Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận

22/09/2019 17:22 GMT+7

Sáng 22.9, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận năm 2019.

Dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019, còn có Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh, đại diện các bộ, ban ngành T.Ư.
Phát biểu khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội. Với bờ biển dài 192 km, kết nối với các tỉnh duyên hải Nam trung bộ, vùng Tây nguyên và đặc biệt là cửa ngõ với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và TP.HCM. Trong những năm qua, đặc biệt là kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2017, đã thu hút được 264 dự án với dòng vốn từ các nguồn lực xã hội là 53.000 tỉ đồng. Đã có 1.730 doanh nghiệp được thành lập với nguồn vốn trên 32.000 tỉ đồng. Tiềm lực của nền kinh tế có bước tăng trưởng vượt bậc. GRDP của tỉnh trong năm 2018 tăng 8,08%, 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 8,2%, ước cả năm 2019 sẽ có mức tăng trưởng 8,6%. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay của nền kinh tế tỉnh này.
Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai trao chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Chủ tịch Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai trao chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Ảnh: Q.H

Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Thuận thực hiện đổi mới chiến lược của nền kinh tế với phương châm: “Kết nối tiềm lực - Phát triển bền vững” dựa trên ba trụ cột chính của nền kinh tế là phát triển du lịch, mà trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Phát triển công nghiệp, năng lượng sạch và thứ ba là nông nghiệp công nghệ cao với chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cam kết, chính quyền các cấp sẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Thuận được triển khai dự án đúng như cam kết với phương châm hai bên cùng có lợi.

Phải làm cho du khách đến lưu trú 10 ngày, nửa tháng!

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng Bình Thuận có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế. Với mức tăng trưởng GRDP 8,6% là con số khá ấn tượng. Việc Bình Thuận chọn phát triển và tái cấu trúc nền kinh tế dựa trên ba trụ cột chính là du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghệ cao là đúng hướng.
Phó thủ tướng đề nghị Bình Thuận tập trung khai thác tốt kinh tế biển và phải làm giàu từ biển như Nghị quyết T.Ư 8 (khóa 12) đã nêu; gắn khai thác tiềm năng kinh tế biển với giữ gìn vững chắc chủ quyền biển đảo. Bởi vì Bình Thuận là một trong ba ngư trường lớn nhất cả nước.
Để phát triển kinh tế, Bình Thuận cần có các giải pháp đồng bộ, có cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chứng kiến lễ ký ghi nhớ hợp tác của các nhà đầu tư với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chứng kiến lễ ký ghi nhớ hợp tác của các nhà đầu tư với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ảnh: Quế Hà

“Tôi và lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát nhiều nơi, tiềm năng của Bình Thuận còn rất lớn, nhất là quỹ đất. Cần khai thác tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và phù hợp hơn. Việc giao đất cho các nhà đầu tư phải đấu giá theo quy định của pháp luật”, Phó thủ tướng nói.
Đi vào phân tích “3 trụ cột” của kinh tế Bình Thuận, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, phát triển du lịch Bình Thuận hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bình Thuận cần thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng về quy hoạch Mũi Né trở thành Khu du lịch quốc gia. “Hiện nay du khách đến Bình Thuận lưu trú chỉ 1,5 ngày, trước đây du khách lưu trú là 3 ngày. Vậy là không được. Phải làm sao cho du khách đến Mũi Né nghỉ dưỡng và lưu trú 10 ngày thậm chí là nửa tháng, một tháng và quay lại nhiều lần”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Kiên quyết chống tệ quan liêu tham nhũng

Về chiến lược phát triển kinh tế trong những năm tới, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bình Thuận phải thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế tư nhân như Nghị quyết T.Ư 10 đã đề ra. Trong đó phải chú trọng sự liên kết với các vùng miền và đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía nam và TP.HCM. Tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, chú trọng các nhà đầu tư chiến lược với tầm nhìn xa để huy động mọi nguồn lực của xã hội, tạo ra nhiều nguồn lực đầu tư, không ỷ lại trông chờ vào viện trợ của T.Ư. Để làm được điều đó, phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học. Phải tạo ra bộ máy trong sạch, nói không với quan liêu, kiên quyết chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng. Minh bạch, công khai trong chính sách phát triển, đặc biệt là phải đấu giá đất, không để tình trạng khiếu kiện của người dân kéo dài. Song song với đó là phải tháo gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp. Bình Thuận phải trở thành tỉnh mạnh về kinh tế, an ninh quốc phòng, đứng trong tốp 10 tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh của cả nước.
Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký thỏa thuận ghi nhớ với 13 nhà đầu tư chiến lược trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, chế biến, công nghệ cao. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã trao giấy phép đầu tư cho 11 nhà đầu tư về bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch. Tổng nguồn vốn thu hút vào các dự án này là trên 46.000 tỉ đồng. Riêng các dự án đầu tư nước ngoài được ký ghi nhớ với tổng nguồn vốn lên đến 17 tỉ USD, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà (H.Hàm Thuận Nam) là dự án lớn nhất từ trước đến nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.