Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: An toàn cho người dân phải là ưu tiên số 1

23/11/2010 01:05 GMT+7

Bên lề phiên chất vấn hôm qua, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã trả lời báo giới về vấn đề mà cử tri đang quan tâm: an toàn của hồ chứa thủy điện.

Thưa ông, có đại biểu cho rằng việc xả lũ từ các hồ thủy điện làm tăng thêm thiệt hại cho đời sống người dân trong thời gian qua. Thực tế thì nguyên nhân từ việc xả lũ của hồ thủy điện đến đâu?

Cũng có nguyên nhân của thủy điện nhưng như Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã phát biểu: tình hình thời tiết có diễn biến bất thường, lượng mưa trong vòng 7 ngày mà bằng cả năm. Chưa từng bao giờ phải đi chống lụt ở Ninh Thuận mà vừa rồi đã phải làm việc đó.

Vấn đề cần rút kinh nghiệm, điều hành tốt hơn đối với việc xả lũ là ở chỗ: trước mùa mưa bão các tỉnh có các đoàn đi kiểm tra các hồ thủy điện. Việc quan tâm tới các hồ chứa là vấn đề rất quan trọng, trước mùa mưa lũ phải đi kiểm tra, đánh giá xem cái hồ này có đảm bảo về quan trắc, về chất lượng hay không để quyết định cho phép nó tích nước hay không?

Trên thực tế, vẫn có sự lo lắng về việc buông lỏng trách nhiệm, ví dụ như đập Hố Hô, khi phát hiện ra kẹt cứng cửa xả thì đoàn kiểm tra của tỉnh phát hiện là không có người trực trong lúc đó. Nếu vài ba thủy điện của một tỉnh mà cứ “quên” trực như vậy thì xảy ra sự cố nguy cơ dưới hạ du rất nguy cấp?

Đúng như vậy. Hố Hô có đặc điểm là hồ đang xây dựng, chưa vận hành nên thiết bị chưa chuẩn và người vận hành chưa chuẩn. Tuy nhiên, đó cũng là thực tế cần phải rút kinh nghiệm. Vừa rồi tôi cũng đã cho đoàn đi kiểm tra ở đó và chắc chắn sẽ phải xử lý những người có trách nhiệm.

Quy trình được đặt ra đúng, vận hành đúng nhưng trong trường hợp mưa lớn và vẫn phải xả lũ thì phải làm thế nào?

Phải đặt địa vị của người dân ở dưới hạ du, chọn ngập thêm hay chọn vỡ hồ. Trong trường hợp này thì không có hồ thì nước lũ vẫn về bằng đấy cho nên phải chọn giải pháp không tồi hơn. Vấn đề chính để đảm bảo an toàn cho hạ du là phải thông báo trước tới tất cả các xã, các huyện, ban chỉ huy phòng chống lụt bão ở dọc con sông đó, để người ta kịp sơ tán.

Ví dụ, Hố Hô khi xảy ra sự cố thì việc đầu tiên là phải sơ tán dân, kể cả chưa biết có khắc phục được sự cố đó hay không nhưng cứu dân vẫn là ưu tiên số 1. Có thể ngập nhưng không được thiệt hại về tính mạng người dân.

Mặc dù đã có quy trình chặt chẽ nhưng từ trước tới nay chưa xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Vậy thời gian tới sẽ có những động thái gì quyết liệt hơn trong việc xử lý các vi phạm tương tự như ở sông Ba Hạ?

Vấn đề ở sông Ba Hạ thì doanh nghiệp đó phải xử lý ca trực đã không báo cho UBND. Vi phạm này không đến mức Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc hay phải đưa ra tòa án vì chưa gây chết người.

Chính phủ có chủ trương là kiên quyết dừng những thủy điện không hiệu quả. Vậy những thủy điện nào được xem là không hiệu quả và không cần thiết?

Theo báo cáo mới nhất là sẽ cho dừng 38 thủy điện ở miền Trung, việc rà soát vẫn đang được tiếp tục. Việc này là hoàn toàn bình thường, quy hoạch mới chỉ là bước đầu; từ quy hoạch mới lập ra dự án, lập dự án rồi mới biết có hiệu quả hay không... Nếu không hiệu quả thì bỏ và lại điều chỉnh quy hoạch.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.