Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ thế nào ?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
14/04/2021 08:20 GMT+7

Để ngăn chặn lây lan, trường phải phát hiện sớm những trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng và những ca này phải cho nghỉ học ít nhất 10 ngày. Sau đó vệ sinh sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bám, đồ chơi, đồ dùng…

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết khoảng một tuần trở lại đây, số ca bệnh tay chân miệng điều trị tại bệnh viện tăng đột biến, gấp đôi so với thời điểm trước đó, trong đó có nhiều ca bị biến chứng nặng.

Cảnh báo Tay Chân Miệng vào mùa, số ca bệnh nặng gia tăng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo.
Có thể nhận biết bệnh qua một số triệu chứng như sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày. Khi nặng hơn trẻ sẽ bị loét miệng, vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, chân, gối…
Đối với phòng bệnh cho trẻ trong trường mầm non, bác sĩ Khanh cho rằng các quy tắc phòng bệnh này trong môi trường trường học đã có từ lâu, vấn đề là ban giám hiệu và giáo viên phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài ra, phụ huynh cũng phải chủ động bảo vệ con mình, tránh những chùm bệnh lây lan gần nhà.

Bùng phát dịch tay chân miệng- phụ huynh và giáo viên cần làm gì để tránh lây nhiễm chéo?

Để ngăn chặn lây lan, trường phải phát hiện sớm những trẻ có dấu hiệu bệnh và những ca này phải cho nghỉ học ít nhất 10 ngày. Sau đó vệ sinh sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bám, đồ chơi, đồ dùng…
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện nhiều nhất là vào tháng 4, 5, 6. Bệnh cần phải phát hiện sớm và được điều trị kịp thời vì rất nhiều trẻ bị biến chứng nặng, nếu để bệnh đến độ 3, 4 thì sẽ ảnh hưởng đến tim mạch có thể gây tử vong. Thời gian biến chứng có thể rất nhanh, tùy thể trạng từng bé, có trường hợp vừa phát hiện xong thì 1 - 2 giờ sau đã tử vong, vì bệnh có thể biến chứng nặng chỉ sau 6 tiếng khởi phát.
Cũng theo bác sĩ Khanh thì bệnh có thể tăng mạnh trong thời gian tới, vì đây mới chỉ là thời điểm đầu mùa bệnh.
Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Bình Chánh, nhận định: “Nói chung, các trường phải tăng cường vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn cho trẻ khá tốt, nhưng việc phụ huynh chăm sóc trẻ ở nhà cũng rất quan trọng. Vì có những trường hợp ở các khu nhà trọ, hộ dân có chùm bệnh nếu phụ huynh không biết tách trẻ ra, để chơi chung thì rất dễ lây bệnh. Những bé này sau đó khi vào trường lại lây sang cho bạn khác nếu không phát hiện kịp thời”.
“Hiện nay trường học đang phải phòng chống rất nhiều dịch bệnh, như tay chân miệng, sốt xuất huyết, Covid-19 nên các trường luôn trong tình trạng phòng bệnh từ việc đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe các em hằng ngày, nhờ đó có thể phát hiện được bệnh sớm. Nhưng các trường cũng rất vất vả vì đây là thời gian bệnh tay chân miệng vào mùa cao điểm”, bà Ly nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.