiều tình cảm như Tây nguyên. Hỏi có biết bao nhiêu bài hát đã viết về miền đất này và đều có chỗ đứng trong lòng người vì tất cả những gì đẹp đẽ nhất của Tây nguyên đều được phô bày qua lời hát. Nào là vẻ đẹp thiên nhiên “tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy gài chông” (Tháng ba Tây nguyên - Thân Như Thơ – Văn Thắng), đến vẻ đẹp con người của “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy” (Đôi mắt Pleiku – Nguyễn Cường), đẹp đến mức “không dám nhìn vào đôi mắt ấy”, chắc có lẽ vì sợ phải lòng, rồi cái tình thân ái của đêm xoang với rượu ghè dịu ngọt, “anh vít cần mà không dám uống” (Đêm xoang Tây nguyên – Nguyễn Cường) vì sợ say trong điệu xoang nhịp nhàng mà lạc mất em thôi.
Nhưng đẹp nhất vẫn là bầu trời, trời Tây nguyên xanh, xanh, xanh thẳm, sự phóng khoáng cao rộng đó khiến tâm hồn con người khoáng đạt hơn, dễ dàng chia sẻ và tha thứ cho nhau hơn, để luôn có cảm giác muốn “cầm tay anh đưa em đi trên đường dài” (Tình ca Tây nguyên – Hoàng Vân). Để tình yêu biến thành động lực sống, để vượt qua mọi thử thách khó khăn, để tình yêu lứa đôi hòa chung trong tình yêu đất nước.
Cảm xúc với Pleiku của hai mươi năm trước, giờ lại ngập hồn người lữ khách tóc điểm sương.
Còn đêm nữa thôi, rồi lại ra đi nhẹ nhàng như bao lần, đến rồi đi, rồi lại hẹn ngày trở lại. Phố núi sương mờ, tự hỏi lòng còn chút gì để nhớ, để thương?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.