Phối hợp chống lại hành vi gây rối trên Biển Đông

25/07/2019 07:30 GMT+7

Ngày 24.7, Đô đốc nghỉ hưu Scott H.Swift (ảnh), người giữ chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) từ tháng 5.2015 - 5.2018, đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên qua email về tình hình Biển Đông.

Đánh giá các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì sự ổn định và an ninh tại vùng biển này, cựu tư lệnh Swift nhận định như sau:
Nhiều quan điểm tại Úc đánh giá cao nỗ lực và sự kiên quyết của VN trong việc đẩy lùi các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Các đảng phái chính trị lớn tại Úc cũng ủng hộ nỗ lực của VN. Thực sự rất đáng lo ngại khi Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 bị vi phạm, quyền lợi của các quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bị xâm hại. Đó là lý do tại sao Mỹ, Pháp, Anh, Úc và nhiều nước khác đã triển khai những hoạt động hải quân tại đây nhằm phản ứng các hành vi của Trung Quốc.

Giáo sư John Blaxland (Chuyên nghiên cứu an ninh - tình báo quốc tế, Đại học Quốc gia Úc)

Khi xảy ra tranh chấp chủ quyền trên biển, các quốc gia liên quan cần giải quyết bằng cách đưa ra bằng chứng pháp lý, chứ không phải áp dụng vũ lực, ép buộc để đạt mục tiêu. Trong bối cảnh đó, nếu nước nào biến vũ lực và cưỡng bách trở thành công cụ thay vì đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế, thì luật pháp quốc tế sẽ bị giảm đi. Lòng tin sẽ sụt giảm nếu sự biện minh và tranh luận của các quốc gia như thế không được vận dụng dựa trên luật pháp và lịch sử.
Khi việc sử dụng vũ lực và cưỡng bách được dùng đến sẽ dẫn đến hậu quả sự bất ổn có thể vượt ra khỏi cả nội dung tranh chấp. Như thế, niềm tin về các quy tắc chung dựa trên sự đồng thuận toàn cầu cũng bị giảm sút. Kết quả là, bất ổn không chỉ về mặt hàng hải mà còn lan ra rộng hơn. Các góc độ ngoại giao, thông tin, quân sự, kinh tế, tài chính và pháp lý cũng bị mất ổn định theo. Khi điều này xảy ra, tất cả các nước có lợi ích phù hợp với nền tảng luật pháp quốc tế có nghĩa vụ phải chung tay hành động, nhằm thể hiện cam kết duy trì trật tự quốc tế.
Phương thức để duy trì trật tự quốc tế là hành động hiệu quả ở những khu vực mà trật tự thế giới bị mất ổn định. Hành động hiệu quả là hợp tác đa phương, đặc biệt có cả sự tham gia của những bên không có lợi ích cụ thể trong khu vực tranh chấp.
Đây là cách để chống lại các hành vi gây mất ổn định quốc tế. Có như thế mới thể hiện trách nhiệm đối với quốc tế, cam kết đối với an ninh, ổn định mà thế giới phải trải qua nhiều đánh đổi mới có được.

Cộng đồng quốc tế cần hành động

Tối qua (theo giờ VN), Hội thảo thường niên về Biển Đông lần thứ 9 (ảnh), do Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến minh bạch an ninh hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tổ chức, đã diễn ra tại Washington D.C (Mỹ). Tham dự hội thảo có hàng chục chuyên gia quốc tế đến từ nhiều nước, nhằm đánh giá các diễn biến, căng thẳng trên Biển Đông và thảo luận, đề xuất giải pháp để đảm bảo an ninh, ổn định cho vùng biển này.
Theo chương trình, Đô đốc Scott H.Swift cũng sẽ có bài phát biểu chủ đạo tại hội thảo vào chiều 24.7 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 25.7 theo giờ VN).
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 24.7, một trong các diễn giả theo chương trình có mặt tại hội thảo là TS Prashanth Parameswaran (Biên tập viên cấp cao của chuyên san The Diplomat) cho rằng: “Những gì Trung Quốc đang tiến hành trên Biển Đông cho thấy nước này chăm chăm đạt được lợi ích mà bất chấp nguy cơ leo thang căng thẳng, luật pháp quốc tế”.
Đánh giá thêm về vai trò của Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với an ninh, ổn định trên Biển Đông, ông Parameswaran khẳng định: “Mỹ cùng các nước khác cần phản ứng thường xuyên và nhất quán hơn về những hành vi gây tổn hại tự do và rộng mở ở Biển Đông. Họ cần xem xét hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn khi những hành vi sai trái tái diễn trên Biển Đông”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.